Anh: Kế hoạch tiêm virus corona cho người khỏe mạnh gây tranh cãi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Chính phủ Anh đang cân nhắc thực hiện những nghiên cứu đầu tiên mà trong đó cho những người khỏe mạnh bị nhiễm virus corona chủng mới với mục đích đẩy nhanh tiến trình phát triển vaccine ngừa COVID-19.
Một số chủng vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng nên cần có tình nguyện viên để tham gia (Ảnh: Reuters)
Một số chủng vaccine ngừa COVID-19 đang trong giai đoạn thử nghiệm cuối cùng nên cần có tình nguyện viên để tham gia (Ảnh: Reuters)

Ý tưởng có tên gọi thử nghiệm “thách thức con người” đã dần lấy được động lực trong bối cảnh COVID-19 lan rộng khắp thế giới, tuy nhiên lại làm dấy lên tranh cãi rằng kiểu “hy sinh thân mình” này liệu có thể chấp nhận, hay mang lại lợi ích như thế nào? Thế nhưng ngày càng có thêm nhiều người tình nguyện đăng ký để tham gia vào các cuộc nghiên cứu này.

“Chúng tôi đang làm việc với các đối tác để tìm hiểu xem liệu chúng tôi có thể hợp tác phát triển vaccine COVID-19 thông qua các nghiên cứu thách thức con người như thế nào” – một quan chức đại diện cho Chính phủ Anh nói với Reuters – “Các cuộc thảo luận này là một phần trong kế hoạch nghiên cứu cách thức điều trị, hạn chế và ngăn chặn virus corona, để chúng ta có thể ngừng đại dịch này sớm hơn”.

Việc chờ đợi tình nguyện viên bị nhiễm COVID-19, từ đó tìm hiểu xem vaccine có hữu hiệu không, có thể mất nhiều tháng hoặc thậm chí nhiều năm. Các cuộc thử nghiệm thách thức này có thể giúp đẩy nhanh tiến độ bằng cách đặt tình nguyện viên vào con đường lây lan của virus, mặc dù các nhà khoa học vẫn đang trong quá trình tìm hiểu thêm thông tin về bệnh dịch đã khiến gần 1 triệu người trên thế giới tử vong.

Những cuộc thử nghiệm như vậy cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi về mặt đạo đức khi để cho người khỏe mạnh bị nhiễm virus nguy hiểm, và liệu một số tình nguyện viên có nhận được giả dược hay không. Chính phủ Anh hiện từ chối cung cấp thêm thông tin chi tiết về kế hoạch, kể cả thông tin về chủng vaccine được sử dụng trong các cuộc thử nghiệm này.

Các cuộc nghiên cứu được Chính phủ Anh rót vốn này dự kiến sẽ bắt đầu trong tháng 1/2021 tại một cơ sở ở London; hãng tin Financial Times tiết lộ. Ở Anh, ĐH Oxford đang hợp tác với thãng dược phẩm AstraZeneca phát triển một chủng vaccine ngừa COVID-19, và nó cũng là một trong số những ứng viên vaccine tiềm năng của thế giới.

Mọi cuộc thử nghiệm được thực hiện ở Anh đều cần phải được Cơ quan Quản lý Dược phẩm và Sản phẩm y tế (MHRA) phê duyệt. Trong suốt vài tháng trở lại đây, ngành dược phẩm của Anh đã chứng kiến nhiều cuộc tranh luận gay gắt về việc tiêm virus corona chủng mới vào người khỏe mạnh nếu các hãng dược không tìm đủ số bệnh nhân để tham gia các cuộc thử nghiệm cuối cùng của họ.

Financial  Times cho hay, các tình nguyện viên ban đầu sẽ được tiêm một liều vaccine và sau đó được tiêm virus corona vào cơ thể. Hãng tin này không nêu rõ chủng vaccine được sử dụng trong dự án.

Hiện một số chủng vaccine đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng ở Mỹ và một số quốc gia khác trên thế giới. Trong một nghiên cứu được xem là lớn nhất từ trước đến nay, hãng Johnson & Johnson dự kiến sẽ tuyển dụng 60.000 tình nguyện viên đến từ các nước Mỹ, Nam Phi, Brazil, Chile, Colombia, Mexico và Peru để tham gia thử nghiệm chủng vaccine ngừa COVID-19 tiêm một mũi duy nhất của họ. Các ứng viên vaccine khác đang được phát triển ở Mỹ đều yêu cầu tiêm 2 mũi.

Bằng độngt hái trên, Johnson & Johnson đã trở thành hãng dược phẩm thứ 10 trên toàn cầu thực hiện thử nghiệm giai đoạn 3 một chủng vaccine ngừa COVID-19, và là thứ tư ở Mỹ.

Trong khi đó, quá trình thử nghiệm giai đoạn cuối của chủng vaccine COVID-19 của hãng AstraZeneca và ĐH Oxford đang tạm hoãn ở Mỹ để chờ giới chức y tế quyết định về tính an toàn của nó.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã hứa hẹn rằng một chủng vaccine ngừa COVID-19 sẽ được phê chuẩn sử dụng trong vài tuần tới – đây là một canh bạc có thể giúp ông đảo ngược mối quan ngại về đại dịch đang hoành hành, và tạo nên sự bất ngờ trong tháng 10, trước ngày bầu cử Tổng thống 3/11.

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ, ông Robert Redfield, cho hay ông kỳ vọng Mỹ sẽ có 700 triệu liều vaccine vào khoảng cuối tháng 3 hoặc đầu tháng 4/2021, đủ dùng cho 350 triệu người. “Tôi nghĩ rằng phải đến tháng 4, tháng 5, tháng 6 hoặc thậm chí là tháng 7 năm sau, toàn bộ người dân Mỹ mới được tiêm vaccine” – ông Redfield nói.