Sáng 29/6, Tổng Cục thống kê đã tổ chức họp báo Công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2017. Theo cơ quan này, CPI tháng 6/2017 tiếp tục giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm trước, tăng 0,2% so với tháng 12 năm trước. Trong 11 nhóm hàng hóa dịch vụ tính CPI thì có 3 nhóm giảm và 8 nhóm tăng.
Cụ thể, nhóm giao thông giảm 0,71% chủ yếu do điều chỉnh giảm giá xăng, dầu tại thời điểm 20/6/2017 làm giá nhiên liệu giảm 1,47%, tác động làm CPI giảm 0,06%; hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,59%, trong đó lương thực giảm 0,51% do lượng cung dồi dào; thực phẩm giảm 0,85% chủ yếu do giá thịt tươi sống giảm, tác động làm CPI giảm 0,19%; bưu chính viễn thông giảm 0,01%.
Ở chiều ngược lại, các nhóm hàng hóa và dịch vụ có biến động tăng, bao gồm: Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,53%; văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,19%; giáo dục tăng 0,09%; thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,08%; may mặc, giầy dép, mũ nón và hàng hóa và dịch vụ khác cùng tăng 0,05%; thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,01%.
Tính chung, chỉ số giá tiêu dùng bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với bình quân cùng kỳ năm 2016. Tổng cục thống kê cho biết, CPI 6 tháng đầu năm tăng do một số nguyên nhân như: Giá dịch vụ y tế tại 27 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương điều chỉnh tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính và Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15/3/2017 của Bộ Y tế. Cùng với đó, một số địa phương thực hiện lộ trình tăng học phí theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ. Đồng thời, giá các mặt hàng thiết yếu trên thế giới như giá nhiên liệu, chất đốt, sắt thép tăng trở lại trong 6 tháng đầu năm làm chỉ số giá xuất, nhập khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước.
Trong khi đó, một số nguyên nhân kiềm chế tốc độ tăng CPI 6 tháng đầu năm bao gồm: Giá thịt lợn giảm mạnh do nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu thu mua thịt lợn xuất khẩu sang Trung Quốc giảm; Chỉ số giá nhóm thực phẩm giảm 1,74% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp mức giảm CPI chung 0,39%...