Anonymous trở lại

Sau cái chết của George Floyd, biểu tình và bạo loạn lan khắp nước Mỹ, kèm theo đó là sự trở lại của nhóm hacker đình đám.

Theo The Atlantic, màn quay lại của Anonymous bắt đầu sau sự xuất hiện một video trên mạng xã hội. Trong video, một người mặc đồ đen, mang chiếc mặt nạ Guy Fawkes quen thuộc, đề cập về cái chết của George Floyd và cảnh báo sẽ vạch trần tội ác của những cảnh sát có liên quan với thế giới.

Đoạn video khiến trang Anonymous trên Twitter có thêm hàng triệu lượt theo dõi mới.

Sau khi video được tung ra, các cuộc tấn công vào sở cảnh sát liên tiếp xuất hiện. Một số tờ báo cho rằng chính Anonymous đã hack website sở cảnh sát Minneapolis. Vài tuần sau đó, một người được cho là thành viên tổ chức tin tặc này lộ ra hàng trăm GB dữ liệu nội bộ của hơn 200 cơ quan cảnh sát ở Mỹ.

Số tài liệu này tiết lộ việc các cơ quan thực thi pháp luật đã phát tán thông tin sai lệch, cũng như theo dõi hành vi những người biểu tình trên mạng xã hội.

Anonymous được cho là đứng sau các hoạt động đánh phá website cảnh sát Mỹ trong thời gian gần đây. Ảnh: Inverse.

Trở lại từ bóng tối

Anonymous từng đạt đến đỉnh cao sự nổi tiếng vào những năm đầu thập kỷ 2010. Tuy nhiên, gần đây nhóm này không có hoạt động gì mới, dẫn đến việc nhiều người cho rằng Anonymous đã lụi tàn. Mãi cho đến khi mặt nạ Guy Fawkes đặc trưng xuất hiện trở lại trong video gửi tới sở cảnh sát Minneapolis.

Cây bút Dale Beran của tờ Atlantic là một trong những người nghi ngờ sự trở lại của Anonymous. Ông tìm ra nguồn gốc của video trên từ một trang tin tức ủng hộ nhóm tin tặc này. Chủ nhân đoạn video nhấn mạnh mình không phải hacker mà chỉ là người truyền tải lại thông điệp, lý tưởng của Anonymous lên mạng xã hội.

Song, nhiều thành viên của Anonymous khẳng định nhóm đang quay trở lại.

Anonymous, ở một mức độ, là cộng đồng phi tập trung của những nhà hoạt động chính trị, chia thành các “nhóm” hoạt động độc lập với nhau. Những thành viên của Anonymous cho rằng đây không phải là tổ chức, mà là một biểu tượng. Ai cũng có thể đứng lên và làm những việc nhân danh Anonymous.

"Những kẻ ẩn danh" cũng tự nhận đại diện công lý ngoài vòng pháp luật, như những siêu anh hùng hướng về lẽ phải mà luật pháp thông thường với quy trình phức tạp không duy trì được. Ý tưởng này lại càng nổi bật hơn trong thời điểm hiện tại, khi đối tượng thực thi công lý - cảnh sát - đang không được lòng một bộ phận công chúng.

Anonymous được lòng công chúng bởi những "chiến tích" của mình. Song, ảnh hưởng nhóm này gây ra là tích cực hay tiêu cực vẫn cần được đánh giá kỹ lưỡng. Ảnh: Medium.

Một số nguồn tin cho biết các thành viên nhóm này đang quay trở lại và điều phối nhiều hoạt động mới. Đây là cách hoạt động thông thường của Anonymous. Đầu tiên, một video xuất hiện và trở nên phổ biến, gây nên làn sóng ủng hộ.

Đôi lúc, nhóm này sẽ đứng lên ủng hộ các hoạt động biểu tình bằng cách hack máy quét cảnh sát, làm sập trang web hoặc rò rỉ dữ liệu. Tuy nhiên, trong những năm qua, nhóm tin tặc này có sự thay đổi đáng kể.

