40 quốc gia ký thỏa thuận xe hơi phải có công nghệ phanh tự động, bắt đầu từ năm 2020

VietTimes -- 40 quốc gia do Nhật Bản và Liên minh châu Âu dẫn đầu - nhưng không có Mỹ và Trung Quốc - đã đồng ý với yêu cầu xe hơi và xe thương mại hạng nhẹ phải được trang bị hệ thống phanh tự động, bắt đầu từ năm tới.
Từ năm 2020, những chiếc xe mới xuất xưởng tại 40 quốc gia sẽ phải có hệ thống phanh tự động (ảnh: Volvo)
Từ năm 2020, những chiếc xe mới xuất xưởng tại 40 quốc gia sẽ phải có hệ thống phanh tự động (ảnh: Volvo)

Quy định này sẽ yêu cầu tất cả các xe hơi bán ra phải được trang bị công nghệ phanh tự động, theo đó các cảm biến sẽ theo dõi khoảng cách của người đi bộ hoặc đối tượng khác đang lưu thông trên đường. Hệ thống sẽ tự động kích hoạt phanh nếu chúng nhận thấy nguy cơ va chạm sắp xảy ra và người tài xế chưa kịp phản ứng.

Giải pháp này sẽ áp dụng cho các phương tiện lưu thông ở "tốc độ thấp": 60 km mỗi giờ hoặc ít hơn, và chỉ áp dụng cho những chiếc xe mới được bán ở thị trường của các nước đã ký kết, vì vậy những người đang sở hữu xe hiện tại không cần phải trang bị hệ thống phanh tự động cho chiếc xe đang lưu thông của mình.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ là những nước đã không tham gia vào cuộc đàm phán vì họ muốn các quy định tại quốc gia của họ luôn được ưu tiên hơn các quy tắc của Liên Hợp Quốc trong lĩnh vực ô tô.

Năm 2016, 20 nhà sản xuất ô tô đã đạt được thỏa thuận với chính phủ Hoa Kỳ về việc tích hợp hệ thống phanh khẩn cấp trên tất cả các phương tiện mới, bắt đầu từ tháng 9/2022, nhưng việc tuân thủ là tự nguyện. Trong báo cáo gần đây nhất về công nghệ an toàn năm 2017, Cơ quan An toàn giao thông Đường cao tốc Quốc gia Hoa Kỳ cho biết, 4 trong số 20 nhà sản xuất ô tô bao gồm Tesla, Mercedes-Benz, Toyota và Volvo đã tích hợp hệ thống phanh tự động trên hơn một nửa số xe hơi của họ.

Dữ liệu từ Viện Dữ liệu tổn thất Đường cao tốc của ngành bảo hiểm cho thấy 28% trong số các mẫu xe năm 2019 của Mỹ có hệ thống phanh khẩn cấp tự động. 36% số xe xuất xưởng cung cấp hệ thống này như một tùy chọn cho khách hàng.

(ảnh minh họa: Woman and Wheels)
(ảnh minh họa: Woman and Wheels)

Jason Levine, Giám đốc điều hành của Trung tâm An toàn Xe hơi – một tổ chức phi lợi nhuận, cho biết sự vắng mặt của Hoa Kỳ trong nhóm 40 nước ký thỏa thuận nói trên đang gây bối rối cho chính Hoa Kỳ, một quốc gia vốn coi trọng an toàn giao thông.

"Đây là một dấu hiệu cho thấy sự thiếu ăn ý của lãnh đạo ngành công nghiệp ô tô Hoa Kỳ và chính quyền Trump trong những quyết sách liên quan đến sự an toàn của người dân lưu thông trên đường", ông Jason Levine cho biết.

Thỏa thuận đã ký bởi 40 nước sẽ bắt đầu có hiệu lực vào năm tới tại Nhật Bản, nơi 4 triệu xe hơi và xe thương mại hạng nhẹ đã được bán vào năm 2018, Jean Rodriguez, phát ngôn viên của gọi là Ủy ban Kinh tế châu Âu tại Liên Hợp Quốc (UNECE) cho biết. Liên minh châu Âu và một số nước láng giềng dự kiến sẽ thực hiện vào năm 2022.

UNECE cho biết các quốc gia tham gia thỏa thuận này muốn chủ động hơn trong việc đối phó với các vụ tai nạn trên đường, đặc biệt là ở các khu vực đô thị nơi những chướng ngại vật như người đi bộ, xe tay ga, xe đạp và những chiếc xe khác lưu thông ở cự ly rất gần nhau. Cơ quan này đã thống kê có hơn 9.500 vụ tử vong do giao thông ở EU vào năm 2016, và EU ước tính rằng các hệ thống phanh có thể cứu sống hơn 1.000 người mỗi năm.