(tiếp theo kỳ trước)
36 tên lửa Tomahawk Mỹ tấn công Syria “biến mất”: Nga ra đòn hay chuyện gì? (IV)
Hệ quả chính trị
Unz Review đánh giá, trước hết cuộc tấn công tên lửa Tomahawk hôm 7/4 là hành động vi phạm hiến pháp Mỹ và vi phạm luật pháp quốc tế. Nga lên án hành động này là “xâm lược một quốc gia có chủ quyền”.
Trong nội bộ nước Mỹ, ông Trump đã khiến quá nhiều người thất vọng. Suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đưa ra rất nhiều lời hứa khiến hàng triệu người Mỹ ủng hộ mình. Tuy nhiên khi phải đối mặt với sự đối đầu gay gắt của phe tân bảo thủ và nghị viện Mỹ, ông Trump đã không thực hiện được những gì từng cam kết. Cuộc tấn công được quyết định chớp nhoáng đã ngốn của nước Mỹ gần 100 triệu USD. Đổi lại ông Trump nhận được sự ủng hộ của những người thuộc phái tân bảo thủ trong nội các. Điều này đi ngược lại hoàn toàn mong muốn của người dân Mỹ.
Trong khi đó, về đối ngoại, hành vi này đã phá hoại mọi hy vọng hợp tác với Nga của chính quyền này. Tệ hơn là nó còn có thể chấm dứt hy vọng tiêu diệt IS của Mỹ vì thiếu sự trợ giúp từ Nga và Iran.
Sau cuộc không kích, Nga đã thực hiện các hành động rất dứt khoát với Mỹ. Thứ nhất, nước này lên án Mỹ trước Liên hợp quốc. Thứ hai, Nga quyết định tăng cường hệ thống phòng không ở Syria và đây là vấn đề nghiêm trọng vì Nga sẽ cung cấp vũ khí, trang bị để Syria kiểm soát không phận một cách nghiêm ngặt.
Thứ ba, Nga quyết định rút lui khỏi bản ghi nhớ chung với Mỹ về việc ngừng bắn trên không phận Syria, do đó Nga hoàn toàn có quyền quyết định bắn hạ máy bay của Mỹ hay không (tuy nhiên sau chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson, Nga và Mỹ đã quyết định khôi phục lại bản ghi nhớ như một động thái hòa giải và giảm nhiệt căng thẳng). Thứ tư, Nga quyết định cắt đường dây nóng với quân đội Mỹ, do đó Mỹ không thể gọi cho Nga để tham vấn về các hoạt động.
Dẫu vậy, điều này không có nghĩa là Nga chắc chắn sẽ bắn hạ máy bay của Mỹ nếu sự cố tiếp theo xảy ra. Nga sẽ vẫn bị hạn chế bởi các quy tắc can thiệp và các quyết định chính trị của nội bộ nước này. Nhưng điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới quá trình ra quyết sách của Mỹ vì từ nay, sẽ không còn gì đảm bảo là Nga sẽ không tấn công Mỹ.
Về cơ bản Nga đã thống trị không phận ở Syria và Mátxcơva đang mong muốn Syria cũng có khả năng tương tự. Điều này sẽ không chỉ cho phép Syria tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công của Mỹ và Israel mà còn giúp Nga chối bỏ lời buộc tội nếu bắn hạ máy bay của Mỹ. Cuối cùng, Nga đang điều một số chiến hạm tiên tiến nhất đến Syria để hỗ trợ quân đội nước này.
Có rất nhiều giả thuyết đặt ra cho cuộc không kích của ông Trump. Người thì cho rằng đây là sự chuẩn bị tư thế cho chuyến thăm Nga của Ngoại trưởng Tillerson. Người lại nghĩ đây là thông điệp gửi tới Trung Quốc khi cuộc không kích diễn ra ngay trong chuyến thăm Mỹ của chủ tịch Tập Cận Bình. Tuy nhiên dù là lý do gì thì cuộc tấn công này cũng chẳng đem lại lợi ích gì và thậm chí còn phản tác dụng, Unz Review nhận xét.
Trong khi đó, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ lại hoan nghênh đòn tấn công của ông Trump. Đây là hành động bị Unz Review cho là ngớ ngẩn của ông Erdogan với hy vọng Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ, dù cho Mỹ đang ủng hộ thành lập một nhà nước bán tự trị của người Kurd ở biên giới của Thổ. Có lẽ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cho rằng Mỹ đủ khả năng để hạ bệ Assad.
Ngoài ra châu Âu, Ukraine và cả Israel cũng đều lên tiếng hoan nghênh cuộc không kích.
