Ai sẽ là chủ nhân Điện Kremlin sau năm 2024?

VietTimes -- Ngày 31/12/2019 vừa tròn 20 năm ông Vladimir Putin chính thức trở thành chủ nhân Điện Kremlin. Lúc này, một trong những vấn đề được thế giới và nước Nga đặc biệt quan tâm là vào năm 2024, khi ông V.Putin kết thúc nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 kể từ năm 2000 và nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 liên tiếp kể từ năm 2012, thì ai sẽ là người kế tục ông trong Điện Kremlin? Cuộc họp báo lớn cuối năm của Tổng thống Nga V.Putin vào ngày 20/12 vừa qua đã hé mở phần nào câu trả lời cho câu hỏi rất được quan tâm này.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo lớn ngày 20/12/2019 (Ảnh: RT)
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc họp báo lớn ngày 20/12/2019 (Ảnh: RT)

Đại hội Đảng Nước Nga thống nhất và kịch bản chuyển giao quyền lực vào năm 2024

Giới quan sát nhận định, sự hiện diện của Tổng thống Nga V.Putin tại Đại hội Đảng Nước Nga thống nhất diễn ra trong 2 ngày 22 và 23/11/2019 và đọc diễn văn chỉ đạo là dấu hiệu chứng tỏ sự ủng hộ của ông đối với Đảng Nước Nga thống nhất và với cá nhân Chủ tịch Đảng và là đương kim Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev.

Trong bài diễn văn tại Đại hội, Tổng thống V.Putin nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đảng Nước Nga thống nhất trong đời sống chính trị nước Nga và cho rằng Đảng thể hiện ý chí, quan điểm và thông qua chương trình nghị sự xuất phát từ mục tiêu đảm bảo quyền tự do và hạnh phúc của toàn dân, đề cao lòng yêu nước, giá trị truyền thống, mong muốn xây dựng một xã hội dân sự và một nhà nước mạnh mẽ.

Theo Tổng thống Nga V.Putin, Đảng Nước Nga thống nhất tập trung lắng nghe ý kiến của người dân để thấu hiểu tình hình đất nước hiện nay căn cứ vào các chỉ số về chất lượng đời sống của người dân và trên cơ sở đó đưa ra những quyết sách phù hợp nhằm phát triển đất nước. Ông V.Putin nhận định, các cuộc bầu cử sắp tới có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc đảm bảo sự phát triển liên tục của quốc gia và thực thi các dự án quốc gia đã đề ra. Để đạt được mục tiêu đó cần tăng cường củng cố nền tảng xã hội trên cơ sở chiến lược dài hạn nhằm đưa nước Nga tiếp tục phát triển đi lên và đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của Đại hội lần này của Đảng Nước Nga thống nhất. Theo Chương trình làm việc của Đại hội 19, Đảng Nước Nga thống nhất đã khởi động tiến trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử Duma quốc gia (Hạ viện) sẽ diễn ra trong năm 2021.

Đại hội 19 của Đảng Nước Nga thống nhất diễn ra theo kịch bản của Cục chính sách đối nội và đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, Văn phòng tổng thống chịu trách nhiệm giám sát chặt chẽ hơn đối với công việc của Đảng. Giới quan sát chính trị nhìn nhận sự việc này là tín hiệu về niềm tin chiến lược mà Tổng thống Nga V.Putin giao cho Cục chính sách đối nội trong việc chuẩn bị kịch bản chuyển giao quyền lực thời kỳ “hậu Putin” sau năm 2024. Theo giới phân tích chính trị, căn cứ vào kết quả Đại hội lần thứ 19 của Đảng Nước Nga thống nhất, hiện có 3 kịch bản chuyển giao quyền lực trong kỷ nguyên hậu Putin.

Kịch bản thứ nhất: V.Putin vẫn tại vị. Đây là kịch bản được quan tâm nhiều nhất. Cho đến thời điểm này, Tổng thống Nga V.Putin vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng và chỉ cho biết quyết định của ông có ra tranh cử hay không sẽ căn cứ vào nguyện vọng của người dân Nga. Cản trở duy nhất đối với kịch bản này là Hiến pháp Nga, trong đó điều khoản quy định tổng thống không được tại vị quá 2 nhiệm kỳ liên tiếp. Cơ quan quyền lực duy nhất có thể loại bỏ quy định này là Duma quốc gia khóa mới sẽ được bầu vào năm 2021. Do đó, cuộc bầu cử vào Duma quốc gia Nga có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ đối với việc V.Putin có ra tranh cử hay không mà còn đối với tương lai của nước Nga trong kỷ nguyên hậu V.Putin.

