Thông tin được trao đổi tại tọa đàm "Bản quyền và phát triển bền vững ngành công nghiệp sáng tạo nội dung số" do Hội Truyền thông số Việt Nam, Liên minh Sáng tạo nội dung số và Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp tổ chức hôm nay (17/4).
Tại toạ đàm, ông Hoàng Đình Chung chỉ ra 8 hình thức đánh cắp bản quyền trên nền tảng số: Chiếm đoạt quyền tác giả; mạo danh tác giả; phân phối xuất bản tác phẩm giả mạo; phân phối xuất bản tác phẩm và bản sao tác phẩm không có sự đồng ý của tác giả; sửa chữa, cắt xén xuyên tác tác phẩm không có sự đồng ý của tác giả; sao chép tác phẩm không có sự đồng ý của tác giả, làm tác phẩm phái sinh không có sự đồng ý của tác giả; và sử dụng tác phẩm nhưng không trả tiền bản quyền với chủ sở hữu.
Với 8 hình thức trên, các nội dung vi phạm bản quyền được khai thác kiếm tiền thông qua nền tảng viễn thông, mạng xã hội, ứng dụng OTT website trực tuyến và các nền tảng có nhu cầu khai thác chéo, nền tảng phân phối nội dung trả tiền.
Giám đốc Trung tâm Bản quyền số cho rằng, việc quản lý bản quyền số là công việc đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên liên quan, với nhiều môi trường làm việc khác nhau, từ online đến offline.
Công nghệ là một trong những công cụ có vai trò quan trọng trong bảo vệ bản quyền trên nền tảng số. Trong đó, Trục bản quyền số Quốc gia là giải pháp công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong hoạt động bảo vệ, khai thác và phân phối bản quyền nội dung số.
Đây là công cụ xây dựng nền tảng số toàn trình về hoạt động bản quyền từ đăng ký, bảo vệ, khiếu nại sử dụng AI để nhận diện hình ảnh trùng lắp trong các nội dung dạng video, ảnh, đồng thời hỗ trợ việc kiểm tra, phát hiện nghi vấn vi phạm bản quyền trong từng nội dung.
Khó xác định và xử lý vi phạm trên môi trường số
Tại toạ đàm, các đại biểu đều khẳng định rằng bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan có vai trò ngày càng quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.
Trong thời đại ngày nay, sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ, kỹ thuật số đã đưa đến công cụ sáng tạo mới. Đồng thời, nó cũng tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho biết, trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ, vai trò của sở hữu trí tuệ cũng ngày càng thể hiện rõ nét và là một yếu tố không thể thiếu trong nền kinh tế sáng tạo, đặc biệt là gắn với các mục tiêu phát triển bền vững.
“Đổi mới sáng tạo và Sở hữu trí tuệ là trung tâm để giải quyết những thách thức toàn cầu, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển của xã hội”, ông Hoàng nêu quan điểm.
Hiện nay, các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển mới về mặt nghệ thuật, công nghệ và cách thức tiếp cận công chúng. Khía cạnh thương mại của các ngành công nghiệp văn hóa cũng được chú trọng đầu tư, phát triển. Làm tốt công tác bảo hộ bản quyền là một trong những yếu tố quan trọng để xây dựng nền công nghiệp văn hóa lành mạnh, đủ sức cạnh tranh; đóng góp ngày càng nhiều vào GDP, tạo thêm việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Theo ông Phạm Thanh Tùng, đại diện Cục Bản quyền tác giả, hiện khó xác định và xử lý hành vi vi phạm trên môi trường số, đặc biệt là các trường hợp có yếu tố nước ngoài.
Cùng với đó, là việc nhận thức chưa đầy đủ của cá nhân, tổ chức về vai trò của quyền tác giả, quyền liên quan, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của không ít cơ quan, tổ chức và cá nhân. Vẫn còn nhiều đối tượng vì lợi ích cá nhân mà xâm hại tới quyền lợi hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền.
Ngoài ra, ông Phạm Thanh Tùng cũng chỉ ra một lý do khác, là hiện còn nhiều tác giả, chủ sở hữu quyền chưa nắm vững các quy định pháp luật, chưa chủ động áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Việc xử lý hành vi xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa; việc phối hợp giữa các cơ quan thực thi chưa hiệu quả.
Theo số liệu khảo sát công bố năm 2021 của WIPO về đóng góp kinh tế của các ngành công nghiệp văn hóa dựa trên bản quyền, tại các nước phát triển như Hoa Kỳ, mức đóng góp này chiếm khoảng 11,99% GDP. Các nước khác như Hàn Quốc là 9,89% GDP, Pháp 7,02% GDP, Australia 6,8% GDP, Singapore 6,19% GDP, Canada 6,15% GDP.
Các nước đang phát triển như Trung Quốc đóng góp này chiếm khoảng 7,35% GDP, Malaysia là 5,7% GDP và Thái Lan là 4.48% GDP, Indonesia là 4,11% GDP. Những số liệu này cho thấy việc bảo hộ hiệu quả bản quyền có vai trò quan trọng, góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của mỗi quốc gia.
Tại Việt Nam, qua số liệu ước tính, giá trị tăng thêm (giá hiện hành) của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 ước đạt 5,82%; năm 2019 ước đạt 6,02%; năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng của đại dịch nên số liệu có sự sụt giảm chỉ còn khoảng 4,32% và 3,92%; đến năm 2022 các ngành đã bắt đầu phục hồi và giá trị đóng góp có sự tăng trưởng ước đạt 4,04%. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018-2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỉ đồng (tương đương khoảng 44 tỉ USD).