Ấn Độ xem xét lại khoảng 50 dự án đầu tư của Trung Quốc

VietTimes – Trong bối cảnh tình hình biên giới Trung - Ấn căng thẳng, chính phủ Ấn Độ đang xem xét lại khoảng 50 dự án đầu tư liên quan đến các công ty Trung Quốc theo chính sách thẩm định mới.
Vào lúc tình hình biên giới Trung - Ấn đang căng thẳng, Trung Quốc đang xem xét lại khoảng 50 dự án đầu tư của Trung Quốc (Ảnh: RFI).
Vào lúc tình hình biên giới Trung - Ấn đang căng thẳng, Trung Quốc đang xem xét lại khoảng 50 dự án đầu tư của Trung Quốc (Ảnh: RFI).

Hãng Reuters ngày 6/7 cho biết, theo các quy định mới được Ấn Độ công bố vào tháng 4 năm nay, tất cả các khoản đầu tư của các thực thể ở các nước láng giềng, dù là mới hay bổ sung, đều cần có sự chấp thuận của chính phủ Ấn Độ. Trung Quốc là khách hàng lớn nhất trong số các nhà đầu tư này, quy định mới này đã chịu sự chỉ trích từ các nhà đầu tư Trung Quốc và chính quyền Bắc Kinh, họ cho rằng chính sách này mang tính phân biệt đối xử.

Các quy tắc đầu tư mới được cho nhằm mục đích kiềm chế các vụ mua lại mang tính "cơ hội" trong đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, giới quản lý cấp cao trong ngành nói kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa hai nước ở biên giới tranh chấp hồi tháng trước dẫn đến cái chết của 20 binh sĩ Ấn Độ, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi có thể đã làm trì hoãn thêm việc phê duyệt các dự án đầu tư.

"Cần có các loại thẩm định khác nhau. Chúng tôi thận trọng hơn mọi người nghĩ", một quan chức cấp cao của chính phủ Ấn Độ ở New Delhi nói khi được hỏi về tác động đối với các đơn xin đầu tư kể từ sau khi xảy ra xung đột ở biên giới.

Reuters viết về việc Ấn Độ xem xét lại khoảng 50 dự án đầu tư của Trung Quốc
Reuters viết về việc Ấn Độ xem xét lại khoảng 50 dự án đầu tư của Trung Quốc

Bộ Thương mại Ấn Độ, nơi soạn thảo chính sách mới, đã không trả lời các yêu cầu bình luận của phóng viên. Vì lý do bảo mật, nguồn tin từ chối tiết lộ tên các công ty đầu tư đang chờ đợi được phê duyệt.

Quan chức này và hai nguồn tin khác cho biết kể từ khi thực hiện các quy định mới, có khoảng 50 đơn xin đầu tư liên quan đến các nhà đầu tư Trung Quốc đã được đệ trình hiện đang chờ được thẩm định lại.

Một trong những nguồn tin cho biết một số cơ quan chính phủ Ấn Độ, bao gồm cả lãnh sự quán Ấn Độ tại Trung Quốc, đã liên lạc với các nhà đầu tư và đại diện của họ để tìm lời giải thích rõ ràng cho các đề nghị đầu tư này.

Alok Sonker, một đối tác tại công ty luật Ấn Độ Krishnamurthy & Co, cho biết trong những tuần gần đây, ít nhất 10 khách hàng Trung Quốc đã yêu cầu ông cho ý kiến tư vấn về đầu tư vào Ấn Độ, nhưng họ đang chờ đợi triển vọng cho chính sách của Ấn Độ trở nên rõ ràng hơn.

Sonker nói, "Sự không xác định của thời gian phê duyệt đầu tư đã ngăn các bên ở cả Ấn Độ và Trung Quốc tiến hành kinh doanh bình thường”.

Tuần trước, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động, hầu hết trong số đó là của Trung Quốc, bao gồm cả TikTok và WeChat. Đây là hành động cứng rắn nhất của Ấn Độ đối với Trung Quốc kể từ khi bùng nổ cuộc khủng hoảng biên giới hồi tháng trước. Động thái này có thể ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng của các công ty lớn của Trung Quốc ở Ấn Độ.

Vào tuần trước, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).
Vào tuần trước, Ấn Độ đã cấm 59 ứng dụng di động của Trung Quốc (Ảnh: Đa Chiều).

Tổ chức nghiên cứu Brookings tháng 3 năm nay cho biết, các công ty Trung Quốc đã và có kế hoạch đầu tư hơn 26 tỷ USD vào Ấn Độ.

Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tối 5/7 đã gọi điện thoại cho Cố vấn An ninh Quốc gia Ấn Độ Ajit Doval để đạt được sự đồng thuận tích cực về việc giảm bớt tình hình căng thẳng ở biên giới giữa hai nước. Hai bên nhất trí tiếp tục đối thoại và tham vấn, đồng thời nhấn mạnh rằng sự đồng thuận đạt được tại cuộc đàm phán cấp quân đoàn lực lượng phòng thủ biên giới hai nước cần được thực hiện càng sớm càng tốt và "sớm hoàn thành quá trình cách ly tiếp xúc giữa lực lượng tiền tuyến hai bên”. Một số nguồn tin chính phủ Ấn Độ chỉ ra rằng Trung Quốc bắt đầu rút quân khỏi khu vực biên giới tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ vào thứ Hai 6/7.