Càng gần đến thời điểm cuối năm 2017, chúng ta càng muốn nhìn nhận lại 12 tháng vừa qua, những thành công, thất bại, và tất cả mọi khía cạnh.
Có rất nhiều khám phá mới, nhiều kỷ lục đã bị phá và nhiều triển vọng nghiên cứu trong tương lai ở Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ trong năm qua, vì thế rất khó để chọn lựa ra được những điểm nhấn quan trọng và ấn tượng nhất. Dưới đây là 7 sự kiện nổi bật nhất trong bức tranh tổng thể các hoạt động của NASA năm 2017.
Thông báo phát hiện ra hành tinh ngoài hệ mặt trời TRAPPIST-1
Tháng 02/2017, NASA đã đưa ra một thông báo có ý nghĩa rất lớn, kính viễn thiên văn vũ trụ Spitzer đã phát hiện ra 7 hành tinh có kích thước tương đương trái đất đang bay quanh quỹ đạo của một ngôi sao có kích thước và độ sáng vừa phải rất ấm cách chúng ta khoảng 40 năm ánh sáng, và ba trong số 7 hành tinh này nằm trong khu vực có thể có sự sống. “Phát hiện này cho chúng ta biết rằng việc phát hiện ra mội trái đất thứ hai không còn là vấn đề “nếu” nữa, mà nó là vấ đề “khi nào”, Thomas Zurbuchen, phó quản trị Ban Sứ mệnh khoa học thuộc NASA cho biết trong một cuộc họp báo thông báo về phát hiện này.
Kể từ khi thông báo, NASA thậm chí còn hiểu biết rõ hơn về các hành tinh và ngôi sao mới này, trong đó có xác nhận quỹ đạo của một trong những hành tinh đó, cũng như những dấu hiệu thể hiện rằng có thể có nước trên các hành tinh này.
Một kỷ lục nữa bị Nhà nữ du hành vũ trụ Peggy Whitson phá
Nhà du hành vũ trụ NASA, Peggy Whitson, đã phá vỡ nhiều kỷ lục trong suốt sự nghiệp làm việc của bà tại NASA. Bà là chỉ huy trưởng khoa học đầu tiên của Trạm Vũ Trụ quốc tế, người nữ chỉ huy trưởng đầu tiên của trạm, người phụ nữ đầu tiên chỉ huy trạm này đến hai lần, và bà là nữ du hành vũ trụ NASA đang nắm kỷ lục về thời gian bước đi trong không gian lâu nhất. Tuy nhiên, đó chưa phải là tất cả, vào giai đoạn cuối của nhiệm vụ không gian Expedition 52. Nhiệm vụ này đã được kéo dài thêm 3 tháng vào tháng 4, Whitson cũng nắm giữ kỷ lục là nhà du hành vũ trụ NASA có thời gian sống trong không gian lâu nhất.
Nhật thực toàn phần 2017
Vào một ngày tháng 8, tất cả người dân nước Mỹ đã ngừng làm việc và chạy ra ngoài để xem một hiện tượng được gọi với tên “Nhật thực toàn phần nước Mỹ”. Người dân Mỹ đã bàn tán về hiện tượng nhật thực lần này nhiều tháng trời trước khi nó xảy ra, mua kính, và thậm chí là lên kế hoạch đi nghỉ tại các địa điểm vào thời điểm nhật thực toàn phần. Đây là lần nhật thực toàn phần đầu tiên nước Mỹ được chứng kiến kể từ năm 1972 và lần nhật thực này đã thu hút được sự quan tâm của số đông dân chúng. NASA đã bố trí đưa tin từ 15 địa điểm trên cả nước và thực hiện hơn 10 thí nghiệm và nghiên cứu trong suốt thời gian diễn ra nhật thực toàn phần, nhiều nghiên cứu tập trung vào tìm hiểu rõ hơn về vầng hào quang quanh mặt trăng. Số liệu thu thập được trong suốt thời gian diễn ra hiện tượng nhật thực toàn phần này vẫn đang trong quá trình đánh giá và rất phong phú.
Phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence thông báo NASA sẽ một lần nữa đưa người lên mặt trăng
Đầu năm nay, Phó Tổng thống Mike Pence đã được bổ nhiệm chức vụ chủ tịch Hội Đồng Vũ trụ quốc gia Mỹ và vào tháng 10, ông đã thông báo một mục tiêu mới của NASA: đưa con người trở lại mặt trăng. “Tổng thống đã giao nhiệm vụ cho chúng ta phải đặt nền móng để người Mỹ duy trì sự hiện diện thương mại lâu dài trên quỹ đạo thấp của Trái đất. Từ đây, chúng ta sẽ tập trung trở lại vào những hành tinh trong hệ mặt trời. Chúng ta sẽ đưa các phi hành gia Mỹ trở lại mặt trăng không chỉ để cắm cờ và đặt dấu chân lên đó mà còn xây dựng nền tảng cần thiết để đưa người Mỹ lên sao Hỏa và các hành tinh khác”, ông Pence nói tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy, Florida.
Nhiệm vụ cuối cùng của tàu Cassini
Nhiệm vụ cuối cùng của tàu Cassini là một cái kết đầy cảm xúc đối với hầu hết những người đã theo dõi và làm việc với nhiệm vụ nghiên cứu của con tàu vũ trụ không người lái này trong nhiều năm. Con tàu Cassini được phóng lên vũ trụ năm 1997 và bắt đầu hành trình 7 năm đến Sao Thổ. Nó đã thực hiện nhiều khám phá có tính đột phá về hành tinh này và các mặt trăng của nó. Việc lên kế hoạch cho con tàu này bắt đầu vào những năm 1980 và con tàu này đã thực hiện nhiệm vụ gửi dữ liệu về cho NASA trong nhiều thập kỷ. Ngày 15/09, con tàu này đã lao xuống bầu khí quyển của sao Thổ. Cassini đã bốc cháy trong bầu khí quyển của sao Thổ để tránh nguy cơ va chạm và ảnh hưởng đến những mặt trăng quanh vì sao này sau khi nó đã hết năng lượng.
Lớp ứng cử viên phi hành gia năm 2017 đã được công bố
Hồi tháng 06, NASA đã công bố về lớp ứng cử viên phi hành gia mới nhất của họ. Có 12 thành viên trong lớp phi hành gia này, nhiều hơn so với các lớp trước đó. Các ứng cử viên được lựa chọn từ hơn 18.000 người đăng ký từ tháng 12/2015 đến tháng 02/2016 và sau đó đã trải qua nhiều tháng phỏng vấn. Tất cả các ứng cử viên đều phải đáp ứng các yêu cầu tối thiểu là có bằng cử nhân thuộc lĩnh vực STEM (Khoa học – công nghệ - Kỹ thuật – toán học), là công dân Mỹ, và họ phải qua bài kiểm tra sức khỏe cơ bản đối với phi hành gia.
Các nỗ lực theo dõi và khắc phục thảm họa thiên nhiên
Bão nhiệt đới, động đất, cháy rừng đã ảnh hưởng to lớn đến nước Mỹ và Mexico trong hai tháng cuối năm và NASA đã nỗ lực rất lớn để theo dõi các thảm họa này. NASA đã hỗ trợ cung cấp bản đồ các khu vực chịu ảnh hưởng của những cơn bão nhiệt đới và các trận động đất lớn ở Mexico. Bản đồ của Mexico cho biết những điểm khác nhau trong một khu vực những ngày trước động đất và sau động đất như thế nào, từ đó các quan chức có thông tin về những con đường nào đã bị phá hủy và khu vực nào vẫn còn chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của trận động đất. NASA cũng đã có những hỗ trợ tương tự trong các trận cháy rừng xảy ra ở California hồi tháng 10 và những trận cháy rừng hồi tháng 12.
Ngoài những sự kiện này, NASA cũng đã kéo dài được thời gian hoạt động của con tàu Voyager nhờ kích hoạt thành công bộ động cơ đẩy trên tàu này lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ, phát hiện ra một hành tinh nhỏ giữa các vì sao có hình dáng khác lạ, cam kết hợp tác với Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga để thiết lập một “Cổng vũ trụ sâu” gần mặt trăng, và phóng một con tàu tới bề mặt trên một hành tinh nhỏ bằng cách sử dụng lực hút trái đất làm năng lượng.