|
Cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung tác động mạnh đến sự suy yếu của ngành chip Trung Quốc. Ảnh: ABC News. |
14.648 công ty chip phá sản
Các trang truyền thông công nghệ quốc tế và Trung Quốc như TrendForce, Digitimes Asia, ChinaAET…đều chỉ ra rằng thị trường chip Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong chu kỳ đi xuống của ngành bán dẫn.
Từ năm 2022 đến nay, số lượng các công ty sản xuất chip phá sản hoặc hủy bỏ đăng ký kinh doanh ở Trung Quốc tăng vọt. Theo báo cáo, trong năm 2023, có 10.900 công ty chip bị phá sản. Năm nay, thống kê tính đến ngày 5/12 có 14.648 công ty liên quan đến chip đã phải đóng cửa và thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Nhiều cơ quan truyền thông Trung Quốc cho rằng tình trạng này là do mức tăng trưởng của các thị trường như ô tô và công nghiệp yếu hơn dự kiến, cùng với các hạn chế xuất khẩu đối với chất bán dẫn của Trung Quốc.
Điều đáng chú ý là dù thị trường rất ảm đạm nhưng vẫn có những người mới tham gia. Truyền thông Trung Quốc cho biết, tính đến ngày 13/12/2024, đã có 52.401 công ty liên quan đến chip mới đăng ký tại Trung Quốc, con số này giảm nhẹ so với năm 2023, cho thấy nhiệt huyết làm chip của giới doanh nghiệp Trung Quốc vẫn mạnh mẽ. Những công ty mới tham gia này chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến điện tử tiêu dùng, ô tô và trí tuệ nhân tạo (AI).
Nguyên nhân đằng sau
Theo các nhà phân tích, làn sóng phá sản này thực chất phản ánh sự khởi đầu của quá trình tái cơ cấu ngành và tối ưu hóa nội bộ. Nhiều công ty sử dụng biện pháp sa thải, cắt giảm lương và cắt giảm chi phí nhằm cố gắng tập trung vào các sản phẩm và thị trường cốt lõi để tồn tại trong cuộc cạnh tranh. Có thể mất khoảng 2 năm để toàn bộ ngành hoàn tất quá trình cải tổ lại.
Tình cảnh khó khăn của ngành bán dẫn bắt nguồn bởi nhiều yếu tố chồng chất. Sự bất ổn của thị trường toàn cầu, chuyển đổi kinh tế vĩ mô, sự thay đổi chính sách thương mại và áp lực giảm hàng tồn kho đã dẫn đến tăng trưởng chậm ở các lĩnh vực có nhu cầu chính về chip như điện tử tiêu dùng, ô tô và công nghiệp.
Đặc biệt, lĩnh vực sản xuất ô tô và công nghiệp có kết quả kinh doanh đáng thất vọng, hạn chế việc mở rộng thị trường. Ngành điện tử tiêu dùng đang có dấu hiệu phục hồi nhẹ nhưng chưa đủ để đảo ngược xu hướng yếu kém chung.
Hôm 23/12, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố chính thức mở cuộc điều tra theo Mục 301 “Luật cạnh tranh và thương mại tổng hợp năm 1988” đối với chất bán dẫn truyền thống được sản xuất tại Trung Quốc với lý do những sản phẩm này tiềm ẩn rủi ro đối với an ninh quốc gia và cơ sở hạ tầng quan trọng của Mỹ.
Các cuộc điều tra theo Mục 301 giúp Đại diện Thương mại Hoa Kỳ xác định liệu hành động của Trung Quốc có “không hợp lý” hay “mang tính phân biệt đối xử” và liệu chúng có mang lại gánh nặng cho thương mại của Mỹ hay không.
Như báo cáo nêu rõ, nếu những phát hiện này được xác nhận, trong tương lai chính phủ Mỹ có thể áp dụng thuế trả đũa hoặc hạn chế nhập khẩu. Do cuộc điều tra dự kiến kéo dài nhiều tháng, quyết định về việc có áp thuế suất cao hơn đối với chip Trung Quốc hay không sẽ dành lại cho Tổng thống đắc cử sắp nhậm chức Donald Trump.
TrendForce cho rằng cuộc điều tra này nhằm mục đích tăng cường kiểm soát công nghệ bán dẫn nút trưởng thành của Trung Quốc, hạn chế sự tăng trưởng nhanh chóng của nước này và giải quyết áp lực về giá mà nó gây ra trên thị trường toàn cầu.
Tiềm năng của ngành chip Trung Quốc
Trang tin ChinaAET (Công nghệ điện tử Trung Quốc) ngày 24/12 cho rằng, bất chấp áp lực rất lớn trên thị trường, sự xuất hiện của các công ty mới đăng ký cho thấy các doanh nhân vẫn có niềm tin vào tương lai của thị trường chip Trung Quốc.
Ngoài ra, xu hướng mua sắm trong nước ngày càng tăng đã mang lại những cơ hội nhất định cho các công ty bán dẫn trong nước. Những gã khổng lồ bán dẫn quốc tế lớn như Texas Instruments (TI), NXP và Infineon cũng vẫn lạc quan về thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh ngày càng gay gắt trong ngành cũng mang lại những thách thức lớn hơn. Sự hỗ trợ dành cho các công ty thiết kế chip từ các nhà đầu tư và chính quyền địa phương ngày càng suy giảm, khiến các công ty khởi nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn, thu hút nhân cũng như cải thiện năng lực nghiên cứu phát triển và vận hành. Nếu những nút thắt này không thể được khắc phục, một số công ty có thể tụt hậu hơn so với các đối thủ cạnh tranh, hoặc thậm chí gây ra làn sóng phá sản và tái cơ cấu mới.
Với việc “Matthew effect” (Hiệu ứng Matthew) ngày càng trở nên quan trọng hơn, năm 2024 có thể trở thành bước ngoặt quan trọng đối với ngành thiết kế chip của Trung Quốc. Dưới áp lực nặng nề, một số công ty sẽ tìm ra con đường mới để đi vào cuộc sống, trong khi số khác sẽ phải ra đi một cách đáng buồn.
Các nhà phân tích cho rằng quá trình đào thải kiểu mạnh thắng yếu thua, mặc dù tàn khốc, sẽ giúp cải thiện khả năng cạnh tranh tổng thể của ngành và đặt nền tảng cho sự phục hồi và đổi mới trong tương lai.
Mặc dù con đường phía trước còn đầy thách thức, khả năng phục hồi của thị trường chip Trung Quốc vẫn có thể nhìn thấy được. Từ đào thải đến tái sinh, quá trình này không chỉ là sự cải tổ của ngành mà còn là sự nâng cấp về công nghệ và thị trường.
Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong chuỗi công nghiệp toàn cầu, ngành công nghiệp chip Trung Quốc có thể sẽ đón chu kỳ tiếp theo với tư thế trưởng thành hơn.
Theo Creaders, ChinaAET