5 biện pháp hữu hiệu tránh sốc nhiệt khi trời nắng gay gắt

VietTimes -- Chỉ trong 2 tuần đầu tháng 6, Khoa Hồi sức tích cực  (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108) đã tiếp nhận 3 bệnh nhân bị sốc nhiệt với các triệu chứng: hôn mê sâu, sốt cao trên 40 độ C, trụy tim mạch, tổn thương chức năng gan, thận và rối loạn đông máu nặng. 2 trong số 3 bệnh nhân đã không qua khỏi. 

Khi trời nắng gay gắt, người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe để tránh rơi vào tình trạng sốc nhiệt.
Khi trời nắng gay gắt, người dân cần chủ động bảo vệ sức khỏe để tránh rơi vào tình trạng sốc nhiệt.

Các bệnh nhân rơi vào tình trạng nguy hiểm như trên do lao động nhiều giờ trong tiết trời nắng nóng nhưng không nghỉ ngơi và bổ sung nước đầy đủ.

Họ cũng không được sơ cứu nên nhập viện trong tình trạng sốc nhiệt nặng, tổn thương nhiều cơ quan, đến nay vẫn đang hôn mê, nguy hiểm tính mạng, để lại di chứng nặng ở thần kinh.

Hôm nay (27/6), dự báo các tỉnh phía Đông Bắc Bộ và Hòa Bình, các tỉnh Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao phổ biến từ 35 – 38 độ C, có nơi trên 39 – 40 độ C. Các chuyên gia y tế cảnh báo, thời tiết nắng nóng gay gắt có thể gây hại cho sức khỏe người dân, nguy cơ sốc nhiệt cao.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Nga - Khoa Hồi sức tích cực (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), sốc nhiệt có thể gây tử vong, hoặc để lại di chứng nặng nề nếu không được cấp cứu kịp thời.

Để tránh bị sốc nhiệt, người dân cần bổ sung đủ nước và điện giải cho cơ thể khi làm việc trong thời tiết nắng nóng.
Để tránh bị sốc nhiệt, người dân cần bổ sung đủ nước và điện giải cho cơ thể khi làm việc trong thời tiết nắng nóng.

Vì vậy, bác sĩ Nga cảnh báo mỗi người dân cần có các biện pháp phù hợp để bảo vệ sức khỏe trong khi lao động dưới nhiệt độ cao, giảm nguy cơ say nắng, sốc nhiệt.

5 biện pháp được bác sĩ Nga khuyến cáo người dân áp dụng gồm:

1, Mặc áo chống nắng, kính bảo hộ khi ra ngoài trời nắng.

2, Bố trí thời gian làm việc ngoài trời và nghỉ ngơi hợp lý, tránh tiếp xúc môi trường nhiệt độ cao quá lâu.

3, Uống đủ nước, tránh mất nước và muối khi làm việc ngoài trời nóng.

4, Tăng cường rèn luyện sức khỏe, tăng khả năng thích nghi với thời tiết khắc nghiệt.

5, Tích cực tham gia các khóa huấn luyện, hướng dẫn cách sơ cứu khi gặp các vấn đề liên quan đến nắng nóng.

Bên cạnh đó, nếu có biểu hiện ra mồ hôi nhiều, đau cơ, yếu cơ, chuột rút, chóng mặt, đau đầu, mệt mỏi, buồn nôn, nôn hoặc ngất sau đó sốt cao hơn  39 độ C, da khô, nóng, rối loạn ý thức như mê sảng, co giật, hôn mê thì bệnh nhân đã bị sốc nhiệt, cần được sơ cứu tại chỗ sau đó chuyển tới cơ sở y tế gần nhất để được điều trị. 

Sơ cứu người bị sốc nhiệt, say nắng như thế nào?

Bác sĩ Nga cũng cho hay, bước sơ cứu người bị say nắng, sốc nhiệt rất quan trọng vì thân nhiệt cao kéo dài sẽ dẫn đến nguy cơ tổn thương thần kinh và các cơ quan khác không hồi phục.  
Khi gặp người bị sốc nhiệt, hãy thực hiện các bước sơ cứu sau:

Bước 1: Sơ cứu tại chỗ

Nhanh chóng di chuyển nạn nhân ra khỏi khu vực nắng nóng vào nơi mát mẻ. Sau đó đặt nạn nhân trong tư thế nằm, cởi bớt quần áo rồi sử dụng nước lạnh hoặc khăn ướt phủ lên toàn bộ cơ thể đồng thời dùng quạt thổi vào để tăng cường hạ nhiệt. Nếu bệnh nhân còn tỉnh, không nôn nhiều, hãy cho uống nước ngay và gọi xe cứu thương đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất.

Bước 2: Sơ cứu trên đường tới bệnh viện 
Trên xe, hãy mở điều hòa hoặc cửa sổ xe cứu thương, tiếp tục đắp khăn ướt và nước lạnh lên cơ thể để hạ nhiệt. Theo dõi sát nhiệt độ cơ thể, truyền dịch tĩnh mạch cho bệnh nhân trong trường hợp có nhân viên y tế.