Ấn Độ tung 3 tỷ USD mua thêm 90 UAV Mỹ đối phó Trung Quốc

VietTimes -- Ngoài 22 máy bay trinh sát-tấn công MQ-9B, Mỹ còn đang cân nhắc bán 90 máy bay tàng hình không người lái Avenger cho Ấn Độ. Điều này cho thấy hợp tác chiến lược Mỹ - Ấn đạt tầm cao mới, tập trung đối phó Trung Quốc.
Máy bay tàng hình không người lái Avenger của hãng General Atomics, Mỹ. Ảnh: Aviation Week.
Máy bay tàng hình không người lái Avenger của hãng General Atomics, Mỹ. Ảnh: Aviation Week.

Ấn Độ và Mỹ đang đàm phán mua bán 90 máy bay Avenger

Tờ Người quan sát Trung Quốc ngày 21/8 cho hay hãng General Atomics Mỹ đang thảo luận với phía Ấn Độ về việc cung ứng 90 máy bay tàng hình không người lái Avenger cho Ấn Độ trong vài năm tới.

Giá thành của máy bay không người lái Avenger có thể đạt 12 triệu USD. Theo cách tính giá thông thường của thị trường vũ khí quốc tế, tổng trị giá của giao dịch này có thể ít nhất đạt 3 tỷ USD.

Tờ tuần san Defense News Mỹ ngày 21/8 dẫn lời tổng giám đốc công ty General Atomics là David Alexander đã xác nhận thông tin công ty này đang đàm phán cung ứng máy bay không người lái Avenger cho khách hàng nước ngoài. Ông nói: "Số lượng là 90 chiếc, đây là một hợp đồng lớn".

Giám đốc Robert Walker của cơ quan phát triển chiến lược trong công ty cho biết thêm, các nội dung chi tiết còn đang đàm phán, "còn rất nhiều việc" phải làm.

Vào năm 2016, hãng tin Reuters Anh từng cho biết Ấn Độ đã đề xuất mua sắm 100 máy bay không người lái Predator C (tên gọi của Avenger khi đó) với phía Mỹ.

Nhưng căn cứ vào hiệp ước MCTR, máy bay vũ trang không người lái là một loại sản phẩm bị kiểm soát, giống như tên lửa. Vì vậy, Chính phủ Mỹ có phê chuẩn xuất khẩu máy bay không người lái Avenger hay không thì còn chưa rõ.

Đặc biệt, trong thời kỳ chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama đã cấm xuất khẩu loại trang bị này cho các nước không thuộc NATO hoặc các nước chưa ký thỏa thuận đồng minh với Mỹ.

Tuy nhiên, chính sách này hiện đang bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đương nhiệm xem xét lại, có thể mở ra cánh cửa lớn xuất khẩu máy bay không người lái Avenger cho Ấn Độ. Ấn Độ là nước "đối tác hợp tác" lâu dài của Mỹ, nhưng Mỹ cấm xuất khẩu máy bay vũ trang không người lái cho Ấn Độ.

Máy bay tàng hình không người lái Avenger của hãng General Atomics, Mỹ. Ảnh: NDTV
Máy bay tàng hình không người lái Avenger của hãng General Atomics, Mỹ. Ảnh: NDTV

Trước đây, hoạt động của công ty General Atomics thường được giữ kín, chưa từng cởi mở với báo chí. Nhưng, trong các ngày 15 và 16/8/2017, công ty này đã lần đầu tiên tổ chức họp báo tại trụ sở của mình, đã tuyên bố thông tin về xuất khẩu máy bay không người lái Avenger.

Công ty General Atomics còn lần đầu tiên mở cửa cho phóng viên tham quan máy bay nguyên mẫu Avenger. Được biết, máy bay mẫu này nhỏ hơn một chút so với phiên bản sản xuất trong tương lai.

Trong cuộc họp báo, đại diện công ty này tuyên bố, chiếc máy bay không người lái này đã từng tham gia nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo, đã đưa thực phẩm tới khu vực thiên tai. Tuy nhiên, trong quá trình tham quan, nhân viên công ty này đã từ chối tiết lộ nhiều chi tiết hơn.

