5 lần 7 lượt đóng cửa, thành phố nhỏ của Trung Quốc kiệt quệ và phải kêu cứu!

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Kể từ tháng 9/2020, thành phố nhỏ Thuỵ Lệ diện tích chưa đầy 1000 km2 đã có 5 đợt bùng phát dịch và đã phải đóng cửa tới 4 lần. Thụy Lệ từng nhộn nhịp ngày nào giờ hoàn toàn đóng băng.
Thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc "kiệt sức" vì đại dịch.
Thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc "kiệt sức" vì đại dịch.

Thời gian gần đây, dịch bệnh ở nhiều nơi tại Trung Quốc ngày càng lan rộng.

Tại thành phố Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, do hai đợt dịch bệnh vào tháng 3 và tháng 7 năm nay nên nguy cơ dịch bệnh vẫn cao, thành phố nhỏ này đã bị phong tỏa nghiêm ngặt trong 140 ngày trong năm nay. Thụy Lệ cũng trở thành thành phố thực hiện công tác phong toả phòng chống dịch bệnh nghiêm ngặt lâu nhất Trung Quốc trong năm nay mà vẫn chưa được dỡ bỏ.

Cuộc sống của người dân Thụy Lệ cũng bị ảnh hưởng nặng nề, gặp nhiều khó khăn. Cư dân địa phương đã trải qua hàng trăm cuộc xét nghiệm axit nucleic, việc kinh doanh của giới kinh doanh, buôn bán đã bị đình trệ trong 7 tháng và họ chỉ có thể dựa vào tiền tiết kiệm của mình để sống qua ngày.

Ông Đới Vinh Lý, cựu phó thị trưởng Thụy Lệ, đã đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp trên tài khoản WeChat vào ngày 28/10, "Xin hãy cứu thành phố của anh hùng này!" Theo cư dân mạng địa phương, Thụy Lệ "gần như là địa ngục của người lớn!"

Các biện pháp phòng chống dịch của Thụy Lệ vẫn liên tục kéo dài

Thụy Lệ đã rơi vào cảnh đình trệ trong 7 tháng

Thụy Lệ đã rơi vào cảnh đình trệ trong 7 tháng

Thành phố biên giới nhỏ bé có đường biên giới dài gần 170 km này nằm ở phía Tây Nam của tỉnh Vân Nam và giáp với Myanmar, là đầu mối thương mại nội địa lớn nhất của Trung Quốc với Myanmar.

Vào ngày 30/3 năm nay, thành phố Thụy Lệ đã phát hiện 9 người dương tính với Covid-19 trong quá trình kiểm tra định kỳ. Dịch kéo dài đến ngày 20/4, tổng số 93 trường hợp với 25 trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng đã được phát hiện. Trong đó, 50 người mang quốc tịch Myanmar và 1 người mang quốc tịch Thái Lan.

Từ ngày 30/3 đến ngày 26/4, thành phố Thụy Lệ áp dụng biện pháp kiểm soát giao thông đối với các phương tiện và người rời khỏi thành phố. Đồng thời, thành phố cũng tiến hành xét nghiệm axit nucleic toàn thành phố. Tất cả người dân được yêu cầu ở nhà và hạn chế tối đa ra ngoài.

Vì dịch bệnh, nhiều quan chức cấp cao của Thụy Lệ đã bị cách chức.

Vào ngày 4/7, 3 trường hợp dương tính với Covid-19 được xác định trong cộng đồng. Từ 0h ngày 7/7, Thụy Lệ thông báo triển khai chiến dịch phản ứng khẩn cấp mức 3 và phong tỏa thành phố.

Đến nay, đã hơn 3 tháng trôi qua kể từ đợt dịch này, nhưng Thụy Lệ vẫn nằm trong ngưỡng phòng chống dịch và các biện pháp phòng chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt. Theo ông Dương Mưu, Phó thị trưởng Thụy Lệ, nguy cơ dịch bệnh du nhập từ nước ngoài vào vẫn ở mức cao kể từ khi đợt bùng phát ngày 4/7 ở Thụy Lệ, virus biến thể diễn ra phức tạp và tình hình phòng chống dịch bệnh ở Thụy Lệ vẫn chưa thể lơ là cảnh giác.

Kể từ năm nay, Thụy Lệ là thành phố có thời gian thực hiện các biện pháp phòng chống dịch nghiêm ngặt dài nhất ở Trung Quốc, với thời gian tích lũy tính đến ngày 28/10 là 140 ngày.

Cuộc sống đình trệ, con người kiệt quệ

Một địa điểm xét nghiệm axit nucleic tại Thụy Lệ.
Một địa điểm xét nghiệm axit nucleic tại Thụy Lệ.

