Các chính sách an ninh mạng hiện nay đang thực hiện tốt công tác bảo mật cơ sở hạ tầng và thiết bị kỹ thuật số, đồng thời bảo vệ người dùng khỏi các rủi ro trên không gian mạng. Tuy nhiên, hiện nay các hình thức tấn công, rủi ro trên mạng diễn ra ngày càng nhiều và phức tạp, các vấn đề dần vượt xa khuôn khổ an ninh mạng truyền thống. Trong báo cáo “Từ an ninh mạng tới an toàn số”, Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) đã đề xuất chuyển dịch sang an toàn số, từ đó nêu ra 5 nguyên tắc xây dựng chính sách về an toàn số quốc gia.
1. Cần chiến lược toàn diện từ an ninh mạng đến an toàn số
Chiến lược an toàn số quốc gia cần vượt khỏi hướng tiếp cận kỹ thuật truyền thống tập trung vào các rủi ro an ninh mạng, nhằm tiếp cận quản lý dưới góc độ toàn diện của an toàn số.
Chiến lược an toàn số toàn diện này sẽ hướng đến nâng cao các biện pháp bảo vệ người dùng trên không gian số. An toàn số cần được coi là một phần không thể thiếu trong chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Đây sẽ là một bước quan trọng trong việc đảm bảo một môi trường số lành mạnh và bền vững cho mọi người dân. Đồng thời, đây là tiền đề quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành một trong môi trường số an toàn nhất tại khu vực và thế giới.
2. Lấy con người và quyền con người làm trung tâm
Cốt lõi của xã hội số là công dân số, vì vậy mục tiêu của khung chính sách an toàn số cần hướng đến xây dựng xã hội số phát triển bền vững và lành mạnh, lấy con người và quyền con người làm trung tâm. Điều này sẽ đảm bảo sự phát triển của xã hội số, với tư cách là trụ cột quan trọng song song với kinh tế số và chính phủ số được nêu rõ trong Quyết định 749.
Bên cạnh thảo luận, hợp tác với lĩnh vực công nghệ, điều quan trọng là tập trung nguồn lực, biện pháp đưa người dùng Việt Nam trở thành “người dùng thông minh”. Truyền thông về an toàn số và giáo dục kỹ năng, kiến thức số cần được ưu tiên trong các chính sách. Bên cạnh đó, chiến lược mới cần xác định rằng, rủi ro trên môi trường số có thể mang lại mối đe dọa trong thế giới thực. Các quy định áp dụng trong thế giới thực cũng nên được áp dụng tương tự trong môi trường số, bảo vệ quyền lợi cho công dân.
3. Đoàn kết trong hành động
Xây dựng và triển khai chiến lược an toàn số cần có sự tham gia của tất cả các thành phần xã hội, gồm doanh nghiệp, hiệp hội, tổ chức cộng đồng cùng cộng đồng người dùng nói chung. Chính phủ nên đặt ra các điều kiện và khuôn khổ thích hợp cho cách tiếp cận thống nhất, chiến lược đối với an toàn số, với sự vào cuộc, chung tay của các bộ, ban, ngành.
Theo đó, Viện IPS đề xuất nên tham khảo ý kiến của nhiều bên liên quan bao gồm các chuyên gia, nhà nghiên cứu, doanh nghiệp về công nghệ, tổ chức xã hội…để có sáng kiến, giải pháp triển khai thực hiện. Đặc biệt, các quy định đạo đức về AI, IoT và Blockchain cần phải có cách tiếp cận đa ngành. Để phát triển một môi trường số an toàn hơn tại Việt Nam, các cơ quan, bộ, ngành nên đánh giá các khía cạnh khác nhau, hướng tới cách tiếp cận toàn diện về an toàn số.
Tăng cường hợp tác quốc tế về an toàn số để bảo vệ người dùng trên các nền tảng xuyên quốc gia. Ảnh minh họa. |
4. Cân bằng giữa an toàn số và phát triển công nghệ, kinh tế
Nhà nước coi các doanh nghiệp số là đối tác chiến lược, thông qua nghiên cứu và ban hành các bộ tiêu chuẩn hướng dẫn phát triển các sản phẩm, dịch vụ số an toàn, thân thiện với người dùng.
Để phù hợp với tầm nhìn đưa Việt Nam phát triển nền kinh tế số năng động trong khu vực và trên thế giới, một nguyên tắc quan trọng khác là quy định về an toàn số phải có sự đổi mới, hoàn thiện. Yếu tố này giúp ngành công nghiệp tạo niềm tin với người dùng trong quá trình chuyển đổi số, từ đó đảm bảo sự bền vững của nền kinh tế số. Nói cách khác, chiến lược này góp phần thực hiện mục tiêu kép, vừa đưa Việt Nam trở thành một trong những môi trường số an toàn, vừa thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế số. Đây được coi là một cách tiếp cận bền vững, đảm bảo quá trình chuyển đổi số toàn diện, “không ai bị bỏ lại phía sau”.
5. Tăng cường hợp tác khu vực và quốc tế
Giải quyết các vấn đề an toàn số là một thách thức toàn cầu, vì vậy hợp tác quốc tế đóng vai trò quan trọng. Sự hợp tác góp phần quản lý và giám sát các rủi ro do các các nền tảng công nghệ xuyên biên giới như Google, Facebook, TikTok.
Bên cạnh những thách thức lớn đang được đặt ra, an toàn số cũng mở ra những cơ hội cho Việt Nam. IPS nêu khuyến nghị, Việt Nam nên hợp tác chặt chẽ hơn với nhiều đối tác quốc tế, nhằm giải quyết thách thức chung. Cùng với đó, đây là cơ hội để các quốc gia tiến tới xây dựng tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn số, đề ra cách tiếp cận và khắc phục rủi ro trên môi trường số. Sự tiến bộ của an toàn số sẽ đánh dấu một bước quan trọng trong cam kết của Việt Nam trong việc phát triển một khuôn khổ đổi mới, thống nhất.
Chiến dịch truyền thông “Digital Safety for Everyone” (An toàn số cho mọi người) Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về vấn đề an toàn số mới nổi ở Việt Nam và cung cấp kiến thức, kỹ năng cơ bản để người dùng tự bảo vệ, thay đổi hành vi. Hoạt động này nằm trong chương trình nghiên cứu về An toàn số của Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) với sự hỗ trợ tài chính từ tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Chương trình Quỹ tài trợ Nhỏ dành cho cựu sinh Hoa Kỳ (Alumni Small Grants) và Quỹ SecDev (SecDev Foundation).