Công ty này cho biết máy bay không người lái (UAV) này xuất khẩu cho Ấn Độ có thể lắp hệ thống trinh sát điện quang cỡ lớn, dùng để thực hiện nhiệm vụ giám sát. Tuy nhiên, công ty này cũng cho biết loại máy bay không người lái này tải trọng lớn, trong tương lai thậm chí có thể lắp vũ khí laser.

Chi phí chế tạo máy bay không người lái Avenger của Công ty General Atomics khoảng 12 triệu USD. Theo thông lệ tăng gấp đôi khi bán trên thị trường quốc tế, mỗi máy bay này sẽ có giá 24 triệu USD, do đó tổng trị giá của 90 máy bay không người lái sẽ lên tới 2,16 tỷ USD. Cộng với đạn dược, thiết bị trên máy bay, tổng trị giá có thể trên 3 tỷ USD.

Trong khi đó, Pakistan trước đó đã đạt được thỏa thuận mua 8 tàu ngầm động cơ thông thường của Trung Quốc, tổng trị giá khoảng 5 tỷ USD.

Máy bay tàng hình không người lái Avenger của hãng General Atomics, Mỹ. Ảnh: Defense
Máy bay tàng hình không người lái Avenger của hãng General Atomics, Mỹ. Ảnh: Defense

Mỹ đã phê chuẩn bán 22 máy bay MQ-9B cho Ấn Độ

Nhiều nguồn tin trước đó cho hay vào tháng 6/2017, phía Mỹ đã phê chuẩn bán 22 máy bay trinh sát kiêm tấn công không người lái MQ-9B Sky Guardian cho Ấn Độ. Điều này cho thấy quan hệ hợp tác chiến lược giữa Mỹ - Ấn đã đạt tầm cao mới. Ấn Độ từng bày tỏ mua loại máy bay này từ thời kỳ Tổng thống Mỹ Barack Obama, nhưng nay mới được Mỹ đồng ý bán.

Máy bay không người lái MQ-9B có thể mang theo nhiều nhất 4 quả tên lửa AGM-114 Hellfire và 2 quả bom dẫn đường laser GBU-12 Paveway II. Ngoài ra, còn có khả năng trang bị đạn JDAM và tên lửa AIM-9.

Giá xuất xưởng của máy bay không người lái MQ-9B khoảng 22 triệu USD. Ấn Độ mua 22 chiếc với tổng trị giá khoảng 2 tỷ USD, tức gần 100 triệu USD/chiếc. Điều này cho thấy Ấn Độ có nhu cầu cấp bách đối với loại máy bay này. MQ-9B có thể tiến hành trinh sát trên Ấn Độ Dương, tham gia các cuộc chiến tranh cục bộ hoặc chống khủng bố.

Ấn Độ mua MQ-9B rõ ràng nhằm đối phó Trung Quốc và Pakistan, đặc biệt là có thể theo dõi tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc hoạt động ngày càng thường xuyên ở Ấn Độ Dương. Pakistan đã dành quyền vận hành cảng Gwadar cho Trung Quốc, có quan hệ kinh tế và quân sự rất chặt chẽ với Trung Quốc.

Trong khi đó, Mỹ sở dĩ đồng ý bán máy bay không người lái MQ-9B cho Ấn Độ là do Mỹ mong muốn quân đội Ấn Độ có thể thông qua đó tiến hành phá vỡ chiến lược Ấn Độ Dương của hải quân Trung Quốc.

Máy bay trinh sát kiêm tấn công không người lái MQ-9B Sky Guardian Mỹ. Ảnh: Sina.
Máy bay trinh sát kiêm tấn công không người lái MQ-9B Sky Guardian Mỹ. Ảnh: Sina.

Đến nay, Ấn Độ đã sở hữu nhiều trang bị của Mỹ như máy bay vận tải C-17, máy bay tuần tra săn ngầm P-8I (đặt mua 12 chiếc, đã bàn giao 8 chiếc), hợp tác sản xuất máy bay chiến đấu F-16 Block 70. Ngoài ra, Ấn Độ đã đa dạng hóa nguồn cung vũ khí.