90% số giao dịch thanh toán tại Việt Nam vẫn đang sử dụng tiền mặt

VietTimes -- Tiền mặt hiện vẫn là phương thức thanh toán phổ biến tại Việt Nam, chiếm khoảng 90% các giao dịch hằng ngày. Tuy nhiên, thanh toán điện tử được dự báo chiếm tỷ lệ nhiều hơn trong giao dịch hàng ngày như chi tiêu tại siêu thị, cà phê, rạp chiếu phim, qua đó giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Đây là một trong những nội dung của Báo cáo toàn cầu do Euromonitor thực hiện, được thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh Bảo mật VISA châu Á - Thái Bình Dương vừa diễn ra vào ngày hôm nay (17/5), trong bối cảnh khu vực đã sẵn sàng dẫn đầu cuộc chuyển đổi từ tiền mặt sang thanh toán kỹ thuật số.

Tại Hội nghị, các diễn giả đánh giá, sự tăng trưởng về mức độ sử dụng điện thoại di động và tốc độ đô thị hóa đã thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển trên toàn Châu Á - Thái Bình Dương. Hiện nay, gần một nửa dân số đang sinh sống tại các thị trấn và thành phố, và hơn 1,3 tỷ trong tổng số 1,9 tỷ người dùng Internet tại Châu Á - Thái Bình Dương truy cập Internet bằng smartphone.

Xét về doanh số sử dụng, thị trường Châu Á - Thái Bình Dương có giá trị tương đương 11 nghìn tỷ USD. Hiện tại, hơn một nửa (55%) giao dịch tại đây vẫn đang được thực hiện bằng tiền mặt, đồng nghĩa với việc vẫn còn 6,1 nghìn tỷ USD có tiềm năng chuyển đổi thành các giao dịch điện tử.

90% số giao dịch thanh toán tại Việt Nam vẫn đang sử dụng tiền mặt ảnh 1 Ông Chris Clark, Chủ tịch Visa Châu Á Thái Bình Dương.

Ngoài việc ứng dụng những tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao trải nghiệm thanh toán cho người tiêu dùng, vấn đề bảo mật và đảm bảo tính minh bạch của hệ thống thanh toán chính là chìa khóa phát triển ngành thương mại. Sự thay đổi với tốc độ chóng mặt của hệ sinh thái thanh toán đang đòi hỏi các biện pháp bảo mật mới không làm ảnh hưởng đến sự tiện lợi cho khách hàng và các đơn vị bán hàng.

Joe Cunningham, Giám đốc Quản lý Rủi ro Visa Châu Á Thái Bình Dương cho biết: “Tính bảo mật và sự tiện lợi đã từng được xem là hai yếu tố đối nghịch nhau. Điều đó không còn chính xác. Công nghệ đã đạt đến mức độ đảm bảo cả hai tiêu chí trong trải nghiệm của người dùng, đồng thời không cản bước những đột phá mới”.

Tại Việt Nam, tiền mặt hiện vẫn là phương thức thanh toán phổ biến, chiếm khoảng 90% các giao dịch hằng ngày. Tuy nhiên, xu hướng sử dụng các công nghệ thanh toán di động và công nghệ không tiếp xúc đang gia tăng nhanh chóng. Thanh toán điện tử được dự báo chiếm tỷ lệ nhiều hơn trong giao dịch hàng ngày như chi tiêu tại siêu thị, cà phê, rạp chiếu phim, qua đó giảm sự phụ thuộc vào tiền mặt.

Visa cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phát triển các sáng kiến dựa trên tiêu chuẩn ngành, cũng như áp dụng bộ nguyên tắc nhất quán đối với vấn đề bảo mật, độ tin cậy và khả năng tương tác trong thanh toán.