9 nhiệm vụ trọng tâm đưa trí tuệ nhân tạo thành công nghệ cốt lõi ở TP.HCM

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Trong năm nay 2022, TP.HCM sẽ triển khai 9 nhiệm vụ trọng tâm liên quan đến phát triển, ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI).
Trí tuệ nhân tạo tác động mạnh vào nhiều lĩnh vực. Ảnh: Korea Times
Trí tuệ nhân tạo tác động mạnh vào nhiều lĩnh vực. Ảnh: Korea Times

9 nhiệm vụ mà TP.HCM thực hiện trong thời gian tới là:

Thứ nhất, quyết liệt triển khai đề án Xây dựng hạ tầng số. Trong đó, triển khai hạ tầng mạng di động 5G và hạ tầng kết nối mạng internet vạn vật (loT) cho TP Thủ Đức và các quận - huyện tại TP.HCM.

Thứ hai, nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng hạ tầng tính toán hiệu năng cao. Phương án này sẽ chú trọng công tác nghiên cứu, lập Đề án xây dựng hạ tầng tính toán dựa trên kết quả nghiên cứu, phục vụ hệ sinh thái nghiên cứu và ứng dụng AI.

Thứ ba, nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng hạ tầng dữ liệu. TP sẽ xây dựng bộ dữ liệu dùng chung thuộc các lĩnh vực: y tế, giáo dục, giao thông, hành chính công… Sắp tới, sẽ thí điểm khai thác, sử dụng Dữ liệu số hóa sổ hộ tịch tại Kho dữ liệu dùng chung Thành phố, phục vụ giải quyết thủ tục hành chính theo hướng giảm giấy tờ phải nộp, giấy tờ phải xuất trình.

Thứ tư, tổ chức ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin - truyền thông và trí tuệ nhân tạo TPHCM. Sự kiện nhằm thúc đẩy hoạt động quảng bá các kết quả nghiên cứu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, tạo gắn kết giữa đơn vị nghiên cứu và các đơn vị xây dựng ứng dụng.

Thứ năm, khảo sát nhu cầu ứng dụng và phát triển trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, tổ chức Hội thảo về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực hành chính công, với mục đích ghi nhận các nhu cầu, vướng mắc cụ thể về ứng dụng trí tuệ nhân tạo, cơ chế, chính sách trong lĩnh vực này.

Thứ sáu, xây dựng cơ chế, chính sách về trí tuệ nhân tạo với các khung pháp lý cơ bản đầy đủ. Qua đó, tạo cơ chế và chính sách ưu tiên cho nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo từ môi trường nghiên cứu đến thử nghiệm, từ ứng dụng thí điểm đến ứng dụng rộng rãi trong xã hội.

Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) chính thức thành lập “Chương trình Đào tạo trí tuệ nhân tạo và Công nghệ Robot (AIC)”

Đại học Quốc gia TP.HCM phối hợp với Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) chính thức thành lập “Chương trình Đào tạo trí tuệ nhân tạo và Công nghệ Robot (AIC)”

Chương trình đặt tại Khu công nghệ phần mềm - ĐHQG TP.HCM (Phường Linh Trung, TP. Thủ Đức).

Chương trình đặt tại Khu công nghệ phần mềm - ĐHQG TP.HCM (Phường Linh Trung, TP. Thủ Đức).

Thứ bảy, nghiên cứu phương án, thành lập Trung tâm hỗ trợ phát triển và chuyển giao trí tuệ nhân tạo; Cổng thông tin giải pháp và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Hai công trình này sẽ góp phần tạo ra giá trị tương lai trong ngành tin học; thúc đẩy mối quan hệ đối tác, hợp tác với các trường đại học, tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước; quảng bá sản phẩm nghiên cứu và sản phẩm đào tạo về AI của các trường đại học; thông tin về nhu cầu ứng dụng AI và nhu cầu đào tạo AI của các doanh nghiệp;…

Thứ tám, nghiên cứu đề xuất phương án xây dựng mạng lưới các viện, trung tâm nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo tại các cơ sở nghiên cứu đào tạo. Từ đó, thúc đẩy phát triển nghiên cứu trí tuệ nhân tạo thông qua mạng lưới này.

Thứ chín, triển khai Đề án Đào tạo nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo. Trong đó, đưa nội dung về trí tuệ nhân tạo vào giảng dạy thí điểm tại trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. Đồng thời, triển khai dự án Xây dựng hệ thống trường học thông minh cho trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa, THPT Lê Quý Đôn, THPT Nguyễn Hiền, THPT Nguyễn Du nhằm thí điểm bổ sung phòng STEM (không gian sáng chế Makerspaces).

Theo kế hoạch này, UBND TP.HCM giao Sở Thông tin và Truyền thông TP là cơ quan thường trực, có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện Chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020-2030”.

Bên cạnh đó, chịu trách nhiệm theo dõi đối với từng đề án, dự án. Phối hợp với các cơ quan, tổ chức và các đơn vị liên quan để tổng hợp báo cáo UBND TP theo định kỳ và đột xuất; kịp thời báo cáo và đề xuất UBND TP xem xét, điều chỉnh, bổ sung các đề án, dự án thuộc chương trình trí tuệ nhân tạo.

TP.HCM cũng đang tiến hành nhiều cuộc thi liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI). Ngoài ra, thúc đẩy các Sở - ngành tại Thành phố đề xuất các bài toán cụ thể để áp dụng trí tuệ nhân tạo vào chương trình chuyển đổi số thành phố nhằm phục vụ công tác quản lý, điều hành và phục vụ người dân.