Ảnh chụp bằng máy ảnh cũ và đèn flash iPhone được lên bìa tạp chí

VietTimes – Tấm ảnh bìa chụp phi hành gia Paolo Nespoli ngồi trong buồng lái giả lập tàu Soyuz là kết quả của sự nhanh trí và sức sáng tạo tuyệt vời của nhiếp ảnh gia Alessandro Barteletti.
Phi hành gia Paolo Nespoli ngồi bên trong buồng lái giả lập tàu Soyuz, được chiếu sáng bằng đèn flash của iPhone. (Ảnh: Alessandro Barteletti)
Phi hành gia Paolo Nespoli ngồi bên trong buồng lái giả lập tàu Soyuz, được chiếu sáng bằng đèn flash của iPhone. (Ảnh: Alessandro Barteletti)

Năm ngoái, nhiếp ảnh gia Alessandro Barteletti đã thực hiện một phóng sự ảnh về câu chuyện của phi hành gia 60 tuổi Paolo Nespoli. Anh theo chân Paolo đến nhiều nơi trên thế giới để thực hiện dự án này, tấm ảnh kể trên là tấm ảnh đáng nhớ nhất với anh và được tạp chí National Geographic chọn lựa làm bìa của số tháng 7/2016.

Để thực hiện dự án này, Barteletti đã vào các trung tâm huấn luyện phi hành gia tại châu Âu, Mỹ và Nga cùng với Paoplo và chụp những tấm ảnh về phi hành gia tuổi 60 đầu tiên chuẩn bị cho một nhiệm vụ kéo dài 6 tháng.

Ảnh hậu trường một lần chụp phi hành gia Paolo Nespoli cho National Geographic của
Alessandro Barteletti. (Ảnh: Alessandro Vona)

Tấm ảnh bìa ấn tượng kể trên được chụp tại thành phố Ngôi sao, Liên bang Nga, khi Paoplo ngồi bên trong buồng lái giả lập tàu Soyuz. “Tôi vào bên trong (buồng lái giả lập) tàu Soyuz với máy Nikon D3 của mình và một ống kính góc rộng và sẵn sàng chụp Paolo, nhưng đột nhiên điều không ngờ tớ đã xảy ra: Toàn bộ đèn bên ngoài bị tắt, mọi thứ trở nên tối tăm và bên ngoài người ta gõ cửa rồi bảo tôi rằng tôi chỉ còn 1 phút thôi”.

Barteletti cho biết thêm, “Tôi không biết làm gì bây giờ: đó là sắp đặt tuyệt hảo cho tấm ảnh, có lẽ là một trong những sắp đặt tốt nhất từ trước đến nay. Ở ngoài tôi có một vài cái đèn LED, nhưng nếu tôi ra khỏi mô-đun đó, họ sẽ không cho tôi vào lại”.

Paolo cũng đồng ý rằng việc rời khỏi mô-đun không phải là lựa chọn tốt nhất lúc đó, và hai người buộc phải nghĩ cách để chụp bằng được tấm ảnh trong 60 giây còn lại mà không có phương tiện chiếu sáng chuyên dụng nào. Bất chợt, Barteletti có một ý tưởng, “một trong những ý tưởng điên khùng nảy ra khi bạn thực sự tuyệt vọng. Tôi cầm lấy chiếc điện thoại iPhone của mình – thiết bị điện tử duy nhất tôi mang theo – tôi bật đèn pin lên”.

Ảnh chụp bằng máy ảnh cũ và đèn flash iPhone được lên bìa tạp chí ảnh 2Tờ bìa tạp chí National Geographic với tấm ảnh của Bartelett.

Cuối cùng, ý tưởng của Bartelett phát huy tác dụng. “Mô-đun này khá nhỏ, chỉ có đường kính dưới 2m và vì thế đèn pin của điện thoại đủ để chiếu sáng toàn bộ sắp đặt. Tôi chỉ có đủ thời gian để chụp 2 tấm ngang và 2 tấm dọc, chỉ vài giây sau khi kết thúc tôi buộc phải ra ngoài mô-đun”.

Nhưng cuối cùng mọi thứ chứng tỏ rằng Barteletti đã hành động đúng, tấm ảnh anh chụp được tạp chí National Geographic chọn lên bìa. Song chính bản thân Barteletti không thể tin được rằng tấm ảnh được tạp chí này chọn được chụp bằng một chiếc máy Nikon D3 đã 10 năm tuổi và được chiếu sáng bằng đèn flash của iPhone.