Adidas dùng robot sản xuất giày thiết kế và bán riêng cho từng thành phố

VietTimes -- Thay vì thuê hàng triệu nhân công ở Trung Quốc và Việt Nam, sản xuất lô lớn hàng trăm nghìn đôi giày, Adidas đã thử nghiệm thiết kế giày dành riêng cho từng thành phố, sử dụng robot, sản xuất lô nhỏ và bán tại địa bàn. Giày dành cho London sẽ được bán vào tuần tới với giá khoảng 222 USD/đôi
Giày thể thao Adidas
Giày thể thao Adidas

Sử dụng robot và dữ liệu của các vận động viên, công ty giày Adidas đang tạo ra những lô nhỏ giày thể thao dành riêng cho khách hàng trong thành phố, báo hiệu một sự chuyển dịch về công nghệ từ sản xuất hàng loạt sang phục vụ cho các mục đích chuyên biệt.

Tai nhà máy Speedfactory của họ ở Đức, Adidas đang sản xuất giày dép cho một số thành phố nhất định, bắt đầu từ London. Theo trang micro web của nhà máy, được gọi là "tương lai của cách chúng ta chế tạo", Speedfactory sử dụng dữ liệu từ vận động viên để tạo ra các thiết kế theo yêu cầu của thành phố. Thay vì nhân công, nhà máy sử dụng robot, cắt giảm thời gian đưa sản phẩm ra thị trường từ hơn một năm xuống chỉ còn dưới 45 ngày.

Nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đang dịch chuyển đơn hàng vào Việt Nam, tạo ra cơ hội rất lớn cho ngành xuất khẩu da giày trong nước Ảnh: VĨNH TÙNG
Nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đang dịch chuyển đơn hàng vào Việt Nam, tạo ra cơ hội rất lớn cho ngành xuất khẩu da giày trong nước Ảnh: VĨNH TÙNG (nld)

Việc ra mắt trên toàn cầu loạt sản phẩm -  những đôi giày được làm bằng robot -  với tên gọi là dòng AM4, cũng sẽ bao gồm loại giày được thiết kế dành riêng và bán ở New York, Los Angeles, Paris, Tokyo và Thượng Hải. Giày dành cho London sẽ được bán vào tuần tới với giá khoảng 169,95 bảng Anh/đôi (khoảng 222 USD).

Ông David Drury, giám đốc phát triển sản xuất giày dép tại Adidas, gọi đây là một cơ hội để "đột phá bằng các công nghệ hoàn toàn mới".

Khi ngành công nghiệp giày bắt đầu tập trung vào việc xuất xưởng các lô hàng nhỏ hơn thay vì sản xuất hàng loạt, Adidas cho thấy công nghệ có thể giúp khắc phục được sự chậm trễ và tốn kém của quy trình sản xuất hàng loạt. Các lô hàng nhỏ đòi hỏi ít thời gian và tiền bạc để thiết kế và chế tạo hơn so với việc phát hành hàng loạt, có thể mất hơn một năm để đưa được một mẫu giày ra thị trường và đòi hỏi phải bán được ít nhất 50.000 đôi mới có lãi.

Trong mô hình sản xuất hàng loạt của Adidas, công ty thuê cả triệu công nhân làm việc trong các nhà máy ở Trung Quốc và Việt Nam để sản xuất giày. Những sản phẩm này sau đó được gửi tới khách hàng trên toàn cầu.

Trong mô hình lô nhỏ, điểm sản xuất gần khách hàng hơn, sản phẩm giày được chế tạo bởi máy móc, với những động tác nhanh hơn và ít lỗi hơn con người. Chi phí cho máy móc cũng ít hơn việc thuê nhân công ở Bắc Mỹ hoặc Châu Âu, nơi mà các mẫu hàng mới cần được sản xuất gần địa bàn tiêu thụ để rút ngắn thời gian giao hàng.

Adidas không phải là hãng duy nhất thử nghiệm công nghệ chế tạo giày. Hãng Nike đang sử dụng công nghệ điện tĩnh để sản xuất giày dép với tốc độ nhanh gấp 20 lần con người.

Với hai cái tên hàng đầu trong ngành sản xuất giày tìm kiếm công nghệ thế hệ kế tiếp để nâng cao kỹ nghệ chế tạo, các công ty khác sẽ phải phát triển hoặc áp dụng các công nghệ để không bị tụt lại trong cuộc đua. Ngoài giày dép, các công ty sản xuất các mặt hàng khác có thể nghiên cứu xem liệu quy trình chế tạo của họ có thể được tăng tốc hay không thông qua việc sử dụng robot hoặc điều chỉnh các lô hàng nhỏ bằng cách sử dụng dữ liệu.

Theo techrepublic.com