Lâu nay bóng đá Việt vẫn có cảnh “sinh con, rồi mới sinh cha, sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”, vung tiền kiếm được 1 đội bóng rồi tính sau. Hà Tĩnh cũng đang làm theo hướng “đi tắt, đón đầu” này, mãi sau khi vô địch hạng Nhất, được lên thi đấu V.League 2020 rồi mới bỏ tiền đi mua đèn về đá. Nhưng hạ tầng cơ sở của một CLB bóng đá chuyên nghiệp, không chỉ có dàn đèn…
“Sân Vinh- phiên bản 2”
Dự kiến cuối tháng 5, vòng 3 V.League sẽ tiến hành thi đấu, lúc đó người ta mới giật mình nhìn lại mặt sân vận động Hà Tĩnh. Cỏ bay sạch, trơ lỳ nền đất cứng hệt như sân bóng xóm, phường…khiến chính các cổ động viên Hà Tĩnh cũng lắc đầu ngao ngán, nó hệt sân Vinh - phiên bản 2.
Theo tìm hiểu của chúng tôi sân Hà Tĩnh sử dụng loại cỏ Paspalum, một loại cỏ lá kim cao cấp tương tự như cỏ Bermuda nhưng cần phải có công nghệ chăm sóc đặc biệt. Cỏ này có nguồn gốc từ Bắc Brazil, Argentina, mọc thành từng bụi, đẻ nhánh, thân cây to khỏe, cao từ 1 – 1,5m, lá mềm, có vị ngon, phiến lá dài khoảng 50cm, rộng 3 – 4cm, có lông nhỏ, thời gian lưu gốc từ 3 – 4 năm.
Quang cảnh bảo dưỡng sân Hà Tĩnh, chuyện chỉ có ở V.League. Ảnh HTFC
|
Ưu điểm lớn nhất của giống cỏ Ubon Paspalum là: Chịu được ngập úng, chịu được thời tiết giá lạnh, có thể sinh trưởng tốt dưới bóng râm và chứa hàm lượng dinh dưỡng cao phù hợp với làm sân golf hoặc sân bóng nhưng yêu cầu phải cắt tỉa thường xuyên, cào xới gốc để tơi xốp.
Việc trồng cỏ trên nền đất cứng, công tác bảo dưỡng mặt sân không đúng quy trình nên dù mùa xuân, chưa có nắng nóng, gió Lào nhưng mặt sân đã bong cỏ, trơ lỳ. Có lẽ hiếm có sân bóng nào mới chỉ qua 1 trận đấu trên sân nhà mà mặt sân đã thảm hại như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Ngoại trừ BHL, cầu thủ là tiếp nhận nguyên vẹn Hà Nội B, các cấp quản lý của CLB trong đó có cả bộ phận quản lý, bảo dưỡng sân còn quá nghiệp dư.
Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đang gặp khó khăn ở cả 2 lĩnh vực, làm thế nào để có tiền để duy trì CLB. Khi có tiền rồi thì tìm đâu ra những người thạo việc để điều hành CLB, từ việc nhỏ nhất chăm sóc mặt sân. Cùng loại cỏ nhưng mặt sân tại Trung tâm bóng đá PVF (Hưng Yên) có đội ngũ công nhân chuyên nghiệp, thiết bị máy móc, hệ thống nước tưới đầy đủ nên chất lượng chả khác gì các sân bóng châu Âu. Mô hình tư nhân đã tỏ ra sự ưu việt rõ rệt, mọi việc đều có kế hoạch là bộ máy chạy trơn tru từ đầu đến cuối.
Khá ngạc nhiên là hiện nay sân tập của Hồng Lĩnh Hà Tĩnh còn đẹp và chuẩn hơn sân thi đấu, và nếu không “vắt chân lên cổ” thì có nhiều khả năng VPF sẽ treo sân. Sau vụ sân Vinh, bị công luận nói quá nhiều, VPF chắc không thể nhắm mắt làm ngơ khi chất lượng sân bãi của tân binh Núi Hồng như thế.
So với mặt sân cách đây 25 năm, chất lượng sân Vinh không cũng khá hơn là bao. Ảnh tư liệu Vinh xưa
|
Sẽ là trớ trêu, nếu như Hồng Lĩnh Hà Tĩnh tưởng như sẽ cho SLNA mượn sân, giờ lại phải đi thuê sân nơi khác. Khi thấy Hồng Lĩnh Hà Tĩnh hồ hởi với phương án đá sân trung lập (sân PVF) nhiều cổ động viên đã hồ nghi, boăn khoăn. Nhưng thuê sân nào bây giờ cũng lại cả một vấn đề đau đầu?
Ngó bên tê sông
Phía bắc sông Lam, khán giả xứ Nghệ cũng nín thở bởi 40 ngày thi công quá gấp rút khi cải tạo lại bề mặt sân Vinh. Về yêu cầu là phải xới lại nền đất bằng một lớp cát và đất mới có độ dày 2cm để phá đi lớp cỏ tạp hiện tại. Sau đó người ta mới tiến hành trống lớp cỏ mới (cỏ gừng) rồi tiến hành bón phân, tưới nước, cắt cỏ và lu phẳng bề mặt. Đồng thời phải làm lại hệ thống tưới tự động để có thể bảo dưỡng mặt sân liên tục.
Thực ra, công việc không khó khăn như người ta tưởng, địa phương (chủ sở hữu sân) và Bắc Á - nhà tài trợ chẳng gây khó khăn gì, CLB cứ việc xuất ngân quỹ, chủ động tiến hành cải tạo mặt sân.
300 triệu không phải là số tiền quá lớn và chắc chắn câu chuyện chất lượng sân Vinh vẫn chưa dừng lại đây. Đã đến lúc SLNA cần có suy nghĩ nghiêm túc về vấn đề sân bãi, tránh để dư luận dậy sóng như vừa qua, đôi khi “con có khóc” nhưng mãi rồi vẫn phải tự đi kiếm sữa mà tồn tại.