Trả lời câu hỏi của báo giới trong cuộc họp báo lớn ngày 20/12/2019 về khả năng sửa đổi Hiến pháp, Tổng thống Nga V.Putin cho biết, đây không phải là văn kiện không thể sửa đổi và phải được điều chỉnh sao cho phù hợp với trình độ phát triển của xã hội Nga. Theo ông V.Putin, trong Hiến pháp Nga có những điều khoản không nên thay đổi, trước hết là những điều cơ bản trong Chương 1. Còn những nội dung khác có thể thay đổi.

Theo quan sát của Tổng thống Nga V.Putin, vừa qua đã có các cuộc thảo luận về sự thay đổi này và ông hiểu được lập luận của những người muốn có sự thay đổi liên quan tới việc mở rộng quyền lực của Quốc hội Nga, đặc quyền của tổng thống và của chính phủ. Tổng thống Nga V.Putin nhấn mạnh, tất cả những thay đổi này chỉ có thể được tiến hành sau khi đã chuẩn bị tốt và thảo luận sâu sắc và rất thận trọng trong xã hội. Ông V.Putin cũng để ngỏ khả năng loại bỏ những hạn chế liên quan đến 2 nhiệm kỳ tổng thống liên tiếp. Theo Tổng thống Nga V.Putin, có thể loại bỏ từ "liên tiếp" (có nghĩa là hai nhiệm kỳ liên tiếp) ra khỏi điều khoản trong Hiến pháp Nga giới hạn nhiệm kỳ quyền lực tổng thống.

Kịch bản thứ hai: V.Putin chuyển giao quyền lực cho nhân vật tin cậy. Theo cơ cấu nhân sự sau Đại hội 19 của Đảng Nước Nga thống nhất, kịch bản này đang được tính đến. Theo đó ông D.Medvedev sẽ nắm ghế tổng thống, còn ông V.Putin có thể giữ chức Chủ tịch Hội đồng nhà nước và Hội đồng an ninh quốc gia. Trong đó, sẽ thành lập Nhóm chuyên gia cố vấn cao cấp trực thuộc Hội đồng an ninh quốc gia Nga - một cơ chế cho phép V.Putin và các nhân vật thân tín với ông đã cao tuổi sẽ tiếp tục tham gia các công việc hệ trọng của đất nước. Điều này đồng nghĩa với việc ảnh hưởng của ông V.Putin sẽ vẫn được phát huy theo kịch bản này sau năm 2024.

Tổng thống Nga V.Putin (bên trái) và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev (bên phải)-một trong những ứng cử viên tổng thống Nga vào năm 2014 (Ảnh Sputnik)
Tổng thống Nga V.Putin (trái) và Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev - một trong những ứng cử viên tổng thống Nga vào năm 2024 (Ảnh: Sputnik)

Ở cương vị Thủ tướng Nga đồng thời là Chủ tịch Đảng Nước Nga thống nhất, D.Medvedev là ứng cử viên tiềm năng nhất có thể thay thế Tổng thống Nga V.Putin sau năm 2024. Hoặc, D.Medvedev sẽ vẫn giữ một trong những vị trí chủ chốt trong Chính phủ Nga sau khi V.Putin thôi giữ chức tổng thống sau năm 2024. Việc D.Medvedev lãnh đạo Ủy ban soạn thảo Cương lĩnh mới của Đảng để chuẩn bị cho cuộc chạy đua trong chiến dịch bầu cử Duma quốc gia vào năm 2021 chứng tỏ quyết tâm và sự tự tin của nhà lãnh đạo này, bất chấp việc ông thường xuyên bị người dân cũng như đảng đối lập chỉ trích do những hạn chế trong điều hành đất nước ở cương vị Thủ tướng Nga.  

