Ấn Độ: 357.229 ca nhiễm, 3.449 người chết do COVID-19 chỉ trong 24 giờ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Số ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ đã vượt qua con số 20 triệu trong hôm 4/5, theo dữ liệu chính thức vừa công bố.
Số ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày ở mức kỷ lục tạo sức ép lớn với hệ thống y tế Ấn Độ (Ảnh: SCMP)
Số ca nhiễm mới COVID-19 mỗi ngày ở mức kỷ lục tạo sức ép lớn với hệ thống y tế Ấn Độ (Ảnh: SCMP)

Chỉ trong vòng 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 357.229 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 ở nước này lên 20,3 triệu, theo Bộ Y tế nước này. Số ca tử vong tăng thêm 3.449, lên tổng số 222.408. Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng con số thực tế còn có thể cao hơn nhiều.

Cách đây 2 tuần lễ, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã kêu gọi các bang chỉ xem xét về áp lệnh phong tỏa “như lựa chọn cuối cùng”. Hiện tại, mọi người, từ các đồng minh chính trị của ông, các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu cho tới cố vấn y tế hàng đầu của Tổng thống Mỹ Joe Biden, đều xem lệnh phong tỏa như cách duy nhất để ngăn chặn làn sóng dịch tồi tệ nhất này.

Cuộc tranh luận về áp lệnh phong tỏa đã trở nên rất phức tạp do động thái của ông Modi hồi năm ngoái, áp lệnh phong tỏa phạm vi toàn quốc mà không có cảnh báo trước, gây nên một cuộc khủng hoảng nhân đạo khi nhiều nhân công nhập cư phải tháo chạy về các vùng nông thôn.

Cũng bởi vậy mà kể từ sau đó, Thủ tướng Modi rất thận trọng với việc áp lệnh phong tỏa, đặc biệt là sau khi đảng Bharatiya Janata (BJP) của ông đã thất bại trong cuộc bầu cử ở Tây Bengal hôm Chủ nhật vừa qua.

Trong tuần qua, nhiều kênh truyền hình và mạng xã hội đã tràn ngập những hình ảnh tang thương mà trong đó người dân phải chật vật tự kiếm oxy cho người thân bị nhiễm COVID-19, và những cuộc hỏa táng tập thể ở Ấn Độ.

Biện pháp cấp thiết nhất để phá vỡ chuỗi lây truyền chính là giữ khoảng cách giữa người với người, đủ xa để virus corona chủng mới không thể nhảy từ người này sang người khác. Một số chuyên gia, bao gồm cả ông Anthony S. Fauci, bác sĩ chuyên về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Mỹ, cũng nói rằng việc phong tỏa tạm thời là quan trọng.

Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng lệnh phong tỏa toàn quốc là không thể thực hiện nổi và sẽ là một thảm họa đối với người nghèo – những người vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đợt dịch. Chính phủ liên bang hiện vẫn để các bang tự quyết định xem có áp lệnh phong tỏa hay không, trong khi những nơi quan trong như thủ đô New Delhi, trung tâm tài chính Mumbai đã áp lệnh phong tỏa – mặc dù không hà khắc như năm ngoái.

Trong bối cảnh nhiều bệnh viện ở Ấn Độ thiếu thốn oxy, thi thiể người chất đống ở các lò hòa táng, thì lệnh phong tỏa không hiệu quả chỉ gây thêm nỗi khổ cho người dân. Khó khăn trong cuộc sống có thể tạo nên một làn sóng mới nhân công từ các thành phố lớn đổ về các làng mạc nông thôn, càng làm tăng nguy cơ truyền bệnh.

Theo giới chuyên gia, thay vì áp dụng lệnh phong tỏa quá hà khắc, chính quyền địa phương có thể ngừng hết các hoạt động vốn khó duy trì được giãn cách xã hội.

“Tôi chắc chắn sẽ ngừng hoạt động của các cửa hiệu bán lẻ, nhà hàng trong nhà, và mọi thứ có thể khiến người ta tụ tập đông trong nhà” – Ashish Jha, Hiệu trưởng trường ĐH Y tế công Brown, nói – “Tôi sẽ cấm mọi cuộc tụ họp quy mô lớn ở ngoài trời, mặc dù điều này rất khó thực hiện ở những quốc gia như Ấn Độ, nơi mà mọi thứ đều có thể tụ tập rất đông người tham gia”.