47,4% doanh nghiệp công nghệ cho rằng Chính phủ cần nâng cấp hạ tầng công nghệ số quốc gia

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Đây là thông tin do Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng chia sẻ trong bản tham luận trình bày tại Hội nghị triển khai kết luận của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng. Ảnh Mic
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Huy Dũng. Ảnh Mic

Trong bản tham luận của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ( TT&TT) Nguyễn Huy Dũng cho biết, chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số là xu hướng phát triển tất yếu.

Thứ trưởng Dũng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam cần nhanh chóng nắm bắt, ngay lập tức có hành động mạnh mẽ phát triển kinh tế số và xã hội số. Việt Nam muốn bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng quốc gia thì phải tận dụng được cơ hội này, phát triển thêm nhiều ngành kinh doanh mới, mở ra các thị trường mới và tạo thêm nhiều nhu cầu việc làm mới. Kinh tế số đang ngày càng khẳng định vai trò là một động lực cốt lõi của tăng trưởng toàn cầu, không còn giới hạn trong một nhóm các quốc gia "công nghệ cao" ưu tú. Kinh tế số đang được thúc đẩy trên khắp thế giới cả ở các nước phát triển cũng như các nước đang phát triển và đang mang lại lợi nhuận khổng lồ cho nhiều doanh nghiệp, quốc gia.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh, chuyển đổi số, công nghệ số, nền kinh tế số, là xu thế toàn cầu, là quá trình Việt Nam cũng đang triển khai thực hiện. Tuy nhiên, mặc dù chủ trương xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số đã được toàn bộ hệ thống chính trị triển khai quyết liệt, song về tổng quan việc triển khai Chính phủ điện tử chưa đạt được như mong muốn. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 27/9/2019 đã nêu rõ "quá trình chuyển đổi số quốc gia còn chậm, thiếu chủ động do hạ tầng phục vụ quá trình chuyển đổi số còn nhiều hạn chế".

Kết quả khảo sát của Vietnam Report thực hiện tháng 6/2020 cho thấy 47,4% doanh nghiệp công nghệ cho rằng Chính phủ cần nâng cấp hạ tầng công nghệ số quốc gia. Để xây dựng Chính phủ số và chuyển đổi số thành công cần xây dựng hạ tầng số với cơ sở dữ liệu quốc gia, bao gồm hạ tầng thiết bị, truyền thông, hạ tầng dữ liệu, ứng dụng.

Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cũng chỉ ra những thách thức trong quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam. Thứ trưởng cho rằng quá trình phát triển kinh tế số, xã hội số Việt Nam hiện nay đang đối mặt với những tồn tại, hạn chế và thách thức lớn, điển hình như: Hệ thống thể chế, pháp luật chưa tạo thuận lợi cho cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc thực thi quản lý nhà nước, xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số, xã hội số còn bất cập. Kỹ năng số và nguồn nhân lực số chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế số, xã hội số. Năng lực chuyển đổi số của doanh nghiệp còn yếu; lực lượng doanh nghiệp nền tảng số đông nhưng chưa mạnh, các nền tảng số Make in Vietnam còn non trẻ lại bị cạnh tranh gay gắt từ bên ngoài.

Đặc biệt Thứ trưởng cho rằng, "Thể chế và quy định pháp luật cho chuyển đổi số và các hoạt động kinh tế số của Việt Nam cho đến nay được đánh giá là chậm hoàn thiện. Chúng ta cũng chưa ban hành chiến lược tổng thể của quốc gia về phát triển kinh tế số và xã hội số; chưa có hành lang pháp lý cho thí điểm triển khai áp dụng các mô hình kinh doanh, dịch vụ mới. Hệ thống văn bản pháp luật ban hành thiếu đồng bộ, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, chưa phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Còn thiếu các quy định về giao dịch dữ liệu, bảo vệ cơ sở dữ liệu, dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư, cũng như tạo lập niềm tin trên không gian số; thiếu quy định về quyền cá nhân, đạo đức khi ứng dụng trí tuệ nhân tạo; các quy định về danh tính số, định danh và xác thực điện tử cho người dân còn chậm được ban hành".

Để khắc phục những bất cập về thể chế như trên, Thứ trưởng đã đưa ra một số giải pháp nhằm từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho kinh tế số và xã hội số như hoàn thiện hành lang pháp luật về Giao dịch điện tử; Hoàn thiện hành lang pháp luật về nền tảng số, kinh tế nền tảng; Hoàn thiện hành lang pháp luật về Kinh tế số…