Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng đã lên tiếng xác nhận thông tin Liên bang Nga đang vận chuyển cặp tàu khu trục Gepard-3.9 để bàn giao cho Việt Nam.
"Việc Nga giao tàu khu trục Gepard cho Việt Nam nằm trong khuôn khổ hợp tác quốc phòng giữa hai nước, nhằm đáp ứng nhu cầu đảm bảo an ninh quốc phòng của Việt Nam".
Tàu Rolldock Star (Hà Lan) khởi hành từ cảng Novorossiysk (Nga) ngày 13.9, chở theo chiến hạm Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam (trước đó mang số hiệu tạm 486).
Ngày 16.9, tàu Rolldock Star ghé cảng Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), theo trang tin turkishnavy.net ngày 17.9. Ảnh từ trang tin này cho thấy hệ thống tên lửa diệt hạm Uran đã được gắn lại trên tàu. Đến ngày 17.9, tàu Rolldock Star tiến ra Địa Trung Hải và hướng về Đại Tây Dương.
Ngày 21.9, tàu Rolldock Star ghé cảng khu vực phía tây Gibraltar (thuộc Anh). Chiều cùng ngày, tàu Rolldock Star rời Gibraltar tiến ra Đại Tây Dương, men theo bờ biển phía tây Châu Phi xuống phía nam để vào Ấn Độ Dương.
Dự kiến tàu này sẽ ghé cảng Singapore vào ngày 20.10 trước khi về Cam Ranh để bàn giao chiến hạm Gepard. Tài khoản twitter của Cảng Gibraltar ngày 22.9 đăng tải ảnh chụp tàu vận tải Rolldock Star ghé cảng này, cùng chiến hạm Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam trên khoang.
Đây là chiến hạm Gepard thứ 3 của Hải quân Việt Nam trong số 4 chiếc Việt Nam đã đặt Nga đóng. Nơi thực hiện các tàu chiến này là Nhà máy đóng tàu mang tên Gorky ở Zelenodolsk (CH Tatarstan, Nga).
Hai chiếc đầu tiên đã về Việt Nam là 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ (năm 2011). Hai chiếc kế tiếp được đóng vào năm 2013, hoàn tất và đưa đến cảng Novorossiysk thử nghiệm từ tháng 9.2016 với số hiệu tạm lần lượt 486 và 487. Chiếc Gepard số hiệu tạm 487 sẽ được bàn giao vào tháng 11.2017, theo Tổng giám đốc Nhà máy đóng tàu mang tên Gorky.
Hai chiếc Gepard đầu tiên của Việt Nam trang bị vũ khí chính gồm 1 pháo hạm AK-176M loại 76,2 mm; một hệ thống pháo — tên lửa phòng không tầm gần Palma (gồm 2 pháo 30 mm loại 6 nòng, 4-8 tên lửa tầm gần Sosna-R nhắm bắn bằng laser), hai pháo bắn nhanh tự động AK-630M loại 30 mm (6 nòng) dùng diệt máy bay; hệ thống tên lửa diệt hạm Uran-E (2 dàn, 4 ống phóng/dàn, tên lửa có tầm bắn xa 130 km). Tàu còn mang được 1 trực thăng săn ngầm Ka-28 hoặc Ka-31 Helix.
Hai chiếc Gepard mà Việt Nam đặt đóng sau đó ngoài các vũ khí như trên còn bổ sung thêm chức năng săn ngầm, với hệ thống phóng ngư lôi loại 533 mm (2 dàn, mỗi dàn 2 ống phóng).
Lớp tàu hộ tống Gepard 3.9 phát triển từ tàu tuần tra tên lửa thuộc Dự án 11661E của Nga. Tàu dài 102 m, lượng choán nước 2.200 tấn, thuỷ thủ đoàn 103 người, tốc độ tối đa 23 knot (42,5 km/giờ), tầm hoạt động 9.200 km. Tàu có chức năng tuần tra bảo vệ EEZ, hộ tống, chiến đấu (độc lập hoặc theo nhóm) chống tàu mặt nước, tàu ngầm và máy bay đối phương.