Kể từ tháng 9 năm ngoái, đã có 5 đợt bùng phát ở thành phố nhỏ với diện tích chưa đầy 1.000 km vuông này, và tính đến nay thành phố đã phải đóng cửa 4 lần. Ngành công nghiệp ngọc bích và thương mại biên giới mà thành phố tự hào cũng đã bị đóng băng.

Cư dân địa phương đã ghi nhận gần trăm cuộc xét nghiệm axit nucleic.

"Xét nghiệm axit nucleic là một phần trong cuộc sống của tôi." Hứa Dương, một công chức địa phương, vẫn làm việc bình thường, nhưng cuộc sống của anh chỉ cố định ở hai điểm: nhà và địa điểm xét nghiệm axit nucleic với tần suất cách ngày một lần.

Sau gần 7 tháng phong tỏa nghiêm ngặt, đầu tháng 9, người dân lấy lại quyền đi lại trong thành phố.

"Người ta nói là không bị phong tỏa, nhưng trên thực tế, các nhà máy và cửa hàng dịch vụ vẫn đóng cửa, và các nhà hàng chỉ được phép bán mang về." Cuộc sống năm 24 tuổi của Hứa Dương trôi qua trong tẻ nhạt – 1 năm rồi anh chưa đến rạp xem phim, anh yêu thể thao mà không thể đến sân bóng rổ ngoài trời để chơi bóng; cả gia đình giảm số lần đi chơi, và chỉ mua đồ ăn gần như một lần một tuần.

Vành đai khai thác phía bắc Myanmar liền kề là nguồn cung cấp ngọc thô dồi dào, nhờ lợi thế địa lý độc đáo, thị trấn thương mại biên giới này từ lâu đã thu hút người dân khắp cả nước với ước mơ làm giàu. Trước đại dịch, Thụy Lệ là trung tâm giao thương sôi nổi giữa hai nước về các mặt hàng như thiếc và ngọc bích.

Nhưng kể từ ngày bùng phát dịch bệnh, sự nhộn nhịp đã biến mất. Anh Vương làm nghề ngọc bích đã mở xưởng ở Thụy Lệ hơn mười năm. Lệnh phong tỏa thành phố năm nay đã trực tiếp xóa sạch toàn bộ số tiền tích lũy được trong hơn mười năm của anh, thậm chí anh còn nợ 150.000 NDT (gần 24.000 USD).

Sau khi ngành công nghiệp ngọc bích bị "đóng băng", nhiều thợ kim hoàn, thương nhân kéo gia đình của họ rời đi, và thành phố trở nên im lìm.

Nhiều người lựa chọn bỏ đi một cách bất lực.

Người phụ trách một cửa hàng chuyển phát nhanh ở Thụy Lệ cho biết, trong hai tháng, đơn hàng hỏa tốc mà anh nhận được nhiều nhất là gửi hành lý đến Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang, Giang Tây, Hà Nam và các khu vực khác.

Vương Lệ, một người kinh doanh đá quý trong nhiều năm, đã nộp đơn xin rời bỏ Thụy Lệ để về với gia đình ở Chiết Giang, thậm chí cô còn hối hận vì đã không nghe theo lời nói của chồng để rời khỏi đây sớm.

"Trước đây, tôi luôn cảm thấy chuyện đó sẽ qua đi rất nhanh, nhưng bây giờ tôi vẫn chưa thấy hy vọng trở lại cuộc sống bình thường tại nơi này."

Trong hai ngày qua, Hứa Dương cũng đã nộp đơn xin rời Thụy Lệ. "Tôi đã từ chức, và chỉ làm việc cho đến cuối tháng này."

Theo tuyên bố chính thức của thành phố, Thụy Lệ với dân số 500.000 người nay chỉ còn 200.000 người. Những người ở lại Thụy Lệ, từ những công dân bình thường cho đến những người lao động tuyến đầu, đều kiệt quệ cả về thể chất lẫn tinh thần.

Một thành phố mà 300.000 người đã bỏ đi, một thành phố mà những người dân thường lén lút ra ngoài bán rau để kiếm sống vào ban đêm, và một thành phố mà tất cả học sinh không thể đi học trở lại trong vài tháng.

Điều khó khăn hơn nữa là người dân ở thành phố nhỏ nơi biên giới này vừa phải chiến đấu với virus vừa đề phòng đạn lạc từ Myanmar, nơi tình hình chính trị bất ổn, bay qua.

