Ngày 23/1, trang Army Recognition, dẫn tuyên bố của RBSL cho biết, Challenger 3 sẽ được trang bị thế hệ giáp mới nhất, khiến phương tiện chiến đấu trở thành một trong những xe tăng được bảo vệ tốt nhất trên thế giới.
RBSL đã đạt được kết quả ấn tượng trong dự án phát triển xe tăng mới cho quân đội Anh, bắt đầu một loạt thử nghiệm để chứng minh khả năng hoạt động và hiệu suất thực sự của Challenger 3 trước khi được phép sản xuất đủ 148 xe.
Xe tăng chủ lực (MBT) Challenger 3 có hệ thống giáp mô-đun đột phá, nâng Challenger 3 lên vị thế một trong những xe tăng chủ lực được bảo vệ tốt nhất trên thế giới. Hệ thống giáp mô-đun mới có được khả năng bảo vệ chưa từng có nếu so với tất cả các loại xe tăng tiên tiến trên thế giới, gia tăng khả năng sống sót của kíp xe trước những mối đe dọa nguy hiểm nhất hiện nay và trong tương lai trên chiến trường.
Công nghệ giáp tiên tiến này là một minh chứng cụ thể cam kết của nhóm RBSL, tối đa hóa sự an toàn và hiệu quả chiến đấu của xe tăng, cung cấp cho phương tiện chiến đấu khả năng phòng thủ mạnh mẽ trong môi trường chiến tranh hiện đại.
Hệ thống giáp mô-đun thế hệ tiếp theo của Anh, kết hợp với tháp pháo được số hóa hoàn toàn, cung cấp khả năng mạnh mẽ, có thể chống lại tất cả các loại đạn phóng lựu chống tăng và tên lửa chống tăng hiện đại trên thế giới. Xe tăng cũng được trang bị hệ thống bảo vệ chủ động Trophy (APS) tăng cường khả năng phòng thủ và thiết lập một tiêu chuẩn mới về giáp xe tăng.
Challenger 3 là xe tăng chiến đấu chủ lực mới của Anh. Xe là phiên bản hiện đại hóa sâu rộng của Challenger 2. Nguyên mẫu lần đầu tiên được ra mắt vào năm 2021. RBSL đã ký kết hợp đồng với Bộ Quốc phòng, sản xuất 148 chiếc xe tăng (MBT) mới cho quân đội Anh.
Khả năng hoạt động ban đầu dự kiến sẽ nhận được vào năm 2027 khi lô 18 xe tăng đầu tiên được chuyển giao. Tổng cộng 14 xe tăng sẽ được chuyển giao cho các đơn vị chiến đấu của Quân đội Anh, 4 xe tăng còn lại được sử dụng để nghiên cứu thử nghiệm và đào tạo chuyên gia. Challenger 3 có kế hoạch nhận được “khả năng vận hành đầy đủ” vào năm 2030. Quy trình nâng cấp này sẽ kéo dài thời gian sử dụng của các xe tăng Challenger 3 đến sau năm 2040.
Quy mô lực lượng xe tăng của Quân đội Anh hiện đang suy giảm nhanh chóng. Đầu những năm 1980, Quân đội Anh có 900 xe tăng. Do đó số xe tăng Challenger 3 mới dù có tốt đến đâu thì cũng không còn là lực lượng thiết giáp đột phá trên chiến trường. 148 xe tăng này sẽ chỉ đủ cho 2 trung đoàn lực lượng phản ứng nhanh.
Challenger 3 sử dụng thân xe của Challenger 2 với động cơ và hệ thống treo nâng cấp. Xe tăng được trang bị tháp pháo công nghệ cao hoàn toàn mới và pháo tăng mới. Xe có khối lượng 66 tấn, chiều dài 11.5 mét với nòng súng phía trước, thân xe dài 8.3 mét, rộng 3.5 mét, cao 2.5 mét.
