Ấn Độ đẩy mạnh tư nhân hóa lĩnh vực công nghệ không gian

VietTimes – Là quốc gia đến sau trong cuộc đua vào không gian, khác với những “người anh em” đi trước, Ấn Độ đang đẩy mạnh tư nhân hóa lĩnh vực công nghệ không gian.
Cơ quan vũ trụ ISRO của Ấn Độ chuẩn bị phóng tàu vũ trụ Chandrayaan 2 lên mặt trăng vào ngày 15.7. Ảnh: Nikkei Asian Review
Cơ quan vũ trụ ISRO của Ấn Độ chuẩn bị phóng tàu vũ trụ Chandrayaan 2 lên mặt trăng vào ngày 15.7. Ảnh: Nikkei Asian Review

Chương trình không gian đầy tham vọng của Ấn Độ đã thu hút được sự chú ý của một số công ty khởi nghiệp ở nước này. Mục tiêu là xây dựng một hệ sinh thái đa dạng cho ngành vũ trụ vốn bị chi phối bởi các công ty nhà nước.

Có ít nhất 9 công ty khởi nghiệp đang làm việc trong các lĩnh vực như sản xuất vệ tinh nhỏ và các phương tiện để phóng các vệ tinh này vào quỹ đạo thấp của Trái đất. Vào tháng 12, Exseed Space Innovations có trụ sở tại Mumbai đã trở thành công ty Ấn Độ đầu tiên gửi một vệ tinh liên lạc vào không gian bằng cách sử dụng tên lửa SpaceX Falcon 9.

ISRO, một tổ chức nghiên cứu không gian của chính phủ Ấn Độ sẽ bắt đầu triển khai “sứ mệnh Mặt Trăng” đầy tham vọng với việc phóng tàu vũ trụ có tên “Chandrayaan 2” lên Mặt Trăng vào ngày 15/7. Nếu thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ tư đặt chân lên Mặt Trăng, sau Mỹ, Nga và Trung Quốc. Chủ tịch ISRO Sivan cho biết dự án này có sự hỗ trợ công nghệ và nhân lực từ 500 trường đại học và khoảng 120 công ty.

"Dự án sẽ mở ra một kỷ nguyên mới về khám phá không gian, tăng cường hiểu biết về vũ trụ, thúc đẩy sự tiến bộ của công nghệ đồng thời truyền cảm hứng cho các thế hệ tương lai", ông Sivan nói.

Theo Rakesh Sood, một thành viên tiêu biểu của Tổ chức nghiên cứu không gian có trụ sở tại New Delhi cho biết ngành khoa học vũ trụ của Ấn Độ có giá trị khoảng 7 tỷ USD, chỉ bằng 2% thị trường toàn cầu về lĩnh vực này (với giá trị lên đến 350 tỷ USD). Nirmala Sitharaman, Bộ trưởng Tài chính mới của Ấn Độ tuyên bố rằng ISRO sẽ thành lập thêm một chi nhánh mới với mục tiêu đẩy nhanh việc chuyển giao công nghệ cho lĩnh vực tư nhân.

"Trong tương lai, các công ty tư nhân sẽ dẫn đầu nhu cầu về các sản phẩm công nghệ vũ trụ", Chaitanya Giri, nghiên cứu viên của Gateway House cho biết. "Các công ty khởi nghiệp ở Ấn Độ sẽ góp phần mở rộng hệ sinh thái được ISRO xây dựng từ những năm 1960", ông Chaitanya nói thêm.

Các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực khoa học vũ trụ ở Trung Quốc đang vượt Ấn Độ khi Bắc Kinh thúc đẩy sự hợp tác giữa quân sự và dân sự do Chủ tịch Tập Cận Bình khởi xướng từ năm 2015. Trung Quốc đã có được những chuyến bay có người lái và xây dựng được trạm vũ trụ của riêng họ trong không gian. Chính phủ vá các các công ty tư nhân ở Ấn Độ đang nỗ lực không ngừng để đuối kịp Trung Quốc.

Ảnh: Nikkei Asian Review
Ảnh: Nikkei Asian Review

Dhruva Space, một nhà sản xuất vệ tinh nhỏ có trụ sở tại Bangalore là một trong những công ty khởi nghiệp không gian tiêu biểu. Sanjay Nekkanti, nhà sáng lập cũng là Giám đốc điều hành của công ty đã chỉ ra tiềm năng to lớn của ngành vũ trụ khi chỉ có 36 quốc gia trên thế giới đưa ra các chương trình không gian trong 10 năm qua.


"Đây là năm 2019 và chúng ta đang nói về việc lên Sao Hỏa. Tôi chắc chắn trong thập kỷ tới, tất cả các quốc gia sẽ cố gắng để lại một dấu ấn trên vũ trụ", Nekkanti nói với tờ Nikkei Asian Review.

Dhruva đã phát triển được các vệ tinh với tải trọng lên tới 10 kg. Công ty tin rằng các vệ tinh nhỏ này sẽ ngày càng được sử dụng rộng rãi trong các ứng dụng công nghiệp trong thập kỷ tới. Các vệ tinh này góp phần làm giảm độ trễ thời gian quan sát và giúp chúng ta dễ dàng quan sát hơn bởi các thiết bị từ Trái Đất.

"Từ góc độ thị trường, tôi nhìn thấy cơ hội đáng giá hàng chục tỷ USD trong 10 năm tới," ông Nekkanti nói về ngành công nghệ vũ trụ.

S. Rakesh, Chủ tịch và Giám đốc điều hành của Antrix Corp, một chi nhánh thương mại của ISRO đã ước tính chỉ riêng doanh nghiệp kinh doanh vệ tinh nhỏ của Ấn Độ có khả năng tạo ra tới 20 tỷ rupee (300 USD) mỗi năm trong khoảng thời gian một thập kỷ tới.

Skymet Weather Services, nhà cung cấp dịch vụ thông tin và dự báo thời tiết tư nhân đầu tiên của Ấn Độ cũng đang lên kế hoạch gửi các vệ tinh viễn thám từ xa vào không gian. Hiện tại, công ty này sử dụng dữ liệu từ CubeSat của INSAT, MODIS, Sentinel và Planet Labs. Skymet muốn cải thiện chất lượng dịch vụ bằng cách phóng vệ tinh của riêng mình để có được hình ảnh tốt hơn, nhanh hơn.

Tuy nhiên, các công ty khởi nghiệp không gian vẫn đang phải đối mặt với một số thách thức.

Cả Dhruva và Skymet đều đang chờ đợi một chính sách rõ ràng về các công ty công nghệ vũ trụ tư nhân từ phía chính phủ. Một trong số đó là việc thông qua Dự luật hoạt động không gian, chỉ định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài vũ trụ theo tiêu chuẩn quốc tế.

Dự luật cũng sẽ cung cấp cụ thể các quy định về sự hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật cho các hoạt động không gian thương mại và điều chỉnh các thủ tục thực hiện.

Theo Nikkei Asian Review