8/10 thành phố đang ô nhiễm nhất thế giới đến từ châu Á

Danh sách các khu vực ô nhiễm nhất thế giới thường xuyên có mặt các thành phố lớn của châu Á, những nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh chóng và mật độ cư dân đông đúc.

Số liệu của AirVisual vào 18h ngày 2/10 cho thấy Hà Nội đứng đầu bảng về chất lượng không khí xấu, sau đó là Kuwait City, Dubai, Kuala Lumpur, Quảng Châu, Hong Kong, Trùng Khánh, Đài Bắc, Thành Đô và Thâm Quyến. Trừ 2 thành phố ở Trung Đông, 8/10 thành phố nằm trong danh sách của AirVisual vào chiều 2/10 đến từ châu Á. Trong ảnh, người đeo khẩu trang trên đường phố Bangkok, Thái Lan, vào ngày 1/10. Ảnh: Reuters.

Cục Kiểm soát Ô nhiễm của Thái Lan ngày 1/10 cho biết ở hầu hết khu vực của Bangkok, nồng độ bụi mịn PM2.5 (các chất dạng hạt có đường kính dưới 2,5 micromet) trong không khí đã vượt ngưỡng nguy hiểm. Nguyên nhân là độ ẩm cao và không khí lưu thông kém. Thủ tướng Prayut Chan-ocha khuyến cáo mọi người đeo khẩu trang khi ra ngoài và kêu gọi các xí nghiệp, công trình xây dựng tìm cách giảm lượng khói bụi, khí thải. Trong ảnh, một cảnh sát giao thông đeo khẩu trang khi điều phối phương tiện hôm 30/9. Ảnh: Reuters.

Danh sách các thành phố có chất lượng không khí tệ nhất vào sáng 30/9 gồm Hà Nội, Bangkok, Hong Kong, Dubai, Bắc Kinh... Bắc Kinh tỉnh dậy trong ngày 1/10 trong bầu không khí đầy sương mù. Trong ảnh, phi đội máy bay xếp hàng số 70 trình diễn trên bầu trời Bắc Kinh trong lễ kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc hôm 1/10. Ảnh: Getty.

Sở Quản lý Môi trường Hong Kong ngày 30/9 cảnh báo nguy cơ trong chất lượng không khí của thành phố đã ở mức "rất cao" (trong thang đánh giá từ thấp, bình thường, cao, rất cao, nghiêm trọng) kể từ giữa tuần trước. Đến ngày 30/9, chỉ số đo được ở 3 trong số 13 trạm đo ở Hong Kong đã đạt ngưỡng "nghiêm trọng". Màn sương mù và bụi khiến cho tầm nhìn chỉ còn khoảng 3,7 km. Chính quyền Hong Kong cảnh báo vấn đề này sẽ kéo dài đến cuối tuần, chỉ cải thiện khi có gió thổi đến từ tỉnh Quảng Đông. Ảnh: SCMP.

Trong vài tuần qua, các thành phố của Indonesia cũng mịt mù trong bụi do các đám cháy rừng trên đảo Sumatra và đảo Borneo. Trong ảnh, xe chạy trong làn khói mù vì cháy rừng ở Banjarbaru, tỉnh Nam Kalimantan, Indonesia hôm 25/9. Ảnh: Reuters.

Cháy rừng ở Indonesia xảy ra hàng năm. Các cơ sở làm giấy và dầu cọ tiến hành canh tác ở những vùng đất giàu than bùn ở vùng duyên hải đảo Sumatra và trên đảo Borneo. Theo Cơ quan Ứng phó Thảm họa Quốc gia Indonesia, tính cả các vụ cháy trên đảo Sumatra, ít nhất 320.000 ha đất ở Indonesia đã bị cháy trong năm nay. Trong ảnh, một người đàn ông đánh cá trong màn sương mù bao phủ đoạn sông Palangka Raya, tỉnh Trung Kalimantan, Indonesia hôm 17/9. Ảnh: Reuters.

Theo báo cáo năm 2019 của Greenpeace và IQAir, một công ty Thụy Sĩ chuyên thu thập dữ liệu chất lượng không khí và là nhà sản xuất thiết bị lọc khí, châu Á là nơi có 10 thành phố thủ đô với mức độ tập trung hạt bụi siêu nhỏ và độc PM2.5 (hạt bụi có đường kính nhỏ hơn 2,5 micromet) cao nhất. Trong ảnh, sương mù và bụi che mờ các tòa nhà chọc trời ở Singapore hôm 25/9. Singapore và Malaysia thường cáo buộc chính cháy rừng ở Indonesia khiến không khí 2 nước này ô nhiễm, nhưng phía Indonesia cho rằng các lập luận trên không thuyết phục. Ảnh: Reuters.

Một trong những yếu tố gây ra việc này là tự nhiên, vì nhiều thành phố lớn của châu Á nằm ở các vùng bình nguyên cạnh các dãy núi lớn, và nằm trọn vẹn trong lục địa nên khí bụi không thể tán ra, theo Nandikesh Sivalingam, Giám đốc Chương trình của Greenpeace East Asia. Trong ảnh, một gia đình dắt theo con chó một tuổi của họ đi dạo ở Seoul, Hàn Quốc hồi tháng 1, không quên mang theo khẩu trang cho chú chó. Nhiều chuyên gia Hàn Quốc cáo buộc khói bụi bay qua từ Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh cho rằng chính phủ Hàn nên chịu trách nhiệm nhiều hơn. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, nguyên nhân nhân tạo đóng vai trò lớn hơn, ông Sivalingam nói. Có rất nhiều nguyên nhân nhân tạo, có thể kể đến là đốt các nhiên liệu sinh khối để nấu ăn, sản xuất điện than, việc nhiều nơi thiếu quy định về xả khí thải công nghiệp, đốt các sản phẩm nông nghiệp... Trong ảnh, du khách đứng trước đền Taj Mahal, Ấn Độ, trong một ngày ô nhiễm không khí hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, các thành phố châu Á đang trải qua quá trình đô thị hóa nhanh chóng, dân cư tập trung đông đúc vào những không gian chật hơn, cao tốc và nhà cao tầng được xây lên, người ta mua sắm ôtô, và tất cả những điều đó đều gây ra ô nhiễm không khí. Trong ảnh, ôtô xếp hàng dài trong bụi mù tại thành phố Liêu Ninh, Trung Quốc hồi tháng 1. Ảnh: Reuters.

Theo Zing

https://news.zing.vn/810-thanh-pho-dang-o-nhiem-nhat-the-gioi-den-tu-chau-a-post996722.html