App “Y tế trực tuyến” giúp xử lý nhiều cơ sở thẩm mỹ trái phép

VietTimes – Nhờ app “Y tế trực tuyến”, TP.HCM thời gian gần đây liên tiếp phát hiện xử lý thêm nhiều cơ sở thẩm mỹ trái phép, hoạt động “chui”.
TP.HCM vừa phát hiện thêm 3 cơ sở vi phạm pháp luật trong hành nghề dịch vụ thẩm mỹ và chuyên khoa thẩm mỹ tại các địa bàn quận Bình Thạnh, quận 1 và quận 10 (Ảnh: SYT)

Mới đây, lực lượng chức năng trên địa bàn TP.HCM vừa phát hiện thêm 1 cơ sở chăm sóc da không phép, 1 phòng khám chuyên khoa da liễu có quảng cáo bác sĩ người nước ngoài không phép, 1 phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ có nhiều người hành nghề không đăng ký theo quy định.

Quận Bình Thạnh

Qua thông tin phản ánh của người dân gửi đến Sở Y tế về một cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không phép trên địa bàn quận Bình Thạnh, Thanh tra Sở Y tế đã phối hợp với Công an TP.HCM và chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra đột xuất một cơ sở tại căn hộ số A19-24 block A, chung cư số 4, Phan Chu Trinh, Phường 12, Quận Bình Thạnh. Kết quả kiểm tra cho thấy đây là một cơ sở dịch vụ chăm sóc da không phép, Đoàn kiểm tra phát hiện cơ sở này còn có máy chăm sóc da, trang thiết bị y tế, thuốc, kim tiêm.

Quận 1

Qua thông tin phản ánh của người dân trên app “Y tế trực tuyến”, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Công an TP.HCM, Phòng Y tế quận 1 đã tiến hành kiểm tra đột xuất phòng khám chuyên khoa Thẩm mỹ tại địa chỉ số 84 Lê Thị Riêng, phường Bến Thành, quận 1.

Qua kiểm tra, phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ thuộc Công ty TNHH thẩm mỹ viện Thủy Tiên có nhiều người tham gia hành nghề nhưng không đăng ký với Sở Y tế theo quy định và chưa xuất trình được chứng chỉ hành nghề theo quy định của pháp luật, ngoài BS Dương Anh Tuấn là người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của phòng khám theo Giấy phép hoạt động do Sở Y tế cấp.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện cơ sở này còn đào tạo học viên phun, xăm nhưng chưa cung cấp được hồ sơ pháp lý về đào tạo học viên. Cơ sở này có trang web www.thammyvienthuytien.com có đăng tải quảng cáo các dịch vụ thẩm mỹ, livetream các dịch vụ nhưng chưa xuất trình được hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo theo quy định.

Nở rộ các cơ sở thẩm mỹ trái phép, hoạt động "chui" (Ảnh: SYT)

Quận 10

Qua thông tin phản ánh của người dân trên app “Y tế trực tuyến”, Thanh tra Sở Y tế phối hợp với Công an TP.HCM, chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra đột xuất phòng khám chuyên khoa Da liễu thuộc Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế TaTa Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh tại địa chỉ số 66, 68 và 70 đường Ba Tháng Hai, phường 12, quận 10.

Qua kiểm tra, phòng khám chuyên khoa Da liễu này có dấu hiệu thực hiện các kỹ thuật ngoài danh mục kỹ thuật được phê duyệt, phát hiện một bệnh nhân đang được tư vấn về thẩm mỹ và điều trị lại do mặt bị sưng to và chai cứng sau khi đã cấy chỉ căng da mặt tại cơ sở này từ tháng 12/2020.

Ngoài ra, Đoàn kiểm tra còn phát hiện trong hồ sơ của cơ sở này còn có một hồ sơ cá nhân của người nước ngoài (quốc tịch Hàn Quốc, tên Back Dong Huyn), cùng các giấy phép lao động được cấp với chức danh công việc là quản lý chất lượng thiết bị y tế tại một địa chỉ tại quận Đống Đa, Hà Nội, tuy nhiên, cơ sở này lại có bảng quảng cáo cùng hình ảnh của Dr. Back Dong Huyn. Kiểm tra quảng cáo trên trang web “tataclinic.com”, Đoàn cũng phát hiện cơ sở có đăng tải các dịch vụ thẩm mỹ và hình ảnh bác sĩ người nước ngoài, nhưng chưa xuất trình hồ sơ xác nhận nội dung quảng cáo.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các cơ sở này ngưng ngay việc hoạt động chăm sóc da, phẫu thuật thẩm mỹ, tháo gỡ ngay tất cả các nội dung quảng cáo khám chữa bệnh trên tất cả các trang mạng khi chưa có đầy đủ hồ sơ pháp lý theo quy định. Thanh tra Sở Y tế giao Phòng Y tế quận Bình Thạnh, quận 1 và quận 10 phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương giám sát chặt việc ngưng hoạt động tại địa chỉ trên. Thanh tra Sở Y tế tiếp tục làm rõ việc các cá nhân đã thực hiện dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở trên và xử lý nghiêm sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, tại nhiều quận, lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý rất nhiều phòng khám “chui” hoạt động không phép.

Trước đó, TP.HCM vừa phát hiện xử lý "Viện Thẩm mỹ 792 C-R” hoạt động không phép trên địa bàn quận Tân Bình (Ảnh: SYT)

Cần lắm những “tổ phản ứng nhanh”

TP.HCM với 131 bệnh viện, hơn 200 phòng khám đa khoa, hơn 6.000 phòng khám chuyên khoa, và gần 7.000 nhà thuốc tư nhân cho thấy công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh kịp thời phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật còn rất nhiều khó khăn và thách thức.

Thực tế đã chứng minh Thanh tra Sở đã gặp không ít khó khăn để tìm ra các chứng cứ vi phạm pháp luật khi đến cơ sở để kiểm tra thực tế nếu chỉ căn cứ vào nguồn thông tin phản ánh được đăng tải trên các báo, đài (vì các cơ sở đã chủ động có hành vi đối phó).

Tuy nhiên, từ khi triển khai ứng dụng “Y tế trực tuyến”, một công cụ ứng dụng công nghệ thông tin đơn giản trên điện thoại thông minh giúp phát huy sự tham gia chủ động của người dân trong phản ánh thông tin trực tiếp đến Thanh tra Sở Y tế các cơ sở có biểu hiện vi phạm pháp luật.

Đặc biệt, ưu tiên thử nghiệm trong lĩnh vực thẩm mỹ đã giúp lực lượng chức năng phát hiện và xử lý một số lượng lớn các phòng khám “chui”, cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ trá hình, vốn là lĩnh vực kinh doanh “nóng” nở rộ lâu nay.