Ấn Độ lên kế hoạch mua tàu ngầm Amur-1650 đối phó Trung Quốc và Pakistan

Lực lượng tàu ngầm Ấn Độ đang bị suy yếu nghiêm trọng khi chỉ còn hơn chục chiếc tàu ngầm thông thường và 1 tàu ngầm hạt nhân thuê của Nga, trong khi đó 2 đối thủ “truyền kiếp” là Trung Quốc và Pakistan đang đẩy nhanh phát triển lực lượng tác chiến ngầm.
Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo Ấn Độ thuê của Nga mang tên INS Chakra
Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo Ấn Độ thuê của Nga mang tên INS Chakra

Trang Khoa học và công nghệ quốc phòng Trung Quốc đưa tin, hải quân Ấn Độ gần đây đã yêu cầu bộ quốc phòng nước này mua hai chiếc tàu ngầm lớp “Amur” (phiên bản xuất khẩu của tàu ngầm đề án 677 lớp Lada) của Nga để củng cố lại lực lượng tác chiến ngầm, trước tham vọng chiếm lĩnh Ấn Độ Dương của hải quân Trung Quốc và Pakistan.

Theo nguồn tin được tiết lộ, Bộ Quốc phòng Ấn Độ đã có cuộc gặp các quan chức cao cấp của công ty xuất khẩu quốc phòng Nga tại New Delhi vào cuối tháng 7 vừa qua, để thảo luận về kế hoạch bán hoặc cho thuê hai chiếc tàu ngầm lớp “Amur-1650”.

Hải quân Ấn Độ hiện nay đang phải đối mặt với xu thế ảm đạm ngày càng xuống dốc của lực lượng tác chiến tàu ngầm. Ngoài tàu ngầm hạt nhân Chakra thuê của Nga từ năm 1984, số lượng tàu ngầm thông thường của hải quân nước này từ 21 chiếc trong những năm 1980 hiện nay đã giảm xuống chỉ còn 14 chiếc.

Hải quân nước này đang sử dụng 7 chiếc tàu ngầm lớp “Kilo” của Nga và 4 chiếc tàu ngầm SSK của Đức, trong đó chiếc gần đây nhất được đưa vào sử dụng đã từ cuối những năm 90. Trong 1 năm qua, có 3 chiếc tàu ngầm lớp “Kilo” do gặp sự cố bất ngờ và xưởng đóng tàu quốc doanh Ấn Độ chậm trễ sửa chữa nên đến giờ vẫn không thể sử dụng được.

Một quan chức cấp cao của hải quân cho biết, chọn tàu ngầm của Nga sẽ tận dụng được tối đa các cơ sở hạ tầng, thiết bị cho tàu ngầm mà hải quân nước này đã bỏ nguồn vốn lớn để đầu tư, việc này sẽ khiến cho giá thành của toàn bộ tàu ngầm rẻ hơn, ngoài ra, Ấn Độ còn có khá nhiều kinh nghiệm đào tạo về tàu ngầm của Nga.

Đại tá hải quân về hưu Shyam Kumar Singh cho biết, tiến độ của dự án tàu ngầm lớp "Scorpene" và 75-I bị trì hoãn đã khiến cho Ấn Độ bị thiếu hụt nghiêm trọng về số lượng tàu ngầm; mà tàu ngầm thế hệ tương lại của Ấn Độ phải bàn giao vào năm 2018, do đó hiện nay nhu cầu cấp thiết là phải mua tàu ngầm của Nga.

Trước đây hải quân Ấn Độ có kế hoạch đóng mới 6 tàu ngầm thông thường lớp “Scorpene” tại xưởng đóng tàu Mazagon Dock Ltd ở Mumbai, theo giấy phép của công ty DCNS (Pháp), nhưng chiếc tàu ngầm đầu tiên của hải quân Ấn Độ vốn dự định giao hàng vào năm 2012 đã bị trì hoãn đến năm 2016, tức là chậm trễ tới hơn 4 năm.

Ông Shyam Kumar Singh cho biết, dự án tàu ngầm 75-I sẽ không thể bị hủy bỏ, nhưng hải quân Ấn Độ đã mô tả chi tiết yêu cầu tính năng cụ thể của nó ngay từ năm 2006 - 2007, tính đến nay đã hơn 8 năm. Rất có khả năng những phương án đặt ra trước đây đã lỗi thời và bị thay đổi.

Hiện nay, tương lai của gói thầu tàu ngầm 75-I trị giá hơn 12 tỷ USD vẫn chưa xác định, tiếp tục trì hoãn hơn 4 năm nay. Cho dù việc đấu thầu được công bố ngay bây giờ, cho dù với tốc độ nhanh nhất, thì việc chế tạo chiếc tàu ngầm đầu tiên cũng phải mất ít nhất 10 năm, mà điều này thì hiển nhiên là sẽ không kịp.

Có thể đây cũng là nguyên nhân khiến cho việc đấu thầu gói mua sắm này bị trì hoãn không công bố và Ấn Độ phải mua hoặc thuê tạm các tàu ngầm của Nga, để tạm thời nâng cấp sức mạnh của lực lượng tàu ngầm trước sức ép cực lớn dưới đáy biển của 2 đối thủ Trung Quốc và Pakistan.

Ngày 21-1, một quan chức cấp cao thuộc Cơ quan Hợp tác kỹ thuật-quân sự Liên bang Nga cho biết, nước này có thể cung cấp cho hải quân Ấn Độ các tàu ngầm "tàng hình", được trang bị hệ thống khí đẩy độc lập (AIP) nếu Ấn Độ trao thầu cho họ.

"Phía Nga sẵn sàng cung cấp cho khách hàng nước ngoài một loại tàu ngầm được tân trang để đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào về ngoại thất và trang thiết bị khác theo ý muốn của khách hàng", nguồn tin cho hãng thông tấn RIA Novosti của Nga biết.

Từ năm 2007, New Delhi đã có kế hoạch tăng cường hạm đội tàu ngầm bằng các tàu ngầm diesel-điện, mà  yêu cầu quan trọng là các tàu ngầm này phải được lắp động cơ yếm khí (AIP).

Cục thiết kế Rubin của Nga hiện đang chạy thử nghiệm hệ thống AIP để dự kiến lắp đặt trên các tàu ngầm diesel-điện lớp Lada (Dự án 677) của hải quân Nga trong năm 2015, với một lớp tàu ngầm phi hạt nhân mới trang bị động cơ AIP sẽ bước vào giai đoạn chế tạo trong 2 năm tới.

Thông tin này được đưa ra đúng ngày Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới thăm New Delhi để đàm phán về các dự án hợp tác kỹ thuật quân sự giữa hai nước với người đồng cấp Ấn Độ Manohar Parrikar. Hai bộ trưởng đã nhất trí "đẩy nhanh" một loạt các dự án chung, trong đó có dự án phát triển chung máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5.

Ấn Độ là đối tác hợp tác quân sự-kỹ thuật lớn nhất của Nga. Theo ước tính của Cơ quan Hợp tác kỹ thuật-quân sự Liên bang Nga, nước này đã cung cấp cho Ấn Độ số vũ khí và trang thiết bị quân sự trị giá 4,78 tỷ USD trong năm 2013. Ngoài ra, Ấn Độ còn thuê vũ khí của Nga, như tàu ngầm hạt nhân Chakra thuộc lớp Akula.

Theo : ANTĐ