3 vấn đề pháp lý đặt ra với nền tảng số

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bản chất của các nền tảng số là buộc phải có dữ liệu để phát triển và trong quá trình thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu, có thể xảy ra bóc lột dữ liệu, lạm dụng dữ liệu và nhiều vấn đề khác.
Việc xử lý, thu thập những dữ liệu của nền tảng số đòi hỏi một quy trình rất nghiêm ngặt - Ảnh minh họa.
Việc xử lý, thu thập những dữ liệu của nền tảng số đòi hỏi một quy trình rất nghiêm ngặt - Ảnh minh họa.

Tại tọa đàm với chủ đề "Vai trò của nền tảng số trong phục hồi kinh tế sau đại dịch" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Trưởng phòng Kinh tế, Viện Nhà nước và Pháp Luật - đã có bài chia sẻ về các vấn đề pháp lý với nền tảng số

Theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương, kinh tế nền tảng đã tồn tại từ rất lâu đời với nhiều hình thức khác nhau, từ "chợ" thật cho đến những "chợ" ảo. Tại đó, người bán, người mua có thể gặp nhau để có thể trao đổi thông tin và đưa đến quyết định là mua hay không mua, giao dịch hay không giao dịch. Với sự phát triển của công nghệ thì nền tảng vật lý dần dần mất đi và thay vào đó là những nền tảng số như Amazon, eBay, Facebook…

Hiện Việt Nam chưa có nhiều nền tảng số lớn mà mới chỉ có các nền tảng nhỏ lẻ. Những nền tảng số đó sẽ đặt ra những vấn đề về pháp lý. Bản chất của kinh tế số và các nền tảng số hay gần đây cách mạng công nghệ 4.0, để phát triển được buộc phải có dữ liệu. Vì vậy, việc thu thập, lưu trữ và xử lý dữ liệu đòi hỏi các nhà phát triển đưa ra những thuật toán phù hợp để phục vụ cho việc phát triển của nền tảng. Và trong quá trình đó có thể xảy ra vấn đề bóc lột dữ liệu, lạm dụng dữ liệu và có thể xảy ra nhiều vấn đề khác.

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương cho rằng việc rà soát lại các vấn đề về pháp lý là rất quan trọng, rất cơ bản để có thể phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

Ông Ngô Vĩnh Bạch Dương cho rằng việc rà soát lại các vấn đề về pháp lý là rất quan trọng, rất cơ bản để có thể phát triển kinh tế số ở Việt Nam.

Theo Trưởng phòng Kinh tế - Viện Nhà nước và Pháp Luật, nền tảng số sẽ có một số vấn đề về pháp lý được đặt ra như sau:

Thứ nhất, truy cập dữ liệu. Hiện nay chúng ta chưa có chuẩn về vấn đề thu thập dữ liệu, mặc dù đã có Luật bảo vệ dữ liệu cá nhân, quy trình thu thập dữ liệu công bằng và thỏa đáng theo các nguyên tắc của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cũng đã dần được luật hóa nhưng vẫn chưa được hoàn chỉnh.

Làm thế nào để các dữ liệu đó có vòng đời, bản thân người thu thập dữ liệu có quyền gì sau khi đã cung cấp dữ liệu, hay sau khi xóa dữ liệu thì việc điều tra các giao dịch trong quá khứ như thế nào. Đặc biệt là liên quan đến những giao dịch có thể hàm chứa những mục đích hoặc đối tượng có thể là bất hợp pháp. Vì vậy, việc xử lý, thu thập những dữ liệu này cũng đòi hỏi một quy trình rất nghiêm khắc.

Thứ hai, việc thu thập dữ liệu phải có sự đồng thuận với nhiều tiêu chuẩn khác nhau, từ sở hữu trí tuệ, các quy tắc về bảo vệ quyền con người và hàng loạt các vấn đề khác. Tuy nhiên, nhiều người dùng chỉ mong muốn là cài đặt thật nhanh chóng và chấp nhận luôn điều khoản sử dụng dịch vụ mà không cần đọc hết, đây là một vấn đề rất khó khăn.

Theo nghiên cứu khoa học về bất đối xứng thông tin cho thấy, người tiêu dùng quá nhỏ bé để có thể hiểu được bộ khái niệm khổng lồ. Ví dụ như khi cài đặt Uber, nếu có đồng ý cài đặt thì sẽ thấy 18 điều khoản điều kiện giao dịch chung với hơn 400 trang. Sẽ không có người tiêu dùng nào có thể đọc hết được, đến bản thân những người làm luật cũng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể hiểu được. Đây là một lỗ hổng rất lớn về bất đối xứng thông tin mà các cơ quan cần quản lý tốt hơn.