Kịch bản thứ ba: lãnh đạo nước Nga sẽ là một nhân vật đứng ngoài hệ thống chính trị của Moscow. Kịch bản này là điều mà V.Putin cũng như Bộ tham mưu trong Điện Kremlin không mong muốn. Đây có thể sẽ là kịch bản không có gì tốt lành, không chỉ đối với nước Nga mà còn đối với cộng đồng quốc tế, vì điều này đồng nghĩa với việc những mầm mống mâu thuẫn, bất ổn và chia rẽ âm ỉ sẽ lan tỏa trên toàn nước Nga. Ngoài ra, theo giới quan sát, kịch bản này chỉ xảy ra khi xuất hiện nhân vật đối lập trẻ tuổi có triển vọng, có tầm hiểu biết rộng và có sức lôi cuốn quần chúng. Nghĩa là sẽ phải xuất hiện một lực lượng chính trị mới đủ sức cạnh tranh với Đảng Nước Nga thống nhất và các đảng đối lập khác trong Duma quốc gia Nga. Mặc dù xác suất xảy ra kịch bản này là rất thấp nhưng nếu bối cảnh kinh tế xã hội Nga tiếp tục không có biến chuyển tích cực sẽ thúc đẩy sự phát triển theo chiều hướng này. 

Hiện nay các đảng phái chính trị khác ở Nga cũng đang tích cực chuẩn bị cho chiến dịch tranh cử trong năm 2021. Tuy nhiên, kết quả thăm dò dư luận mới đây cho thấy Đảng Nước Nga thống nhất vẫn chiếm ưu thế, và mức độ tín nhiệm của người dân với Tổng thống Nga V.Putin vẫn khá cao. Theo bảng xếp hạng uy tín của các chính trị gia và các đảng phái chính trị do Cơ quan nghiên cứu dư luận toàn Nga công bố ngày 22/11/2019, mức độ hài lòng của người dân với Tổng thống V.Putin đạt 63,9%, với Thủ tướng D.Medvedev là 37,7%, với Chính phủ là 40,3%. Đảng Nước Nga thống nhất nhận được sự tín nhiệm của 32,6% người được hỏi ý kiến; Đảng Cộng sản Liên bang Nga là 14,9%; Đảng Dân chủ tự do 12,1%; Đảng Nước Nga công bằng 6,2%.

Cũng theo bảng xếp hạng này, với câu hỏi “Bạn tin tưởng ai trong số các chính trị gia”, Tổng thống Nga V.Putin nhận được sự tin tưởng của 70% số người được hỏi, tiếp theo là Thủ tướng D.Medvedev với 37,6% và Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do Nga V.Zhirinovsky 35,5%. Nhận xét về triển vọng cuộc bầu cử Duma 2021, Chủ tịch Hội đồng chuyên gia Quỹ phát triển xã hội dân sự Nga K.Kostin cho rằng vị thế của Đảng Nước Nga thống nhất gia tăng trên các bảng xếp hạng bởi Đảng này được coi là lực lượng chính trị ủng hộ V.Putin. Việc duy trì các cử tri ủng hộ căn bản và lôi kéo các nhóm cử tri khác cũng như sở hữu cơ sở hạ tầng chính trị có ưu thế trên khắp nước Nga đang là lợi thế của Đảng Nước Nga thống nhất trong việc đề cử người của Đảng này vào ghế tổng thống Nga vào năm 2024.

Như vậy, nếu trong cuộc bầu cử vào Duma quốc gia Nga vào năm 2021, các ứng cử viên của Đảng Nước Nga thống nhất giành được thế lợi thế áp đảo, thì có nhiều khả năng Duma quốc gia Nga khóa mới sẽ thông qua việc sửa đổi Hiến pháp theo nguyện vọng của đa số người dân Nga liên quan tới quy định hạn chế 2 nhiệm kỳ liên tiếp của tổng thống Nga. Khi đó, khả năng ông Putin tiếp tục là tổng thống Nga sau năm 2024 sẽ là chắc chắn tới 99%. Khả năng này có xác suất hiện thực hóa rất cao bởi ông Putin giờ đây không đơn thuần là tổng thống Nga, mà còn là lãnh tụ của nhân dân Nga sau những kỳ tích mà ông mang lại cho nước Nga sau 20 năm cầm quyền.