Khó có thể tin rằng nhóm tin tặc lừng danh thế giới bắt đầu từ một diễn đàn của những cậu trai mới lớn.

Vào giữa những năm 2000, trên hai diễn đàn trực tuyến nổi tiếng bấy giờ là Something Awful và 4chan nổi lên một nhóm với cái tên “những kẻ thích đùa”. Họ trò chuyện trong các phòng chat, tâm sự trên mạng và cả gặp nhau ở ngoài đời.

Cuối cùng, những người này tự gọi mình là Anonymous. Nếu không điền tên người dùng, 4chan sẽ mặc định để tên “Anonymous” (ẩn danh). Đây là khởi nguồn của cái tên nổi tiếng khắp thế giới hiện tại.

Những gã trai thích đùa


Aubrey Cottle là một trong số thành viên đời đầu của Anonymous. Anh và bạn cũng là những người đầu tiên sử dụng mặt nạ Guy Fawkes. Ban đầu, nhóm này thường xâm nhập các trang web khác, quấy rối người dùng trong các phòng chat hoặc phá game. Khi 4chan cấm tổ chức những cuộc xâm nhập web trái phép như thế, Anonymous chuyển qua diễn đàn do Cottle tạo ra: 420 chan. Từ đó, Cottle như người lãnh đạo của Anonymous.

Năm Cottle 20 tuổi, một người đàn ông đến từ Cơ quan Tình báo An ninh Canada mời anh hợp tác, dùng khả năng của mình để chống lại những tổ chức khủng bố như Al-Qaeda. Aubrey từ chối, một phần nghi ngờ điều này, phần vì anh nghĩ mình không đủ năng lực.

Chẳng bao lâu sau cuộc viếng thăm của người nhân viên chính phủ, Anonymous xuất hiện trên bản tin của Fox và bị cho là một tổ chức khủng bố. Bản tin khiến cả nhóm thích thú. Hack chỉ là việc họ làm vì vui, nhưng trong mắt truyền thông và chính phủ, đây là đội quân đầy quyền lực, có thể làm bất cứ điều gì.

Từ đó, nhóm tin tặc này bắt đầu tham gia vào các hoạt động chính trị như nhắm vào trang web Khoa luận giáo, hay tấn công Hal Turner - kẻ ủng hộ Chủ nghĩa Quốc xã mới.

Những người đeo mặt nạ Guy Fawker vốn là hình ảnh quen thuộc trong các cuộc biểu tình tại Mỹ. Ảnh: Cityam.

Khi các hoạt động của Anonymous dần có khả năng tác động đến công chúng, nhiều thành viên mới nhận ra những việc họ làm không chỉ dừng lại ở đùa cợt cho vui nữa.

Hiện Anonymous chia làm hai nhóm chính, một là những người hoạt động chính trị, còn lại là những kẻ thích đùa cợt, hành động vì mục tiêu cá nhân. Cottle dẫn đầu phe thích đùa, nhưng cánh của anh sớm mất quyền kiểm soát tổ chức.

Nhóm cũng thay đổi phương thức hoạt động vì một số thành viên đi tù khi công khai việc làm của mình. Số thành viên cảnh giác hơn thì không còn dùng Internet Relay Chat (giao thức trao đổi cấp tốc giữa các máy chủ toàn cầu, người dùng có thể truy cập bằng các phần mềm đặc biệt) để tổ chức hoạt động. Mạng xã hội duy nhất nhóm này sử dụng là Twitter.

“Chúng tôi đã trưởng thành rất nhiều, ít ra đối với tôi là vậy. Trong khoảng thời gian 2010-2012, chúng tôi sẽ làm bất cứ việc gì để chứng minh quan điểm của mình. Giờ chúng tôi nhận ra mình có thể vô tình ảnh hưởng đến người khác theo cách tiêu cực”, một thành viên Anonymous chia sẻ.

Theo Zing