AI không thể thay thế sáng tạo trong báo chí

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Đức Nam - Chủ tịch Hội Nhà báo TP Đà Nẵng - với VietTimes về những tác động của trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số đối với báo chí.

Ông Nguyễn Đức Nam - Chủ tịch Hội Nhà báo TP Đà Nẵng, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Đức Nam - Chủ tịch Hội Nhà báo TP Đà Nẵng, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng.

Chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo (AI) đang thâm nhập sâu vào mọi mặt của đời sống xã hội và báo chí cũng không đứng ngoài sự xu hướng đó. Trước những quan ngại về sự thay thế của AI đối với phóng viên, cũng như tác động của chuyển đổi số đến nghề báo, nhân kỷ niệm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, VietTimes đã có buổi trò chuyện với ông Nguyễn Đức Nam - Chủ tịch Hội Nhà báo TP Đà Nẵng, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng - xung quanh vấn đề này.

- Chuyển đổi số đã trở thành xu hướng, vấn đề lớn của toàn xã hội và báo chí cũng không thể đứng ngoài cuộc. Ông có thể chia sẻ xu hướng này trong Hội nhà báo TP nói chung và Báo Đà Nẵng nói riêng?

Ông Nguyễn Đức Nam: TP Đà Nẵng là 1 trong 3 trung tâm báo chí lớn của cả nước, với gần 1.000 người làm báo của hơn 100 cơ quan, văn phòng đại diện. Trước dòng chảy công nghệ, cơ quan báo chí trên địa bàn cũng chịu tác động không nhỏ.

Đúng như anh chia sẻ, chuyển đổi số đã tác động đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó, có báo chí. Có thể nói, chuyển đổi số tác động không chỉ đến các nền tảng của toà soạn báo, mà còn tác động đến việc tác nghiệp của từng phóng viên, từ cách tiếp cận, đưa tin và xử lý nội dung.

Nhận thức được điều này, thời gian qua, Hội Nhà báo TP Đà Nẵng đã phối hợp với Sở TT&TT TP Đà Nẵng tổ chức nhiều chương trình, hội thảo tập huấn về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 trong lĩnh vực báo chí, để đội ngũ làm báo trên địa bàn cập nhật, bắt kịp xu thế này, nhất là công tác quản lý báo chí trên nền tảng số.

- Ông có nghĩ rằng, chuyển đổi số và AI khiến không gian làm báo bị hẹp đi và chịu áp lực nhiều hơn?

Ông Nguyễn Đức Nam: Theo tôi, bên cạnh những quy định pháp lý, thì nghề báo là nghề sáng tạo với những chuẩn mực khắt khe, nên việc chuyển đổi số và AI xâm nhập sâu vào lĩnh vực báo giới không làm mất đi, hay hẹp đi không gian làm báo.

Chuyển đổi số hay ứng dụng công nghệ số sẽ hỗ trợ các phóng viên đưa thông tin đến người biên tập nhanh hơn và biên tập viên có thể xuất bản thông tin trên nhiều nền tảng, giúp việc truyền tải thông tin được nhanh, kịp thời và nhất là đáp ứng yêu cầu thông tin đến từng bạn đọc với những nhu cầu khác nhau.

Bên cạnh đó, chuyển đổi số hay trí tuệ nhân tạo sẽ gợi ý các nội dung yêu thích của người đọc, giúp các toà soạn có thể gia tăng lượng bạn đọc được tốt hơn. Việc ứng dụng công nghệ số cho phép cơ quan báo chí có thể tự động hóa các quy trình làm việc ở tất cả các bộ phận, giảm bớt thời gian, chi phí hoạt động.
Đặc biệt là giúp cơ quan báo chí xây dựng được hệ thống để thu thập số liệu của bạn đọc, từ đó gia tăng các trải nghiệm, đáp ứng nhu cầu của bạn đọc ngày càng tốt hơn.

Bên cạnh đó, áp lực cho nghề báo sẽ ngày càng cao hơn. Ở đây áp lực là về tư duy, cách làm sáng tạo và chạm được nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc.

a-nang-bao-chi-la-dau-noi-giua-chinh-quyen-va-nguoi-dan-1-2496.jpg
Phóng viên, nhà báo tác nghiệp tại sự kiện lớn ở Đà Nẵng

- Bên cạnh áp lực, chắc chắn, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo cũng mang lại nhiều lợi thế cho nghề báo, để khai thác và sử dụng. Quan điểm của ông như thế nào về vấn đề này?

Ông Nguyễn Đức Nam: Như tôi đã nói, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo được khai thác đúng sẽ là công cụ hữu hiệu cho nghề báo, giúp cơ quan báo chí đi xa hơn, nhanh hơn và tiếp cận được bạn đọc được tốt hơn, nhất là trong việc nhận diện các nội dung và bóc tách các vấn đề về đề tài báo chí cũng như hiểu hơn về nhu cầu của từng phân khúc bạn đọc, giúp cơ quan báo chí xây dựng nội dung sản phẩm phục vụ bạn đọc được tốt hơn.

- Trong dòng chảy của chuyển đổi số, định hướng chuyển đổi số của Hội Nhà báo TP Đà Nẵng như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Đức Nam: Theo tôi, làm báo thời 4.0 hiện nay áp lực rất lớn, vì yêu cầu cao hơn với người làm báo về trình độ, kỹ năng báo chí, kiến thức...

Với quan điểm đó, thời gian qua, cũng như tới đây, Hội Nhà báo TP Đà Nẵng sẽ tiếp tục mở nhiều lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho người làm báo, cập nhật các định hướng về chuyển đổi số cũng như khai thác công nghệ để phục vụ tác nghiệp báo chí, nhất là phải lấy đạo đức và pháp luật làm kim chỉ nam cho dù sử dụng bất cứ công nghệ hay ứng dụng gì.

- Cảm ơn ông!