70% công việc ở Việt Nam đang có nguy cơ cao bị thay thế

VietTimes -- 70% công việc ở Việt Nam đang có nguy cơ cao bị thay thế bởi những công việc khác hiện còn chưa định hình. Số hóa các ngành nghề truyền thống đang diễn ra rõ nét ở Việt Nam, đặc biệt là mảng chế tác - ngành đang dần chuyển đổi nhờ những công nghệ mới nhằm tạo ra những cơ hội hoàn toàn mới trong Công nghiệp 4.0.
Phó chủ tịch Hội đồng Đại học RMIT (Úc) và các nhà tuyển dụng thảo luận về các xu hướng đang định hình thế giới việc làm tương lai.

Phó chủ tịch Hội đồng Đại học RMIT (Úc) và các nhà tuyển dụng thảo luận về các xu hướng đang định hình thế giới việc làm tương lai.

Đó là con số mà tổ chức Lao động quốc tế đưa ra và trở thành một trong những nội dung được chú ý bàn thảo tại Hội thảo Tương lai của công việc trong Công nghiệp 4.0, do RMIT Việt Nam tổ chức mới đây.

Nhấn mạnh tầm quan trọng thiết yếu của học tập trọn đời trong việc hỗ trợ sinh viên "lèo lái" những nghề nghiệp khác nhau mà họ đã và sẽ kinh qua với vô vàn các nhà tuyển dụng khác nhau, Phó Chủ tịch Hội đồng trường Đại học RMIT Martin Bean khích lệ các bạn sinh viên thay đổi tư duy, xem những công việc mà các bạn đã làm qua như một bộ hồ sơ năng lực làm việc, và xem kiến thức cũng như kỹ năng các bạn có được như một loại tiền tệ.

“Chúng ta đang sống trong một thế giới mới, tại đó chúng ta cần phải học tập trọn đời và phải phát triển bộ hồ sơ năng lực kiến thức để có thể thể hiện bản thân một cách trọn vẹn trong thế giới việc làm”, ông Martin Bean nói.

Dẫn số liệu báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, 70% công việc ở Việt Nam đang có nguy cơ cao bị thay thế bởi những công việc khác hiện còn chưa định hình. Các chuyên gia thống nhất rằng việc số hóa các ngành nghề truyền thống đang diễn ra rõ nét ở Việt Nam, đặc biệt là mảng chế tác - ngành đang dần chuyển đổi nhờ những công nghệ mới nhằm tạo ra những cơ hội hoàn toàn mới trong Công nghiệp 4.0.

Theo đó, sức ép từ thị trường lao động đang tạo ra những yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi người lao động phải có kiến thức nền toàn diện, bộ kỹ năng mềm và sự nhanh nhẹn để thích ứng và học hỏi kỹ năng mới trong suốt quá trình làm việc.

Báo cáo từ Deloitte và PwC dự báo đến năm 2030, 2/3 số công việc sẽ đòi hỏi kỹ năng mềm rất cao và người lao động cần nâng cao những kỹ năng mà tự động hóa không thể bắt chước được.

Giám đốc Sản phẩm và Kỹ thuật tại Navigos Group, ông Oscar Lopez cho biết công việc mới vẫn đang được tạo ra, trong khi những việc khác đang dần biến mất là điều vừa thách thức vừa đầy hứng khởi.

Nhằm chuẩn bị cho Công nghiệp 4.0, ông Lopez đề nghị các bạn sinh viên hãy “làm thân với công nghệ, thực hành tư duy phát triển, nâng cao sự nhanh nhẹn và luôn làm mới bản thân”.

Bà Huỳnh Bích Trân - Giám đốc Bộ phận Đo lường bán lẻ tại Nielsen Việt Nam - cũng là cựu sinh viên RMIT Việt Nam, chú trọng thảo luận về những kỹ năng mềm mà sinh viên cần tập trung phát triển.

“Kỹ năng cứng có thể bồi đắp tùy vào công việc cụ thể nhưng có ba kỹ năng mềm mà các bạn sinh viên cần có. Bên cạnh những kỹ năng mềm ‘truyền thống’ như giao tiếp và làm việc nhóm, sinh viên còn cần có khả năng thích nghi với thay đổi cũng như tư duy hợp tác phát triển”, bà Trân cho biết.

Cũng theo ông Martin Bean, ghi nhận ngay tại Đại học RMIT, một lượng lớn người học đang chuyển qua các kênh giáo dục phi truyền thống như Coursera, Udemy và Udacity.

“Những kênh này đang đào tạo hơn mười triệu người và hồ sơ người học không thuần túy nằm trong nhóm sinh viên từ 18 đến 24 tuổi. Họ là những người dõng dạc tuyên bố rằng tôi cần học tập suốt đời. Tôi sẵn lòng tiếp tục học, tiếp tục thu thập chứng cứ cần thiết cũng như những chứng chỉ số, để có thể nâng cao hồ sơ năng lực làm việc của bản thân, nhờ đó tôi có thể cho nhà tuyển dụng thấy rằng tôi không ở yên một chỗ”, ông Martin Bean chia sẻ.