Anh sẵn sàng tấn công “cắt điện” Kremlin và Moscow

VietTimes -- Truyền thông Anh tiếp tục hâm nóng tinh thần “bài Nga”. Ngày 07.10.2018, tờ Sunday Times dẫn nguồn các quan chức an ninh cao cấp cho biết, lực lượng tác chiến mạng Hoàng gia Anh sẵn sàng tấn công cắt điện Kremlin nói riêng và Moscow nói chung, trong tình huống diễn ra xung đột chống lại các thành viên NATO.
Hacker tấn công mạng không gian ảo. Ảnh minh họa Rusvesna
Hacker tấn công mạng không gian ảo. Ảnh minh họa Rusvesna

Tờ The Sunday Times dẫn nguồn các quan chức an ninh cao cấp cho rằng, lực lượng quân sự Anh có quá ít năng lực để chống lại cuộc tấn công của Kremlin nếu không tính đến khả năng phải sử dụng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân Trident.
Trong tình huống này, chính phủ Anh kết luận, một cuộc tấn công  mạng quy mô lớn là lựa chọn duy nhất để không phải sử dụng vũ khí hạt nhân đáp trả "sự xâm lược của Nga". Xuất phát từ kết luận này, chính phủ Anh muốn phát triển khả năng và lực lượng tấn công mạng của vương quốc để "tắt đèn trong điện Kremlin" nếu cần thiết.

Các quan chức an ninh Anh cho rằng điều này sẽ cung cấp cho Anh nhiều cơ hội hỗ trợ đồng minh hơn nếu Nga quyết định tiến chiếm các đảo nhỏ ở Estonia hoặc nhảy vào Libya giành quyền kiểm soát dầu mỏ và gây ra một cuộc khủng hoảng di cư mới vào châu Âu.

Ngoài ra, các quan chức cũng hy vọng Anh sẽ có thể đáp trả bằng một cuộc tấn công không gian mạng nếu các lực lượng vũ trang Nga bất ngờ tấn công lực lượng quân sự Anh hoặc đe dọa tàu sân bay mới của Anh, được trang bị F-35B do Mỹ sản xuất.

Nhưng chính Chánh Văn phòng Thủ tướng Anh David Lidington một mặt tuyên bố rằng các nước phương Tây nên thận trọng đối với Nga, tăng cường an ninh mạng nhưng đồng thời cần phải tiến hành đối thoại với Moscow.

Các quan chức quốc phòng Anh muốn kết hợp với các loại vũ khí phòng thủ khác là khả năng tấn công mạng, trong đó bao gồm cả việc đánh sập nguồn điện Moscow, tắt nguồn trong điện Kremlin. Điều đó sẽ cung cấp cho Anh thêm nhiều lựa chọn để ngăn chăn nếu ông Putin ra lệnh cho Nga tấn công các quốc gia đồng minh NATO chứ không phải sử dụng vũ khí hạt nhân ngăn chặn.

Theo nguồn tin từ The Sunday Times, chiến dịch tấn công mạng sẽ được triển khai, nếu Nga tấn công Lybia hoặc các quốc gia châu Âu (được hiểu là các quốc gia vùng Baltic).

Như vậy, báo chí Anh vô tình đã thông báo về một chiến dịch khiêu khích mới. Các quốc gia phương Tây sẽ tăng nhiệt tâm lý căng thẳng và kích động chống Nga theo ba nguyên nhân: Baltic, Libya và tấn công không gian mạng.

Ở nhiều quốc gia NATO đã thành lập các đơn vị tác chiến không gian ảo. Hiện nay các lực lượng hacker quân sự này cần lý do để tiến hành cuộc tấn công trên quy mô lớn. Một trong những lý do có thể là đà chiến thắng của bộ trưởng quốc phòng, tướng Khalifa Haftar trong cuộc nội chiến ở Libya. Vì lý do nào đó, phương Tây cho rằng ông Haftar thân thiết với Nga, có thể do quân đội Lybia bắt đầu thể hiện rõ quyết tâm tiêu diệt IS.

Một lý do mơ hồ khác là tiến hành các cuộc "tấn công" mạng vào các trang mạng chính phủ của các nước cộng hòa Baltic. Các cuộc tấn công khiêu khích thường xuyên xảy ra với môth sự đều đặn. Đơn cử, mạng xã hội Latvia draugiem.lv bị tấn công vào ngày bầu cử ở Sejm

Khi người dùng cố gắng mở trang web, một bức ảnh tổng thống Nga xuất hiện, nhạc quốc ca Nga và thông điệp sau đây xuất hiện: “Thế giới Nga có thể và nên kết hợp mọi người sử dụng, yêu quý tiếng Nga và văn hóa Nga, dù họ sống ở đâu, ở Nga hay nước ngoài”. Truyền thông phương Tây cũng sử dụng cụm từ “Thế giới Nga” thường xuyên hơn.

Trong hai năm qua, phương Tây thường xuyên buộc tội Nga tiến hành các cuộc tấn công mạng chống lại các quốc gia khác và liên kết với các nhóm hacker. Trong các đoạn mã code, hacker bằng một lý do nào đó để lại các dấu hiệu dẫn đến Nga hoặc xuất hiện các biểu tượng Nga như “ảnh tổng thống, hình tượng gấu, cờ búa liềm” khiến cộng đồng xã hội nghi ngờ. Nhưng không có bất cứ bằng chứng chính xác nào liên quan đến các tổ chức hacker, được cho rằng do điện Kremlin hậu thuẫn và ra lệnh.

Cách đây không lâu, tình hình lại diễn ra căng thẳng sau khi Bộ Quốc phòng Hà Lan thông báo về việc ngăn chặn thành công "cuộc tấn công của hacker" vào trang thông tin điện tử Tổ chức Cấm sử dụng vũ khí hóa học. Cuộc tấn công mạng này, theo tuyên bố của Bộ quốc phòng Hà Lan, do 4 công dân Nga thực hiện. Những người đáng ngờ đã bị trục xuất khỏi quốc gia này vào tháng 04.2018.

Những diễn biến tình huống cho thấy, trong tương lai gần có thể diễn ra một chiến dịch tấn công mạng quy mô rất lớn nhằm vào Nga, có thể nhằm mục đích đánh sập hoặc gây tổn thất nặng nề về tư tưởng và vật chất, liên quan đến mạng thông tin cộng đồng, mạng thông tin độc lập.

Các lực lượng an ninh đặc biệt Nga cần chuẩn bị cho một cuộc chiến quy mô lớn trong không gian mạng. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từng nhấn mạnh, trong World Cup 2018 đã có tới 25 triệu cuộc tấn công mạng được thực hiện chống Nga. Nhưng đây tạm thời mới chỉ là cuộc trinh sát hỏa lực. Khi Nga bắt đầu vô hiệu hóa chính sách đối ngoại của châu Âu hoặc Trung Đông, NATO có thể sẽ tiến công theo hướng mạng không gian ảo với tất cả các lực lượng và sức mạnh.