Xe tăng Challenger 3 được trang bị pháo nòng trơn L55A1 120 mm/L55 mới nhất của Rheinmetall, có khả năng bắn tất cả những loại đạn tiên tiến của NATO. Cơ số đạn là 50 viên. Đây là phiên bản hiện đại hóa của pháo tăng Đức Rheinmetall Rh-120. Loại pháo này được lắp đặt trên Leopard 2A6, 2A7 của Đức và Altay của Thổ Nhĩ Kỳ. Pháo tăng này được cho là có độ chính xác và khả năng xuyên giáp lớn hơn L30E4 120 mm của Challenger 2.
Ngoài ra, Challenger 3 được trang bị thêm một súng máy đồng trục 7,62 mm và một súng máy 7,62 mm trên tháp pháo. Cơ số đạn 4000 viên.
Cho đến thời điểm ra mắt Challenger 3. Anh là quốc gia duy nhất sử dụng pháo có rãnh xoắn dành cho xe tăng trong tất cả các quốc gia NATO. Pháo nòng trơn mới có khả năng sử dụng loại đạn tiên tiến nhất hiện có của NATO. Loại đạn này có thể được lập trình trước theo mục đích sử dụng để đạt được hiệu quả sát thương, phá hủy cao nhất khi tấn công mục tiêu.
Challenger 3 được trang bị hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến với các camera quang điện tử và camera quang ảnh nhiệt tầm xa kỹ thuật số, cho phép chiến đấu hiệu quả ngày đêm, trong mọi điều kiện thời tiết và tầm nhìn kém. Hệ thống kính ngắm có khả năng phát hiện, xác định và theo dõi mục tiêu tự động. Camera kỹ thuật số hoạt động tương tự như camera điện thoại thông minh, nhận dạng đối tượng, tự động lấy nét và xác định mục tiêu.
Hệ thống điều khiển hỏa lực cũng bao gồm kênh quan sát tầm nhìn toàn cảnh của chỉ huy xe, cho phép pháo thủ nhanh chóng xác định và tấn công các mục tiêu trên chiến trường theo chỉ thị của chỉ huy xe.
Challenger 3 có hệ thống quản lý chiến trường tiên tiến, kết nối với mạng thông tin chiến thuật chiến trường và các phương tiện chiến đấu khác như máy bay không người lái (UAV) và các đơn vị bộ binh.
Thân xe Challenger 2 được thiết kế với cấp độ bảo vệ tốt nhất trên thế giới, cung cấp cấp độ bảo vệ rất cao chống lại các loại đạn chống tăng tấn công trực tiếp. Lớp giáp mô-đun mới sẽ đưa khả năng bảo vệ thân xe và tháp pháo của Challenger 3 lên tầm cao mới, có thể chống lại các loại đạn động năng tiên tiến mới nhất.
Challenger 3 vẫn duy trì kíp lái gồm 4 người, bao gồm chỉ huy xe, pháo thủ số 1, pháo thủ số 1 nạp đạn và lái xe.
Động cơ và hệ thống treo giảm xóc của Challenger được nâng cấp. Xe lắp đặt động cơ diesel Perkins CV12 TCA, có công suất đến 1 200 mã lực. Tốc độ cực đại đạt 60 km/h khi chạy trên đường bê tông, phạm vi hoạt động là 500 km. Những cải tiến hệ thống treo giảm xóc cũng giúp xe ổn định hơn, tăng cường độ chính xác của hỏa lực khi đang di chuyển.
Nick Berchem, Phó Giám đốc Dự án Challenger 3 tại RBSL, trong cuộc họp báo đã nhấn mạnh triết lý thiết kế xe tăng của nhóm, tập trung vào sự an toàn, hiệu quả sử dụng và sự thoải mái cho kíp xe, đồng thời tích hợp những phản hồi của người dùng để sửa đổi, nâng cấp trên mọi giai đoạn phát triển. Ông đảm bảo rằng Challenger 3 sẽ là phương tiện chiến đấu quan trọng hàng đầu của Quân đội Anh, sự kết hợp hoàn hảo giữa hỏa lực mạnh với các biện pháp bảo vệ tiên tiến nhất.
Theo Army Recognition