Áp lực từ nhiều phía với các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam

VietTimes -- Ngoài áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội dung số trong và ngoài nước, chính sách chưa theo kịp sự phát triển, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam còn phải chịu sức ép rất lớn khi chính các nhà mạng cũng trực tiếp kinh doanh dịch vụ gia tăng, thay vì tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo hệ sinh thái cho nội dung số phát triển.
Các sản phẩm nổi bật của ngành công nghiệp nội dung số được đề cập và biết đến nhiều đó là các sản phẩm về game, âm nhạc, hình ảnh, nội dung cho các mạng di động, quảng cáo internet, thương mại điện tử… Ảnh: Internet
Các sản phẩm nổi bật của ngành công nghiệp nội dung số được đề cập và biết đến nhiều đó là các sản phẩm về game, âm nhạc, hình ảnh, nội dung cho các mạng di động, quảng cáo internet, thương mại điện tử… Ảnh: Internet

Đó là một trong những nội dung được ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thông số Việt Nam đưa ra bàn thảo tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE với chủ đề "Phát triển đa dạng hoá dịch vụ 4G LTE nhằm mang lại chất lượng và hiệu quả cho tổ chức và người tiêu dùng" do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG Việt Nam tổ chức dưới sự chủ trì của Bộ Thông tin và Truyền thông, vừa diễn ra chiều qua (27/7).

4G là tiền đề cho dịch vụ nội dung số chất lượng cao

Trong phát biểu phân tích định hướng phát triển các dịch vụ nội dung số trên nền tảng 4G, ông Xuân Cường đánh giá, việc phát triển 4G LTE tại Việt Nam, tuy chậm hơn một số quốc gia nhưng các nhà mạng đã chính thức triển khai 4G với 3,5 triệu khách hàng. So với các nước trong khu vực, dịch vụ 4G tại Việt Nam được đánh giá là giá rẻ và dễ tiếp cận. Tuy nhiên các nhà mạng cần cải thiện chất lượng dịch vụ, nâng cao chất lượng đường truyền, đảm bảo kết nối cho khách hàng đúng như cam kết.

Về khả năng tác động của công nghệ 4G, ông Nguyễn Xuân Cường cho rằng 4G tạo ra xa lộ thông tin. Việc gia tăng thuê bao 4G với các ứng dụng video và mạng xã hội, cũng như lợi thế của kết nối 4G với các thiết bị IoT sẽ tạo tiền đề cho xu hướng bùng nổ của 4G, cho sự phát triển dịch vụ nội dung số chất lượng cao trong vài năm tới.

Là một trong những người khởi xướng dịch vụ Nội dung số tại Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Cường nhận định, công nghiệp nội dung số là ngành giao thoa giữa 3 nhóm ngành: CNTT, viễn thông và ngành sản xuất nội dung. Đó là ngành công nghiệp thiết kế, sản xuất, xuất bản, lưu trữ, phân phối, phát hành các sản phẩm nội dung số và dịch vụ liên quan. Nó bao gồm nhiều lĩnh vực như: tra cứu thông tin, dữ liệu số, giải trí số, nội dung giáo dục trực tuyến, học tập điện tử, thư viện và bảo tàng số, phát triển nội dung cho mạng di động, giải trí số (trò chơi trực tuyến, trò chơi tương tác), thương mại điện tử…

Các sản phẩm nổi bật của ngành công nghiệp nội dung số được đề cập và biết đến nhiều đó là các sản phẩm về game, âm nhạc, hình ảnh, nội dung cho các mạng di động, quảng cáo internet, thương mại điện tử….

Trong gần một thập kỷ qua, ngành Công nghiệp nội dung số tại VN đã có những bước phát triển vượt bậc, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong cơ cấu toàn ngành CNTT. Trong giai đoạn 2008 - 2014, doanh thu ngành Công nghiệp nội dung số tăng từ 480 triệu USD lên 1,4 tỷ USD, với mức tăng trưởng xấp xỉ 20%/năm. Ngành Công nghiệp nội dung số đang thu hút hơn 4.500 doanh nghiệp tham gia sản xuất và tạo việc làm cho hơn 70.000 lao động.
Các dịch vụ của ngành công nghiệp này là dịch vụ cung cấp các sản phẩm qua mạng như dịch vụ chăm sóc sức khỏe; dịch vụ đào tạo trực tuyến; dịch vụ cung cấp thông tin về kinh tế-xã hội, ngân hàng, chứng khoán, dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước…

Những triển vọng cũng như kỳ vọng đối với công nghiệp nội dung số ở Việt Nam là rất lớn. Với những lợi thế về nguồn nhân lực và chất lượng lao động, Việt Nam đang cho thấy đây là một vườn ươm khởi nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực nội dung số.

Triển khai 4G LTE vốn đầu tư cao, nên để thu hồi, các nhà mạng không còn con đường nào khác phải đẩy mạnh phát triển dịch vụ nội dung, giá trị gia tăng để thỏa mãn yêu cầu khách hàng, để khách hàng dùng dịch vụ dữ liệu nhiều hơn.

