8 động lực giúp doanh nghiệp chuyển đổi số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
Để thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số, doanh nghiệp cần được trang bị đầy đủ hành trang để khai thác tiềm năng. Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra 8 động lực giúp doanh nghiệp chuyển đổi số.

Theo Cục Phát triển doanh nghiệp, 8 động lực dưới đây cho thấy tiềm năng cải tiến cao, giúp doanh nghiệp có đầy đủ hành trang để bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0).

Sử dụng tài nguyên và tối ưu hóa quy trình

Khả năng cải tiến các quy trình và tiêu thụ nguyên vật liệu khi thực hiện công nghiệp 4.0 là rất linh hoạt. Doanh nghiệp có thể giảm chi phí nguyên vật liệu do ít hàng hóa bị lỗi hơn và tối ưu hóa quá trình (về tốc độ hoặc năng suất) thông qua việc sử dụng các hệ thống thực - ảo hóa, cho phép quan sát các quá trình trong thời gian thực.

Thông qua việc sử dụng các công nghệ này, doanh nghiệp có thể phản ứng với các sự kiện trong thế giới thực một cách tự động và nhanh chóng. Do đó, việc cải tiến các quá trình sản xuất bao gồm tối ưu hóa tiêu thụ nguyên vật liệu sẽ thúc đẩy giá trị và có thể làm tăng năng suất lên 3-5 % .

Sử dụng tài sản

Công nghệ hỗ trợ việc sử dụng tối ưu máy móc. Thông qua việc giám sát thường xuyên, từ xa tình trạng máy móc, doanh nghiệp có thể giảm thời gian ngừng hoạt động của máy hoặc thời gian hoán đổi bằng cách phát hiện sớm các sự cố có thể xảy ra và bảo trì liên tục.

Từ đó, có thể tránh được và sửa chữa sớm các khiếm khuyết, giúp tiết kiệm chi phí và thúc đẩy thông lượng sản xuất. Việc sử dụng bảo trì dự báo cho phép giảm tổng thời gian ngừng hoạt động của máy móc từ 30-50% và tăng tuổi thọ của máy móc.

Năng suất lao động

Doanh nghiệp có thể thực hiện nâng cao năng suất lao động bằng cách sử dụng các công nghệ mới để giảm thời gian chờ đợi giữa các bước sản xuất khác nhau trong sản xuất hoặc đẩy nhanh quá trình sản xuất - dịch vụ (ví dụ thông qua in 3D), tăng tốc độ thực hiện các nhiệm vụ sản xuất phức tạp so với công nhân thực hiện thủ công.

Tăng năng suất lao động là động lực quan trọng giúp doanh nghiệp chuyển đổi số

Tăng năng suất lao động là động lực quan trọng giúp doanh nghiệp chuyển đổi số

Quản lý hàng tồn kho

Việc quản lý hàng tồn kho hợp lý là rất quan trọng, vì hàng tồn kho quá nhiều sẽ dẫn đến chi phí vốn lớn. Bằng cách áp dụng đòn bẩy CMCN 4.0, các nguyên nhân dẫn đến lượng hàng tồn kho dư thừa có thể được giải quyết bằng cách lập kế hoạch nhu cầu không đáng tin cậy và sản xuất dư thừa.

Thông qua các công nghệ như các hệ thống tự động sắp xếp lại nếu cần thiết, chi phí cho việc lưu giữ hàng tồn kho có thể giảm 20-50%.

Cải tiến chất lượng

Công nghệ tiến tiến trong CMCN 4.0 tạo điều kiện cải thiện chất lượng sản phẩm và chất lượng quá trình sản xuất bằng cách sử dụng giải quyết vấn đề thời gian thực, kiểm soát qui trình nâng cao hoặc sửa lỗi theo thời gian thực.

Sử dụng những cách tiếp cận này, người ta có thể đạt được tiết kiệm chi phí liên quan đến chất lượng dưới mức tối ưu khoảng 10-20%.

Khớp cung và cầu

Các công nghệ mới như dự báo đám đông dựa trên phân tích nâng cao có thể mang lại hiểu biết chính xác về nhu cầu của khách hàng, về số lượng và tính năng sản phẩm, từ đó giúp dự báo tốt hơn, tránh lãng phí do hàng tồn kho và chi phí lưu kho không cần thiết gây nên. Việc sử dụng các công nghệ này có thể làm tăng độ chính xác của dự báo nhu cầu lên hơn 85%.

Giảm thời gian đưa ra thị trường

Trở thành nhà cung cấp một sản phẩm mới đầu tiên trên thị trường có thể tạo ra lợi ích lớn về tăng doanh thu và ít cạnh tranh hơn. Các công nghệ mới nổi lên cùng với CMCN 4.0 cho phép quy trình sản xuất và dịch vụ nhanh hơn và rẻ hơn.

Ví dụ kỹ thuật đồng thời (concurrent engineering) hoặc tạo mẫu nhanh bằng cách sử dụng in 3D có thể giảm đáng kể thời gian đưa ra thị trường. Việc sử dụng các công nghệ này có thể giảm thời gian đưa ra thị trường khoảng 30-50%.

Dịch vụ và hậu mãi

Các dịch vụ mới mang đến nhiều tiềm năng mới trong sửa chữa sản phẩm và giữ cho chúng hoạt động lâu hơn. Sản xuất sản phẩm có thể tiết kiệm chi phí hơn, khi máy móc hoạt động bền hơn, ví dụ thông qua bảo trì từ xa hoặc tự thực hiện theo hướng dẫn ảo.

Trong trường hợp này, người ta có thể thực hiện chẩn đoán lỗi và thậm chí sửa chữa mà không cần kỹ thuật viên đến tận hiện trường. Trung bình, chi phí bảo trì có thể giảm khoảng 10-40% thông qua việc sử dụng bảo trì từ xa và bảo trì dự báo.

Theo Doanh nghiệp Việt Nam