80% người lao động Việt Nam thiếu kỹ năng khi tham gia nền kinh tế số

Cisco đánh giá gần 80% trong số 54 triệu người lao động tại Việt Nam không được đào tạo phù hợp và không có các kỹ năng cần thiết để tham gia vào nền kinh tế số.
Năm 2020, Việt Nam dự kiến thiếu 500.000 nhân lực CNTT.
Năm 2020, Việt Nam dự kiến thiếu 500.000 nhân lực CNTT.

Theo Cisco Việt Nam, phát triển nền kinh tế số đang là cần thiết cho Việt Nam để bắt kịp các xu hướng công nghệ đang diễn ra với tốc độ nhanh trên toàn thế giới và duy trì lợi thế cạnh tranh trong những năm tới.

Vai trò của việc làm trong nền kinh tế số sẽ trở nên phức tạp hơn và để thành công, các cá nhân sẽ cần biết cách cân bằng giữa các kỹ năng chuyên môn quan trọng như phân tích dữ liệu, an ninh, phát triển ứng dụng với các khả năng như sáng tạo, thiết kế và khởi nghiệp.

Tuy nhiên, Cisco đánh giá gần 80% trong số 54 triệu người lao động tại Việt Nam không được đào tạo phù hợp và không có các kỹ năng cần thiết để tham gia vào nền kinh tế số.

Nhân lực cho ngành CNTT dự kiến sẽ chỉ tăng khoảng 8% một năm, thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng việc làm bình quân hàng năm là 47% trong ba năm vừa qua.

Việt Nam được dự báo sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hơn 500.000 lao động trong lĩnh vực này vào năm 2020. Điều này có thể đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển của ngành CNTT Việt Nam.

Theo bà Lương Thị Lệ Thủy, Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam, những xu hướng công nghệ như IoT và thành phố thông minh sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tương lai của Việt Nam.

Đặc biệt, an ninh mạng nên được quan tâm thỏa đáng vì không chỉ bảo vệ tài sản kỹ thuật số ngày càng gia tăng của chúng ta mà còn hiện thực hóa đổi mới và các dịch vụ mới.

“Cisco cam kết giúp Việt Nam phát triển lực lượng lao động có tay nghề và hiểu biết về kỹ thuật số thông qua các chương trình đổi mới xã hội, giúp Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng của các công nghệ này nhằm gia tăng lợi thế cạnh tranh và cải thiện chất lượng sống cho người dân", Tổng Giám đốc Cisco Việt Nam nói.

Thời gian qua, Cisco đã hợp tác và khởi xướng nhiều sáng kiến đổi mới xã hội, không chỉ cải thiện hiệu quả và số lượng tham gia vào các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM)  mà còn kết nối những cá nhân có năng lực với các công việc phù hợp trong các ngành tại Việt Nam.

Cisco Networking Academy là chương trình đào tạo hướng nghiệp và trang bị các kỹ năng CNTT cho sinh viên; Học viện Mạng Cisco tại Việt Nam hiện đang liên kết với 19 tổ chức giáo dục và đã có hơn 29.000 sinh viên tham gia vào chương trình đào tạo.

Ngoài ra, Cisco mở cuộc thi Cisco NetRiders sử dụng các công nghệ web của Cisco để tạo ra bài thi kỹ năng mạng tương tác giúp nâng cao việc học tập trên lớp, kết nối sinh viên từ khắp nơi trên thế giới, và thúc đẩy công tác giáo dục và đào tạo công nghệ. Hãng cũng tổ chức chương trình truyền hình trực tiếp hàng quý Find Yourself in the Future, tổ chức những hội chợ việc làm ảo giúp các sinh viên hiểu hơn về các môi trường làm việc, các chương trình sau đại học, cơ hội việc làm, và những‘thuộc tính’ mà các nhà tuyển dụng hiện đang tìm kiếm…

Theo ICTNews