Còn với Trung Quốc, ông Tập Cận Bình có lẽ sẽ không cảm thấy quá mất thể diện vì nước này hoàn toàn hiểu rõ những hành động bộc phát và bản tính của ông Trump. Nếu có, động thái này sẽ chỉ củng cố quan hệ đối tác không chính thức nhưng rất mạnh mẽ giữa Nga và Trung Quốc. Giống như Nga, Trung Quốc sẽ vẫn giữ thái độ hòa dịu và đưa ra những tuyên bố hợp lý, tôn trọng hòa bình và an ninh quốc tế. Nhưng ai cũng hiểu rằng Trung Quốc sẽ chuẩn bị cho tình huống xấu.
Còn với Triều Tiên, sau khi Mỹ điều động cụm tác chiến tàu sân bay tới gần bán đảo này, tình hình ở hai miền Nam- Bắc Triều Tiên đang rất căng thẳng. Điều gì sẽ diễn ra nếu Mỹ thực sự không sợ nguy cơ chiến tranh Triều Tiên bùng nổ? Đây là câu hỏi chẳng ai dám trả lời.
Nguy cơ
Theo Unz Review, do sự khó lường trong tính cách của ông Trump, không ai có thể dự đoán điều gì sẽ diễn ra. Vậy thế giới có thể làm được điều gì để ngăn chặn những gì tồi tệ nhất (có thể là một cuộc chiến tranh hạt nhân trong tương lai). Hiển nhiên châu Âu chẳng thế làm gì vì khối này không liên quan và lại là đồng minh của Mỹ.
Hai nước có ảnh hưởng tới Mỹ lớn nhất hiện nay là Nga và Trung Quốc. Cho đến nay, Nga vẫn là nước thực hiện những nhiệm vụ khó khăn nhất, trong khi đó Trung Quốc lại có nhiều công cụ để gây áp lực cho Mỹ hơn Nga. Nếu như Nga có khả năng về mặt quân sự thì Trung Quốc lại có thể gây tổn hại tới Mỹ về kinh tế.
Nga đang ở trong hoàn cảnh đặc biệt, không thể từ bỏ Syria nhưng cũng không thể gây chiến trực tiếp với Mỹ. Chẳng ai mong muốn Nga đối phó với Mỹ bằng biện pháp đối đầu quân sự vì đây sẽ thực sự là thảm họa cho toàn nhân loại.Hoàn cảnh này có thể sẽ đẩy Nga và Trung Quốc phối hợp với nhau để đối phó với nước Mỹ dưới thời ông Trump.
Tuy rằng quân đội Trung Quốc còn thua xa Nga và Mỹ nhưng nước này đang nâng cấp quân đội rất nhanh. Nếu như 30 năm trước, quân đội Trung Quốc lỗi thời và được trang bị hết sức thô sơ thì hiện nay, lực lượng vũ trang nước này đã phát triển mạnh mẽ và mạnh hơn rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên nếu chiến tranh Mỹ-Trung xảy ra, rất có thể sẽ kéo theo cả Đài Loan và Triều Tiên vào cuộc, và đây thật sự sẽ là thảm họa cho nhân loại. Do đó Trung Quốc cho đến nay vẫn chỉ ủng hộ sau lưng Nga một cách từ tốn và thận trọng.
Unz Review cho rằng Nga không muốn chiến tranh nhưng luôn sẵn sàng ứng phó, trong khi đó Mỹ dường như chưa chuẩn bị cho tình huống xấu nhất này. Tuy nhiên, vấn đề là mỗi hành vi nhằm làm giảm khả năng leo thang xung đột của Nga thường lại bị Mỹ và phương Tây cho là yếu kém.
Hiện nay Nga đang ở trong tình trạng khó khăn do bị Mỹ và phương Tây cấm vận, chèn ép. Sự ủng hộ từ các nước Mỹ Latin cũng chẳng thấm vào đâu vì các nước này không dám gây hấn với Mỹ, Ấn Độ thì theo chiến lược nước đôi, Nhật Bản và Hàn Quốc là đồng minh của Mỹ, Australia và New Zealand luôn trung lập, châu Phi lại chẳng có tầm ảnh hưởng đến Mỹ và dù ít hay nhiều vẫn sống dưới cái bóng của nước này. Chỉ có Iran thiệt hại nhiều nhất và cũng đang gặp nhiều nguy cơ lớn nhất. Do đó Nga chỉ còn một cứu cánh là Trung Quốc.
Trong thời gian tới, Nga chỉ có thể hy vọng nội bộ Mỹ tự cắn xé lẫn nhau trong quá trình hoạch định chính sách đối ngoại. Còn với Mỹ, thật đáng lo ngại rằng những hành động gần đây cho thấy nước này dường như đang suy yếu và có thể sẽ không ngăn được một cuộc chiến lớn có thể sẽ diễn ra, dù là ở châu Âu, châu Á hay Trung Đông.