Theo nghiên cứu của Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs, những đột phá mới nhất về trí tuệ nhân tạo có thể hướng tới việc tự động hóa 1/4 công việc được thực hiện ở Mỹ và khu vực Liên minh châu Âu.
Goldman Sachs cho biết các hệ thống AI “sáng tạo” như ChatGPT, có thể tạo ra nội dung không thể phân biệt được so với con người, điều này có thể châm ngòi cho sự bùng nổ năng suất và sẽ nâng tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu hàng năm lên 7% trong vòng 10 năm tới.
Joseph Briggs và Devesh Kodnani, hai tác giả của nghiên cứu này, cho rằng nếu "siêu trí tuệ nhân tạo" hoạt động đúng như kỳ vọng và không bị hạn chế, chúng sẽ gây ra sự gián đoạn đáng kể trên thị trường lao động, khiến 300 triệu lao động toàn thời gian ở các nền kinh tế lớn như Mỹ và châu Âu bị mất việc làm.
Ước tính của Goldman Sachs dựa trên phân tích dữ liệu công việc trong hàng nghìn nghề nghiệp khác nhau, khoảng 2/3 số lượng công việc mới tại Mỹ và châu Âu sẽ được áp dụng công nghệ tự động hóa bằng trí tuệ nhân tạo. AI có khả năng thực hiện hàng loạt nhiệm vụ như hoàn thành tờ khai thuế cho một doanh nghiệp nhỏ, đánh giá yêu cầu bảo hiểm phức tạp hoặc ghi lại kết quả điều tra hiện trường vụ án. Tuy vậy, chúng khó có thể thay thế một số công việc đặc thù như phán quyết của tòa án, bác sĩ, cảnh sát...
Riêng tại Mỹ, 63% lực lượng lao động có thể bị ảnh hưởng bởi AI. Trong khi đó, báo cáo từ OpenAI cũng ước tính khoảng 80% lực lượng lao động Mỹ có thể chứng kiến ít nhất 10% nhiệm vụ của họ được thực hiện bởi các Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Tuy nhiên, Cục Cảnh sát châu Âu Europol cảnh báo rằng các tiến bộ nhanh chóng của LLM thời gian qua có thể trở thành công cụ cho giới lừa đảo trực tuyến và tội phạm mạng. "Các LLM có thể trở thành một mô hình kinh doanh tội phạm trọng điểm trong tương lai", đại diện Europol nói.
Goldman cho biết nếu đầu tư của các công ty vào thị trường AI tiếp tục tăng với tốc độ tương tự như đầu tư vào phần mềm trong những năm 1990, riêng mức đầu tư của Hoa Kỳ có thể đạt tới 1% GDP của cả quốc gia này vào năm 2030.
Theo Financial Times