60 năm ngày sinh vật đầu tiên vào vũ trụ, mở đường cho các sứ mệnh có người lái

Ngày 3 tháng 11 năm 1957, Liên bang Xô Viết đã lần đầu tiên đưa một sinh vật sống vào quỹ đạo Trái Đất, với mục đích nghiên cứu những tác động của bức xạ vũ trụ đối với sinh vật sống.
Chó Laika ngồi trong khoang chứa của vệ tinh Sputnik 2. Hình ảnh: Getty Images.
Chó Laika ngồi trong khoang chứa của vệ tinh Sputnik 2. Hình ảnh: Getty Images.

Sinh vật đó là một cô chó có tên là Laika (Лайка). Laika cùng vệ tinh nhân tạo Sputnik 2 đã được phóng lên vũ trụ từ bãi phóng Baikonur. Vệ tinh trước đó là Sputnik 1 được phóng vào ngày 4 tháng 10 lúc đó vẫn còn đang bay trên quỹ đạo quanh Trái Đất.

60 năm ngày sinh vật đầu tiên vào vũ trụ, mở đường cho các sứ mệnh có người lái - 1

Laika trở thành động vật đầu tiên bay vào quỹ đạo Trái Đất vào năm 1957. Hình ảnh này chụp lúc cô chó được thắt dây an toàn để chuẩn bị cho chuyến bay. Hình ảnh: Zarya.

Cô chó tiên phong

Lúc bấy giờ, các nhà khoa học vẫn còn mơ hồ về môi trường bên ngoài Trái Đất. Họ không chắc con người khi bay vào vũ trụ sẽ như thế nào, có bị nguy hiểm đến sức khỏe hay không. Vậy nên các nhà khoa học đã đưa một cô chó lên vũ trụ trước để thử nghiệm.

Cùng với Laika, còn hai con chó khác cũng được chọn để huấn luyện và cuối cùng Laika được chọn. Chuyến bay này nhằm kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Mười Nga và mở ra nhiều chuyến bay khác đưa động vật lên không gian, và sau cùng là con người.

Vệ tinh Sputnik 2 nặng 508 kg và được gắn những thiết bị theo dõi về tia Mặt Trời, tia vũ trụ, nhiệt độ và áp suất, hai máy phát tín hiệu, một khoang kín được bơm oxy và thực phẩm là nơi chó Laika nằm.

Vệ tinh sẽ đạt độ cao lớn nhất là 1.500 km tính từ bề mặt Trái Đất, cao hơn vệ tinh Sputnik 1, và bay ở quỹ đạo này với tốc độ 8 km mỗi giây. Nó sẽ mất 1 giờ 42 phút để quay xong một vòng quanh Trái Đất. Tín hiệu phát đi từ vệ tinh sẽ được nhận ở các trạm trên toàn cầu.

Chuyến bay cảm tử

Những thông tin đồn đoán bên ngoài rằng các nhà khoa học sẽ cho cô cho chết trên chuyến bay, khiến người dân phẫn nộ. Nội bộ các nhà khoa học đều biết rõ như vậy nhưng không được tiết lộ ra ngoài.

Bởi vì vệ tinh Sputnik 2 không được trang bị cơ chế tự quay về Trái Đất sau khi lên đến quỹ đạo, nên Laika đã được định trước là sẽ chết trên chuyến bay này. Các nhà khoa học chuẩn bị oxy và lương thực đủ trong 10 ngày, nhưng chuyến bay lại kéo dài đến tháng 4 năm sau.

Theo tín hiệu nhận được từ các thiết bị cảm biến gắn trên cơ thể Laika, nhịp tim của nó tăng cao gấp 3 lần so với bình thường khi tàu bắt đầu phóng lên. Khi tàu vào môi trường không trọng lực, thì nhịp tim bắt đầu sụt giảm mạnh, nhưng Laika vẫn sống.

60 năm ngày sinh vật đầu tiên vào vũ trụ, mở đường cho các sứ mệnh có người lái - 3

Tem bưu chính România năm 1959 vẽ hình ảnh cô chó Laika và vệ tinh Sputnik 2.

Sáu ngày sau khi chuyến bay được phóng lên, trạm mặt đất mất tín hiệu hoàn toàn với vệ tinh. Theo dữ liệu ghi nhận, Laika đã qua đời chỉ từ 5 đến 7 tiếng sau khi phóng lên, ở vòng bay quanh quỹ đạo thứ tư.

Nguyên nhân là bởi hệ thống điều hòa bị trục trặc, khiến nhiệt độ bên trong quá nóng, cũng như sự hoảng loạn tột độ là nguyên nhân dẫn đến cái chết của Laika.