Các doanh nghiệp nội dung số đang muốn hợp tác với các nhà mạng để dịch vụ nội dung số phát triển đồng bộ, đảm bảo hiệu quả khai thác thương mại trên nền tảng 4G LTE.

Với thế mạnh về nguồn nhân lực và chất lượng lao động, Việt Nam đang là thị trường vườn ươm khởi nghiệp tiềm năng trong lĩnh vực nội dung số. Khi IoT phát triển cùng 4G LTE, các dịch vụ nổi bật của công nghiệp nội dung số như mạng xã hội, truyền hình số, đào tạo trực tuyến, thành phố thông minh, thương mại điện tử,… sẽ có bước phát triển mạnh, tạo thêm nhiều việc làm và nguồn thu mới.

Nhà mạng cần có chính sách kinh doanh ổn định

Trao đổi về việc ngành Công nghiệp Nội dung số của Việt Nam tuy phát triển nhưng quy mô nhỏ và cạnh tranh khắc nghiệt, ông Xuân Cường cho rằng ngành nghề nào đều có những áp lực, từ cả nội tại và bên ngoài. Ngành Nội dung số Việt Nam còn rất non trẻ, nhưng đã phải chịu nhiều áp lực, từ áp lực cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nhỏ lẻ trong lĩnh vực nội dung số, đến những áp lực về chính sách chưa theo kịp sự phát triển của ngành mới nên đã vô hình chung tạo nên sự bất bình đẳng giữa các loại hình doanh nghiệp cùng kinh doanh tại thị trường Việt Nam.

Áp lực từ nhiều phía với các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam ảnh 1Ông Nguyễn Xuân Cường, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Truyền thông số Việt Nam.

“Ngoài ra, nội tại thị trường trong nước cũng có khá nhiều vấn đề. Trong cộng đồng doanh nghiệp nội dung số tại Việt Nam, có những doanh nghiệp bài bản, tuân thủ pháp luật, đạo đức kinh doanh để phát triển bền vững thì cũng có những doanh nghiệp tính đường ngắn, có lúc vượt rào về chính sách, vì lợi ích ngắn hạn mà vi phạm vấn đề về bản quyền”, Phó Chủ tịch Hội Truyền thông số thẳng thắn.

Ông Xuân Cường cũng bày tỏ, công nghiệp nội dung số Việt Nam muốn phát triển trên nền băng rộng thì cần gắn liền với hạ tầng do nhà mạng cung cấp. Và thực tế cho thấy, hiện tốc độ phát triển của ngành nội dung số quá nhanh trong khi năng lực quản lý của các nhà mạng chưa theo kịp với các loại hình dịch vụ đang triển khai tại Việt Nam. Trong bối cảnh đó, thay vì tập trung vào sở trường để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo ra hệ sinh thái để các doanh nghiệp phát triển kinh doanh, thì các nhà mạng trực tiếp kinh doanh dịch vụ gia tăng. Việc này tạo ra những chính sách bất bình đẳng giữa các đơn vị triển khai kinh doanh dịch vụ của nhà mạng với các doanh nghiệp nội dung số thực thụ, gây ra những hậu quả đáng tiếc, làm hạn chế doanh thu, cản trở sáng tạo của nhà mạng.

Theo đó, ông Nguyễn Xuân Cường đề xuất, các nhà mạng cần có chính sách kinh doanh ổn định, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội dung số đầu tư dài hạn.

Nói riêng về việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp nội dung số tại thị trường trong nước, từng có kinh nghiệm nhiều năm làm trong lĩnh vực nội dung số, Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty VTC nhận định môi trường kinh doanh, chính sách của Việt Nam hiện chưa đủ để chặt chẽ để tạo ra sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Trong khi các doanh nghiệp nội dung số trong nước phải tuân thủ các điều chỉnh của nhiều văn bản quy phạm pháp luật thì các doanh nghiệp nước ngoài phát huy được thế mạnh không biên giới của dịch vụ vì họ không phải chịu những rào cản như vậy.

Ông cũng bày tỏ kỳ vọng, trong tương lai gần, các doanh nghiệp nội dung số Việt Nam không chỉ tích luỹ được nguồn lực để tái đầu tư mà tích luỹ được cả kinh nghiệm, vốn,… và tận dụng được tính không biên giới của dịch vụ, đặc biệt là tại các thị trường có tính chất tương đồng với thị trường Việt Nam.

Trong phạm vi hoạt động của Hội Truyền thông số, Hội đã có những tương tác, phân tích, trao đổi, phản ánh ở góc độ hội nghề nghiệp liên kết, nhằm hỗ trợ các đơn vị hội viên phát huy được thế mạnh, tiến tới thắt chặt hợp tác với các nhà mạng để dịch vụ nội dung số phát triển đồng bộ, đảm bảo hiệu quả khai thác thương mại trên nền tảng 4G LTE, ông Xuân Cường cho biết thêm.