21/11, ACV lên UPCoM và sẽ trở thành “trùm” vốn hóa của sàn này

VietTimes -- Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông báo, ngày 21/11 tới đây, 2.177 triệu cổ phiếu ACV của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam sẽ chính thức bắt đầu giao dịch trên UPCoM, với giá khởi điểm 25.000 đồng/CP.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)

Với mức giá khởi điểm nêu trên, tính ra, ACV được định giá khoảng 54.425 tỷ đồng (khoảng 2,4 tỷ USD).

Như vậy, khi lên UPCoM, nhiều khả năng ACV sẽ vượt CTCP Tài nguyên Masan (MSR) và Tổng công ty Thép Việt Nam - CTCP (TVN) để trở thành công ty có quy mô vốn lớn nhất giao dịch trên sàn này.

ACV chính thức hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ tháng 4/2016. Hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hỗ trợ trực tiếp cho vận tải hàng không, ACV đang quản lý  22 cảng hàng không, trong đó có 9 cảng quốc tế và 13 cảng quốc nội.

Mới đây, ACV đã công bố kết quả kinh doanh hợp nhất hợp nhất quý 3/2016 với doanh thu thuần đạt 4.060 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 804 tỷ đồng. Nếu gộp cả quý 2 và quý 3, doanh thu thuần đạt 7.918 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế là 787 tỷ đồng. Nếu so sánh với kết quả kinh doanh cả năm 2015, doanh thu quý 2 và quý 3/2016 của ACV đã bằng 60% doanh thu thuần cả năm 2015 và lợi nhuận trước thuế bằng 91% cả năm 2015.

ACV cho biết thêm, 9 tháng đầu năm 2016, số lượt hành khách qua các cảng tăng 30% so với cùng kỳ lên 60,5 triêu lượt, gồm có 17,5 triệu lượt khách quốc tế (tăng 25% so với cùng kỳ) và 43 triệu lượt hành khách nội địa (tăng 32% so với cùng kỳ). Số lượt hạ/cất cánh là 417.800 (tăng 26% so với cùng kỳ) và số lượng hàng hóa thông qua cảng là 765.700 tấn (tăng 7% so với cùng kỳ).

Theo đó, công ty đã đạt 80% kế hoạch về số lượng hành khách, 79% kế hoạch số lượt hạ/cất cánh và 69% kế hoạch số lượng hàng hóa qua cảng cho cả năm 2016 sau 9 tháng.

Tại thời điểm 30/9/2016, ACV có tổng tài sản 45.676 tỷ đồng, lợi nhuận chưa phân phối xấp xỉ 710 tỷ đồng.

Năm 2016, công ty đặt kế hoạch doanh thu 12.095 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.056 tỷ đồng và tỷ lệ cổ tức chi trả cho cổ đông là 5%.

Được biết, sau khi cổ phần hóa vào tháng 12/2015, ACV vẫn trong quá trình đàm phán để bán 20% vốn cho nhà đầu tư chiến lược (nhiều khả năng là Tập đoàn Aeroports de Paris của Pháp). Hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải nắm giữ 95,4% vốn điều lệ của ACV.

Trong một báo cáo mới được phát hành, bộ phận phân tích CTCK TP. HCM (HSC) dự báo, năm 2016, doanh thu thuần của ACV sẽ tăng trưởng 22% và lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh chính tăng trưởng 29% nếu không tính lãi/lỗ tỷ giá. Nếu tính cả lãi/lỗ tỷ giá thì lợi nhuận sau thuế giảm 35%. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 16.010 tỷ đồng (tăng trưởng 22%); lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh chính đạt 3.718 tỷ đồng (tăng trưởng 29%) và lợi nhuận sau thuế đạt 1.144 tỷ đồng (giảm 35%).

HSC dự báo ACV sẽ ghi nhận lỗ tài chính thuần là 1.552 tỷ đồng trong năm 2016 (năm 2015 ghi nhận lợi nhuận tài chính thuần là 149 tỷ đồng). Nguyên nhân chính do ghi nhận lỗ tỷ giá thuần tăng mạnh từ 602 tỷ đồng lên 2.289 tỷ đồng tương ứng với đồng Yên sẽ tăng giá 15% so với đồng VND. Đến cuối 2016, ước tính khoản vay bằng đồng Yên là 69,896 tỷ Yên (669,93 triệu USD).

Đến năm 2017, HSC dự báo danh thu thuần đạt 18.181 tỷ đồng, tăng trưởng 14% so với năm 2016. Đóng góp bởi số lượng hành khách tăng trưởng 18% đạt 93,05 triệu khách; Số lượt cất/hạ cánh là 609.929 (tăng trưởng 8,6%) và Số lượng hàng hóa vận chuyển là 1.132 nghìn tấn (tăng trưởng 7%)./.