Cựu phó thị trưởng thành phố Thụy Lệ "kêu cứu" trên phương tiện truyền thông

Vào ngày 28/10, cựu phó thị trưởng Thụy Lệ năm 2018, nhà văn Đới Vinh Lý, đã đăng một bài viết trên tài khoản chính thức của mình, ông nói: "Dịch bệnh đang cướp bóc thành phố một cách tàn nhẫn, hết lần này đến lần khác, vắt kiệt sức sống cuối cùng của thành phố và nuốt chửng hy vọng mà vô số người vừa thắp lên. Người dân chìm vào đau khổ vô tận trong sự chờ đợi. Con virus tàn nhẫn tấn công liên tục, năm lần dịch bệnh, bốn lần đóng cửa đã gây ra vô số khó khăn cho người dân."

"Mỗi đợt phong tỏa là một tổn thất nghiêm trọng về tinh thần và vật chất. Mỗi cuộc chiến chống lại Covid-19 lại chồng chất thêm nỗi bất hạnh. Các quan chức phải chịu đựng gian khổ khi canh gác biên giới. Người dân cạn kiệt tài chính và chấp nhận thực tế một cách thụ động mỗi khi một đợt dịch bùng phát."

Ông Đới Vinh Lí kêu gọi: "Xin hãy cứu thành phố anh hùng này!"

Tuy nhiên, các quan chức Thụy Lệ phủ nhận việc thành phố đóng cửa trong thời gian dài và gọi đây chỉ là "giai đoạn quản lý nghiêm ngặt."

Về một số tuyên bố trong bài báo của ông Đới, Mao Hiểu, Bí thư Thành ủy Thụy Lệ, nói với The Paper vào ngày 28/10 rằng người dân và thành phố đã được trợ giúp rất nhiều. Dữ liệu ông Đới đưa ra đã lỗi thời và thành phố không cần trợ giúp của bên ngoài vào lúc này.

Vào tối ngày 28/10, ông Đới nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ Tin tức Bắc Kinh, "Tôi chắc chắn rằng tôi không nói những điều vô nghĩa mà chỉ phản ánh trung thực tình hình."

Vào sáng sớm ngày 29/10, thành phố Thụy Lệ đã tổ chức một cuộc họp báo, Thị trưởng và ba phó thị trưởng lần lượt giới thiệu về cách ứng phó và xử lý gần đây đối với dịch bệnh ở thành phố. Họ đều cho rằng cả thành phố phải nỗ lực giải quyết những vấn đề khó khăn mà nhân dân đang quan tâm.

Phó Thị trưởng Dương Mưu cho biết, nếu dịch không được xóa sổ hoàn toàn thì sẽ có nguy cơ lây lan toàn thành phố. Vì lý do này, Thụy Lệ cần tiếp tục thực hiện nghiêm chính sách rời Thụy Lệ để đảm bảo dịch không lây lan ra bên ngoài và không ảnh hưởng đến tình hình chung của công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh và cả nước.

Một chuyên gia phòng chống dịch nói rằng do dịch bệnh diễn biến phức tạp, trong trường hợp dịch bệnh mở rộng, thành phố vẫn có thể phải tăng cường các biện pháp phòng chống tương ứng trong vùng kiểm soát và vùng dự phòng.

Trước tình hình dịch bệnh toàn cầu như hiện nay, áp lực nhập cảnh từ nước ngoài vẫn rất lớn, cộng với vị trí địa lý đặc biệt, nguy cơ dịch bệnh từ nước ngoài vào là vô cùng lớn. Vì vậy, đối với Thụy Lệ, công tác phòng ngừa và kiểm soát nghiêm ngặt vẫn được ưu tiên hàng đầu.

Trong một cuộc phỏng vấn với Red Star News, ông Đới cũng đưa ra một số đề xuất về việc phòng chống dịch bệnh cho Thụy Lệ. Ông hy vọng rằng trong những điều kiện có thể kiểm soát được, địa phương sẽ tiếp tục sản xuất trên diện tích vừa phải, đồng thời thực hiện một số hoạt động kinh doanh để đưa người dân và thành phố trở lại cuộc sống. Ông cho rằng nếu tiếp tục đóng cửa trong thời gian dài, một số hoạt động không thể duy trì bình thường, trẻ em trong độ tuổi đi học không được đến trường thì đây không phải là cách hay.

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu Thụy Lệ có thể nhìn xa hơn một chút và cân nhắc việc bảo vệ sinh kế của người dân sớm hơn, thay vì đợi dư luận dậy sóng rồi mới hành động, có lẽ mâu thuẫn có thể sẽ dịu đi nhiều.

Thanh Hà (Tổng hợp từ NetEase)