Huffington Post ghi nhận rằng sự kiện 33 triệu công dân Anh bỏ phiếu chọn rời EU đã tác động tới 500 triệu người sinh sống trên khắp châu Âu. Thủ tướng Đức Angela Merkel buồn bã nói đây là một bước ngoặt đối với châu Âu và tiến trình hợp nhất châu Âu. Còn tổng thống Pháp Francois Hollande thừa nhận kể từ nay, châu Âu sẽ không thể hành động như trước được nữa.
Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeimer đã tiếp các đồng nhiệm Pháp, Hà Lan, Ý, Bỉ và Luxembourg, tức là Ngoại trưởng của 6 quốc gia sáng lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tiền thân của Liên hiệp châu Âu.
Theo hãng tin AFP ngày 24/6, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault cho biết Paris và Berlin sẽ trình bày với các đối tác những giải pháp cụ thể để làm cho Liên hiệp châu Âu vận hành hiệu quả hơn, mà không cần phải thực hiện «những công trình lớn».
Thủ tướng Angela Merkel cũng đã mời tổng thống Pháp François Hollande và thủ tướng Ý Matteo Renzi đến Berlin vào thứ hai tới để thảo luận về cú sốc Brexit. Bà Merkel cũng sẽ gặp riêng chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk.
Hôm qua (24/6), lãnh đạo các định chế châu Âu đã hối thúc Luân Đôn tiến hành nhanh chóng các thủ tục đưa Anh Quốc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, các thủ tục này có thể kéo dài đến 2 năm. Chủ tịch Nghị viện châu Âu Martin Schulz hôm qua đã chỉ trích quyết định của thủ tướng David Cameron, tuyên bố từ chức hôm qua nhưng đến tháng 10 mới rời khỏi chức vụ này, khiến cho tiến trình thương lượng với Liên hiệp châu Âu bị chậm trễ.
Trong nội bộ nước Anh, cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 gây chia rẽ hơn quốc gia bao giờ hết. Tại Luân Đôn, một số người đã đòi «độc lập» cho thủ đô nước Anh, nơi mà đa số người dân ủng hộ việc ở lại Liên hiệp châu Âu. Còn tại Scotland, nghị viện địa phương được triệu tập khẩn cấp hôm nay để bàn về hậu quả của Brexit, mà có thể sẽ kéo theo một cuộc trưng cầu dân ý mới về nền độc lập của vùng này.
Trên các mạng xã hội, giới trẻ, mà tuyệt đại đa số ủng hộ việc ở lại Liên hiệp châu Âu bày tỏ nỗi tức giận đối với thế hệ lớn tuổi, bị lên án là đã phá hỏng tương lai của họ.
Cú sốc nước Anh rời châu Âu dĩ nhiên trở thành đề tài nổi bật trên báo chí khắp thế giới. Tạp chí Pháp L’Obs bình luận 23/6/2016 là «một bước ngoặt trong lịch sử châu Âu», dù cử tri Anh có ủng hộ giải pháp Brexit hay không.
Kể từ giờ, hàng triệu người Anh ủng hộ Brexit và rất đông đảo người châu Âu quyết định không chấp nhận quyền điều hành của «một nhúm các nguyên thủ». Cho dù tính chất mỵ dân của chiến dịch trưng cầu dân ý bi thảm này là đáng lên án, nhưng «điều tồi tệ đã xảy ra», và những người ủng hộ châu Âu buộc đối mặt với thách thức «Làm thế nào để tránh chìm tàu?». Riêng tại Pháp, chỉ còn gần 40% cử tri ủng hộ lý tưởng châu Âu, theo một thăm dò dư luận, so với 69% vào năm 2004.
Le Nouvel Observateur đi ngược về quá khứ để phân tích những khuyết tật nghiêm trọng, khiến dự án xây dựng một châu Âu hòa bình và thịnh vượng bị mất hướng. Theo cựu thủ tướng Bỉ Guy Verhostadt, giấc mơ về một châu Âu liên bang đã trệch đường ngay từ năm 1955, do lỗi của nước Pháp.
Vào thời điểm đó, Quốc Hội Pháp đã bỏ phiếu chống lại một «liên minh chính trị, một cộng đồng quốc phòng châu Âu và một chính phủ châu Âu». Thay vào đó là «một liên minh thuế quan». Sự thiếu nhất quán của Liên hiệp châu Âu bắt nguồn từ đây: một khu vực đồng tiền chung không được điều hành thống nhất về kinh tế, một vùng tự do đi lại không có biên giới chung… Châu Âu đã phản ứng hết sức chậm trước các khủng hoảng. Nếu như Mỹ giải quyết khủng hoảng tài chính 2007 trong vòng 9 tháng, thì châu Âu đã phải mất tới 8 năm.
Một thời điểm khác được cựu ngoại trưởng Pháp Hubert Vedrine kể lại, là vào năm 1992, khi nước Pháp dưới thời Mitterand nỗ lực để thông qua Hiệp Ước Maastricht, một trong những trụ cột của Liên hiệp, thì lý tưởng về một châu Âu liên bang, đã bắt đầu bị một số lớn cử tri ghét bỏ. Theo cựu ngoại trưởng, một lý do chủ yếu là do những quy định bị coi là can thiệp thái quá vào đời sống thường ngày của người dân, được khởi sự từ Đạo Luật về thị trường châu Âu Thống nhất được thông qua năm 1986.
Năm 2005 một lần nữa châu Âu lỡ tàu. Cơ hội thông qua một Hiến pháp chung, để lục địa già cỗi này hợp nhất thành một liên bang như Mỹ đã không thành, đặc biệt do cản trở từ Anh Quốc. Thay vì một thỏa ước cô đọng, mang tính nguyên tắc.
Các lãnh đạo châu Âu cũng đã không đánh giá đúng những hệ quả nghiêm trọng của việc khối XHCN Đông Âu tan rã năm 1989, cũng như không dự đoán trước khủng hoảng Hy Lạp 2009… Và rồi, châu Âu 2014 phải bất ngờ đối mặt với làn sóng nghị sĩ cực hữu lọt vào Nghị viện châu Âu, với mục tiêu duy nhất là giải thể Liên hiệp.
Le Nouvel Observateur giới thiệu quan điểm của hai chính trị gia. Cựu ngoại trưởng Vedrine đề nghị ngừng mở rộng châu Âu, để xem xét lại từ đầu dự án xây dựng, trong khi đó, cựu nghị sĩ Daniel Cohn-Bendit nhắm thẳng vào mục tiêu xây dựng một châu Âu liên bang, với một hạ viện và một thượng viện có thực quyền, một phương thức điều hành dựa trên quyết định của đa số, hay một quân đội chung.
Tuần báo Le Point cho rằng chạy theo «giấc mơ» về một liên bang châu Âu, được xây dựng trên sự suy tàn của các quốc gia thành viên là hành động «tự sát». Tờ báo đề nghị Liên hiệp châu Âu tập trung trước hết vào việc quản lý các mối hiểm họa chung , vào «các chính sách mang lợi trực tiếp cho các công dân».
Châu Âu cũng cần chấm dứt việc mở rộng không ngừng, cần giới hạn các bất bình đẳng, với việc đầu tư mạnh vào giáo dục, và hạ tầng cơ sở, tăng cường kiểm soát biên giới chung…khu vực đồng euro cần được củng cố nhờ sự phối hợp các chính sách kinh tế hay sự thống nhất trong các chính sách thuế khóa, xã hội, mà để làm được điều này…cần tính đến việc lập ra một nghị viện chung của các nước đồng euro, dựa trên Nghị viện của toàn Liên hiệp...