Theo Bộ Công thương, các doanh nghiệp phải đăng ký các điều kiện giao dịch chung, nhưng đó có phải là “chốn an toàn” với người sử dụng dịch vụ? Đòi hỏi việc phải có bên giám sát thứ ba để có thể bảo vệ các quyền của người tiêu dùng. Bởi các điều kiện giao dịch chung không chỉ ảnh hưởng đối với người tiêu dùng mà còn với các đối tác cung cấp hàng hóa.

"Liệu những người bán hàng ấy có phải chịu sự lép vế gì từ nền tảng hay không? Liệu các thuật toán của nền tảng có đủ công bằng hay không? Việc bảo vệ bên yếu thế về pháp lý trong các nền tảng cũng rất quan trọng" - ông Ngô Vĩnh Bạch Dương đặt vấn đề.

Thứ ba, là về phía nền tảng. Sự phát triển kinh tế số đem lại những kỳ vọng rằng chúng ta sẽ có những sản phẩm tốt hơn, rẻ hơn. Tuy vậy trong thời gian vừa qua, ngoài những nền tảng phát triển khá ổn định như các sản phẩm họp hội nghị của FPT, các nền tảng giao dịch ví điện tử,… nhưng vẫn còn có những nền tảng đến tay người tiêu dùng với giá khá cao. Nếu dùng nền tảng số mà chi phí đắt hơn thì tại sao phải sử dụng nền tảng số. Vậy vấn đề đặt ra là các chi phí tuân thủ của các đơn vị kinh doanh nền tảng liệu đã đúng chưa?

Vì vậy việc rà soát lại các vấn đề về pháp lý là rất quan trọng, rất cơ bản để có thể phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Cần rà soát lại các chi phí tuân thủ của các đơn vị kinh doanh nền tảng để họ có thể giảm bớt được các chi phí không cần thiết. Xem xét sự kết nối của các cơ quan nhà nước như cơ quan thuế, cơ quan thống kê... có sự đấu nối, kết nối phù hợp, để khai thác dữ liệu, xử lý các thủ tục hành chính đơn giản hơn mà không cần tăng thêm nhân công.

Phó Tổng biên tập Phụ trách báo Đại biểu nhân dân Phạm Thị Thanh Huyền nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ này, Quốc hội và cá nhân người đứng đầu Quốc hội thể hiện sự quan tâm rất lớn đến vấn đề phát triển kinh tế số ở Việt Nam. Trên diễn đàn Quốc hội cũng như trong các hoạt động xuyên suốt từ đầu khóa đến nay, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhiều lần ghi nhận và hối thúc Việt Nam sớm tạo lập các khuôn khổ chính sách và pháp lý cởi mở thúc đẩy khu vực kinh tế quan trọng này.

Bà Phạm Thị Thanh Huyền - Phó Tổng biên tập Phụ trách báo ĐBND

Bà Phạm Thị Thanh Huyền - Phó Tổng biên tập Phụ trách báo ĐBND

Theo Phó Tổng biên tập Phụ trách báo Đại biểu nhân dân, tầm nhìn và yêu cầu của người đứng đầu Quốc hội đã lan tỏa và trở thành hành động ở các cấp thực thi, thể hiện rõ nét ở việc các Ủy ban của Quốc hội đã bắt tay vào nghiên cứu, đề xuất các kế hoạch cụ thể. Ví dụ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường có báo cáo về chuyển đổi số; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục có kế hoạch giám sát chuyên đề về thông tin trên môi trường số…

"Ưu tiên của Quốc hội cho kinh tế số rất xác đáng bởi đây là một động lực tăng trưởng mới của đất nước. Trong ngắn hạn, kinh tế số và công nghệ số sẽ góp phần giúp nền kinh tế chống đỡ, ứng phó, và phục hồi giai đoạn hậu Covid. Về dài hạn, đây là chìa khoá giải bài toán năng suất lao động, giúp Việt Nam hiện thực hóa mục tiêu trở thành cường quốc bậc trung phát triển vào năm 2040" - bà Phạm Thị Thanh Huyền nói thêm.