8 hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử và 4 điều liên quan đến thông điệp dữ liệu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) vừa được thông qua quy định rất rõ 8 điều bị nghiêm cấm. Trong đó, có việc thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) gồm 7 chương, 54 điều, có một số điểm mới so với luật hiện hành, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.

Trong đó, điều 6 của Luật quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong giao dịch điện tử như sau:

1. Lợi dụng giao dịch điện tử xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

2. Cản trở hoặc ngăn chặn trái pháp luật quá trình tạo ra, gửi, nhận, lưu trữ thông điệp dữ liệu hoặc có hành vi khác nhằm phá hoại hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử.

3. Thu thập, cung cấp, sử dụng, tiết lộ, hiển thị, phát tán, kinh doanh trái pháp luật thông điệp dữ liệu.

4. Xóa, hủy, giả mạo, sao chép, làm sai lệch, di chuyển trái pháp luật một phần hoặc toàn bộ thông điệp dữ liệu.

5. Tạo ra thông điệp dữ liệu nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

6. Gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử, chứng thư điện tử, chứng thư chữ ký điện tử, chữ ký điện tử.

7. Cản trở việc lựa chọn thực hiện giao dịch điện tử.

8. Hành vi khác bị nghiêm cấm theo quy định của luật.

Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản, dùng được làm chứng cứ

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được công bố tại hội trường Quốc hội ngày 22/6 cho thấy nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm về thông điệp dữ liệu.

Luật quy định rõ, thông điệp dữ liệu được thể hiện dưới hình thức văn bản điện tử, tài liệu điện tử, chứng thư điện tử, chứng từ điện tử, hợp đồng điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và hình thức trao đổi dữ liệu điện tử khác theo quy định của pháp luật. Thông điệp dữ liệu được tạo ra, phát sinh trong quá trình giao dịch hoặc được chuyển đổi từ văn bản giấy.

Về giá trị pháp lý của thông điệp dữ liệu, thông tin trong thông điệp dữ liệu không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.

Thông điệp dữ liệu có giá trị như văn bản. Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu thông tin trong thông điệp dữ liệu đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu.

Với trường hợp pháp luật yêu cầu văn bản phải được công chứng, chứng thực thì thông điệp dữ liệu được xem là đáp ứng yêu cầu nếu được công chứng theo quy định của pháp luật về công chứng; chứng thực theo quy định của Luật này và pháp luật về chứng thực.

Thông điệp dữ liệu có giá trị dùng làm chứng cứ. Giá trị dùng làm chứng cứ của thông điệp dữ liệu được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, gửi, nhận hoặc lưu trữ thông điệp dữ liệu; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của thông điệp dữ liệu./.