Tờ Sputnik Nga ngày 7/9 có bài viết cho rằng nhìn vào các bài viết mới nhất, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 sẽ trở thành một loại máy bay chiến đấu thích hợp với tác chiến trong môi trường cao nguyên của Trung Quốc.
Vài ngày gần đây, trên Internet bắt đầu lan truyền các hình ảnh máy bay chiến đấu J-20 Trung Quốc xuất hiện ở sân bay Á Đinh, Đạo Thành, tỉnh Tứ Xuyên - thuộc cao nguyên Thanh Tạng.
Một số chuyên gia cho rằng động thái này chính là Bắc Kinh đáp trả việc Ấn Độ triển khai tên lửa hành trình BrahMos ở khu vực biên giới Trung-Ấn.
Chuyên gia quân sự Nga Cashin cho rằng, tiến hành thử nghiệm loại máy bay chiến đấu này ở khu vực cao nguyên là điều bất cứ lúc nào cũng phải tiến hành.
Không ít bài viết trên báo chí quân sự Trung Quốc cho hay vài năm gần đây Quân đội Trung Quốc thường xuyên tiến hành công tác thử nghiệm các loại trang bị quân sự ở khu vực cao nguyên.
Chẳng hạn, những năm gần đây, lực lượng tên lửa đã tiến hành nhiều cuộc diễn tập có sự tham gia của tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở khu vực cao nguyên, bao gồm bắn đạn thận và hành quân cự ly dài.
Lực lượng nhảy dù đã từng tiến hành thử nghiệm tất cả các trang bị và huấn luyện nhảy dù ở khu vực cao nguyên. Không ít máy bay chiến đấu Không quân và máy bay trực thăng của lực lượng đường không Lục quân đều từng tiến hành diễn tập ở khu vực cao nguyên.
Sử dụng trang bị quân sự ở khu vực cao nguyên bị ảnh hưởng bởi rất nhiều nhân tố. Đặc biệt, không khí loãng và nhiệt độ tương đối thấp làm cho rất nhiều vũ khí trang bị sẽ hoạt động không bình thường.
Chẳng hạn, những trang bị tham gia tiến hành sửa chữa và bảo đảm đối với trang bị chiến đấu nếu không được thiết kế đúng thì có thể không hoạt động có hiệu quả, ảnh hưởng đến việc triển khai máy bay chiến đấu ở cao nguyên.
Thông qua thử nghiệm ở môi trường cao nguyên, có thể căn cứ vào kết quả thử nghiệm, tiến hành cải tiến đối với vũ khí trang bị, xây dựng quy tắc sử dụng mới. Tình hình cần thiết còn phải nghiên cứu chế tạo ra vũ khí trang bị chuyên dùng cho tác chiến ở cao nguyên.
Bài viết cho rằng, nói chung, cấp cao Trung Quốc đã quyết định tiến hành thử nghiệm phần lớn vũ khí trang bị lục quân và không quân ở cao nguyên.
Nhưng nếu trung Quốc muốn ứng phó có hiệu quả với các mối đe dọa hiện thực trong vài năm tới, điều quan trọng hơn không phải là tiến hành thử nghiệm máy bay chiến đấu mới J-20 ở cao nguyên, mà là cần kiểm nghiệm các máy bay chiến đấu đã từng thử nghiệm ở Tây Tạng như J-10 và J-11B, bởi vì những máy bay chiến đấu này có số lượng tương đối nhiều trong kho vũ khí của Trung Quốc.
Mặc dù lô máy bay chiến đấu J-20 đầu tiên đã bắt đầu phục vụ trong Không quân Trung Quốc, nhưng hiện nay kinh nghiệm nghiên cứu chế tạo và sử dụng máy bay mới cho thấy, Không quân Trung Quốc nếu muốn thực sự nắm trong tay nó vẫn phải nỗ lực thêm nhiều năm.
Bởi vì, cân nhắc tới tính phức tạp của toàn bộ hệ thống máy bay chiến đấu, trước khi thực sự hình thành sức chiến đấu cần bỏ ra rất nhiều thời gian.
Vì vậy, các máy bay chiến đấu J-10 và J-11B đã hình thành sức chiến đấu, lúc này vai trò sẽ lớn hơn.
Mặc dù Trung Quốc kiểm tra máy bay chiến đấu J-20 ở cao nguyên, nhưng "đất dụng võ" chủ yếu của nó là ở Tây Thái Bình Dương. Ở đó, Quân đội Trung Quốc đã từng đối mặt với các máy bay chiến đấu tàng hình F-22 và F-35 của Mỹ, hơn nữa đồng minh Nhật Bản và Australia cũng sẽ trang bị F-35.
Trong khi đó Ấn Độ thông qua mua sắm tên lửa phòng không S-400, nâng cấp Su -30MKI và máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm FGFA hợp tác nghiên cứu chế tạo với Nga có thể triệt tiêu sức ép từ máy bay chiến đấu J-20 trang bị cho Không quân Trung Quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế Nga cũng đã và sẽ bán cả các vũ khí phòng không (S-300, S-400) và máy bay chiến đấu hiện đại (Su-35) cho Trung Quốc, mục đích của bài báo trên ai cũng hiểu đó là để gia tăng tiếp thị vũ khí Nga cho một khách hàng lớn như Ấn Độ và các khách hàng tiềm năng khác.