3,6% dư nợ của Techcombank đã được tái cơ cấu theo Thông tư 01

VietTimes – Tại buổi gặp gỡ chuyên gia phân tích được tổ chức theo hình thức trực tuyến hôm nay (5/8), các lãnh đạo của Techcombank đã có nhiều chia sẻ về hoạt động kinh doanh của ngân hàng trong nửa đầu năm 2020.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Theo các tài liệu Techcombank công bố, tính đến ngày 30/6/2020, tổng dư nợ của ngân hàng đạt mức 231.666 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, có 3,6% tổng dư nợ đã được ngân hàng tái cơ cấu theo Thông tư 01/2020/TT-NHNN được NHNN ban hành, có hiệu lực từ ngày 13/3/2020 (Thông tư 01).

Đối với khối ngân hàng bán buôn (WB), số dư nợ mà Techcombank đã tái cơ cấu theo Thông tư 01 chiếm 6,1% trên tổng số 87.075 tỷ đồng dư nợ của khối khách hàng này.

Tỷ trọng này đạt lần lượt là 3,7% và 1,5% tại các khối khách hàng doanh nghiệp (BB) và khách hàng cá nhân (PFS).

Tỷ trọng dư nợ đã được Techcombank tái cơ cấu theo từng nhóm khách hàng (Nguồn: TCB)
Tỷ trọng dư nợ đã được Techcombank tái cơ cấu theo từng nhóm khách hàng (Nguồn: TCB)

Được biết, 3 chính sách hỗ trợ chủ yếu cho khách hàng của Techcombank là (1) gia hạn nợ lên tới 12 tháng; (2) giảm lãi suất đến mức 2% và (3) cá nhận được miễn lệ phí trả nợ trước hạn.

Bên cạnh đó, chất lượng tài sản của ngân hàng cũng được kiểm soát tốt dù chịu nhiều tác động của dịch Covid-19. Các khoản vay trung và dài hạn của ngân hàng được bảo đảm bằng tài sản bảo đảm chất lượng cao.

Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo Techcombank, Thông tư 01 cũng không tác động đáng kể lên NIM của nhà băng này. Thậm chí, hệ số NIM còn tăng nhẹ lên mức 4,5%.

Nguyên nhân là do lãi suất huy động của ngân hàng duy trì ở mức thấp, thậm chí có xu hướng giảm trong nửa đầu năm 2020, từ mức 4,1%/năm tại thời điểm cuối năm 2019 hiện xuống chỉ còn 3,8%/năm. Ở chiều hướng ngược lại, mặt bằng lãi suất cho vay của Techcombank lại tăng nhẹ lên mức 9,3%/năm.

Ban lãnh đạo Techcombank cũng kỳ vọng hệ số NIM sẽ tiếp tục duy trì ổn định trong năm 2020.

NIM của Techcombank vẫn được duy trì (Nguồn: TCB)
NIM của Techcombank vẫn được duy trì (Nguồn: TCB)

Bên cạnh các khoản thu nhập lãi thuần từ hoạt động cho vay, tăng trưởng của nguồn thu nhập từ dịch vụ cũng nhận được nhiều quan tâm của giới phân tích.

Theo chia sẻ của Giám đốc tài chính Trịnh Bằng, mảng trái phiếu của nhà băng này tăng trưởng rất nhanh so với các mảng khác. Điều này giúp thu nhập từ tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu của Techcombank gia tăng đáng kể, góp phần thúc đẩy thu nhập từ phí, dịch vụ.

Như VietTimes từng đề cập, Techcombank đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất Quý 2/2020 đầy ấn tượng với mức lợi nhuận sau thuế đạt 2.888 tỷ đồng, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, kết quả mà Techcombank đạt được nhờ các động lực chính từ tăng trưởng nguồn thu, thay vì cắt giảm chi phí dự phòng và chi phí hoạt động như nhiều nhà băng khác.

Lũy kế nửa đầu năm 2020, Techcombank báo lãi sau thuế 5.394,6 tỷ đồng, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước.

Tại ngày 30/6/2020, quy mô tổng tài sản của Techcombank đạt 395.861 tỷ đồng, tăng nhẹ 3,1% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của Techcombank đạt mức 0,91% giảm so với mức 1,33% hồi đầu năm 2020. Dư nợ nhóm 5 cũng giảm mạnh so với đầu năm./.