60 mặt hàng sẽ được ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ

Trong Nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ vừa được Thủ tướng Chính phủ ký, có hiệu lực từ 1.1.2016, gần 60 mặt hàng thuộc 6 lĩnh vực sẽ được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ bằng nguồn ngân sách nhà nước và nhiều nguồn khác.
60 mặt hàng sẽ được ngân sách nhà nước ưu tiên hỗ trợ

Theo đó, 6 lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ gồm: dệt may, da giày, điện tử, cơ khí chế tạo, lắp ráp ô tô, công nghiệp công nghệ cao sẽ được Chính phủ ưu tiên hỗ trợ các chính sách phát triển cụ thể.

Theo đó, ngành dệt may có  loại mặt hàng khi đầu tư sẽ được hỗ trợ như xơ, sợi, vải, chỉ may, cúc, khóa kéo, lưng thun.

Ngành da giày có 7 mặt hàng gồm vải giả da, da thuộc, đế giày, mũ giày, chỉ may giày, keo dán giày, khoen, móc...

Ngành điện tử có 9 mặt hàng, gồm pin máy tính, pin điện thoại, dây cáp điện, đèn led, tai nghe, màn hình, loa...

Ngành sản xuất ô tô có 19 mặt hàng và nhóm hàng ưu tiên như các loại cần gạt nước, ghế xe, kính chắn gió, phanh, lái, ắc quy...

Các dự án được hỗ trợ bao gồm dự án đầu tư mới, dự án mở rộng và đổi mới công nghệ có ứng dụng thiết bị mới, quy trình sản xuất mới, sản xuất sản phẩm với năng lực sản xuất tăng ít nhất 20%.

Ngoài ra, Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa đến 50% kinh phí đối với dự án sản xuất thử nghiệm các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ… Thậm chí, doanh nghiệp có thể được Nhà nước hỗ trợ tối đa 75% chi phí chuyển giao công nghệ ở các dự án sản xuất vật liệu sử dụng trên 85% nguyên liệu là sản phẩm chế biến sâu khoáng sản trong nước.

Doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi về đất đai, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại, hỗ trợ chi phí đăng ký thương hiệu, tham gia hội chợ, các ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu, tín dụng, thuế giá trị gia tăng.

Để xác nhận ưu đãi, các doanh nghiệp có thể nộp hồ sơ tại các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương nơi đặt dự án hoặc gửi Bộ Công Thương. Kết quả xét duyệt sẽ có trong vòng 30 ngày làm việc.

Theo Một thế giới