Sau 163 ngày bay liên tục 2.570 vòng quanh quỹ đạo Trái Đất, vệ tinh Sputnik 2 đã trở về Trái Đất vào ngày 14 tháng 4. Vì không được hỗ trợ đổ bộ, nên con tàu rơi tự do, mang theo xác của Laika và bốc cháy sáng rực trên bầu trời.

Sự phản đối từ những người yêu chó

Sự kiện này mở ra một hướng đi mới cho kỷ nguyên vũ trụ, khi lần đầu tiên đưa một sinh vật sống vào quỹ đạo Trái Đất. Nhưng nó vấp phải nhiều ý kiến phản đối, mà phần lớn đến từ những người yêu động vật, họ không đồng tình với việc đưa một con chó lên vũ trụ.

Mãi cho đến năm 2002, tức là 45 năm sau khi chuyến bay được thực hiện. Sự thật về chuyến bay cảm tử này mới được hé lộ tại Hội nghị Không gian Thế giới thường niên tổ chức ở Texas. Mọi người lúc bấy giờ đều rất kinh ngạc trước việc Laika được huấn luyện để chết trên tàu.

Phát biểu tại hội nghị, Tiến sĩ Malashenkov cho biết, Laika là một chú chó hoang được bắt trên đường phố Moskva để tiến hành huấn luyện cho chuyến bay. Thức ăn được để ở dạng thạch và Laika bị cột xích để không thể xoay người. Quạt điều hòa giữ nhiệt độ không quá 15 độ nhưng lại không hoạt động, khiến nhiệt độ tăng lên quá cao.

Liên đoàn Chó Quốc gia của Liên Xô thậm chí còn kêu gọi những người yêu chó hãy dành một phút mặc niệm cho cô chó xấu số bị chọn làm vật thí nghiệm. Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hoàng gia Anh Quốc (RSPCA) cũng lên tiếng và phản đối trước Đại sứ quán Liên Xô ở Luân Đôn.

Mở đường cho những chuyến bay tiếp theo

Mặc dù chuyến bay thất bại trên nhiều phương diện, nhưng nó đã mở đường cho nhiều sứ mệnh không gian tiếp sau đó của Liên Xô và Hoa Kỳ. Thúc đẩy việc đưa nhiều động vật hơn lên quỹ đạo một cách an toàn để tiến hành thử nghiệm và sau đó là tiến đến đưa tàu có người lái vào vũ trụ.

60 năm ngày sinh vật đầu tiên vào vũ trụ, mở đường cho các sứ mệnh có người lái - 4

Khỉ Gordo cùng nhà nghiên cứu. Hình ảnh: U.S. Army.

Ngày 13 tháng 12 năm 1958, chú khỉ Gordo được đưa lên vũ trụ tại bãi phóng Mũi Canaveral trên tên lửa PGM-19 Jupiter thuộc sứ mệnh AM-13 của NASA. Tên lửa đã đạt độ cao hơn 900 km rồi trở về Trái Đất và hạ cánh ở nam Đại Tây Dương. Nhưng một sự cố kỹ thuật đã khiến chiếc dù không được mở ra và chú khỉ bỏ mạng trên tàu.

Ngày 18 tháng 10 năm 1963, các nhà khoa học Pháp đã đưa chú mèo đầu tiên vào không gian và chỉ có nước Pháp mới gửi mèo lên vũ trụ. Chú mèo Felix đã lên vũ trụ và sống sót trở về Trái Đất.

Năm 2007, gấu nước (Tardigrada) là sinh vật đầu tiên tiếp xúc trực tiếp với không gian. Loài này nổi tiếng với khả năng sống sót tốt trong mọi điều kiện, chúng được tìm thấy ở rất nhiều môi trường sống khắc nghiệt đến không tưởng. Cơ quan Hàng không vũ trụ Châu Âu ESA trong sứ mệnh FOTON-M3 đã thí nghiệm và cho thấy sinh vật này sống được 10 ngày trong vũ trụ với cơ chế tự bảo vệ từ cơ thể của nó.

Tổng cộng có bảy quốc gia đã đưa động vật vào vũ trụ, là Liên Xô/Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Argentina, Trung Quốc, Nhật Bản và Iran. Ngoài khỉ, chó và mèo ra thì còn có rùa và côn trùng, vi khuẩn được đưa lên không gian để thí nghiệm.

Theo Khám phá
http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/60-nam-ngay-sinh-vat-dau-tien-vao-vu-tru-mo-duong-cho-cac-su-menh-co-nguoi-lai-c7a585554.html