20 hãng thông tấn lớn nhất châu Âu tố Facebook và Google “cướp cơm”, đòi hai đại gia Internet phải chia sẻ lợi nhuận

VietTimes – Các hãng tin lớn nhất châu Âu đã cáo buộc Google và Facebook “cướp cơm” của họ khi cung cấp tin tức miễn phí cho người dùng. Trong một tuyên bố chung được đưa ra ngày hôm qua, các hãng tin này yêu cầu Google và Facebook phải chia sẻ một phần lợi nhuận.
Google và Facebook sẽ phải trả tiền cho các hãng truyền thông châu Âu nếu một bộ luật về bản quyền được thông qua vào ngày 12/9 tới đây (ảnh: Adweek)
Google và Facebook sẽ phải trả tiền cho các hãng truyền thông châu Âu nếu một bộ luật về bản quyền được thông qua vào ngày 12/9 tới đây (ảnh: Adweek)

Các Giám đốc điều hành của 20 hãng tin lớn nhất châu Âu trong đó có AFP (Hãng thông tấn Pháp), BPA (Hiệp hội báo chí Anh), DPA (Đức) đã cùng ký vào một đơn kiến nghị gửi lên Nghị viện châu Âu yêu cầu sửa đổi Luật bản quyền để làm giảm tình trạng mà họ gọi là “sự mất cân bằng kỳ cục”.

“Việc các công ty Internet khổng lồ thống trị các nội dung tin tức cũng như quảng cáo tạo ra một mối đe dọa cho cả người dùng và sự dân chủ”, trích nội dung bản kiến nghị.

Các nhà lập pháp Nghị viện châu Âu sẽ thảo luận về một bộ luật bản quyền mới trong tháng này. Dự kiến bộ luật này sẽ buộc các đại gia Internet như Facebook và Google phải trả tiền cho các nội dung sáng tạo được sử dụng trên nền tảng của họ, như tin tức, âm nhạc hoặc phim ảnh.

Dự thảo luật đưa ra bỏ phiếu lần đầu tiên hồi tháng 7 đã bị bác bỏ khi nó vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ các công ty công nghệ Mỹ cũng như những người ủng hộ tự do Internet khi họ lo sợ rằng bộ luật nói trên có thể khiến người dùng phải bỏ ra chi phí nhiều hơn. Tuy nhiên, đại diện các hãng tin lớn cho rằng hoàn toàn có thể buộc các đại gia Internet đền bù cho giới truyền thông mà không làm ảnh hưởng đến người sử dụng.

Bản kiến nghị cũng nêu rõ trong năm 2017 Facebook đã đạt doanh thu 40 tỷ USD và thu về lợi nhuận 16 tỷ USD, còn Google kiếm được 110 tỷ USD và lợi nhuận là 12,7 tỷ USD. Chính vì vậy “chúng tôi muốn có một khoản thanh toán công bằng từ các công ty đã ‘lấy trộm’ tin tức. Vì lợi ích của báo chí tự do và giá trị dân chủ của châu Âu, các nhà lập pháp châu Âu nên sớm thông qua bộ luật mới về bản quyền” – trích nội dung bản kiến nghị.

“Các quyền liên quan”

(ảnh minh họa: CNBC)
 (ảnh minh họa: CNBC)

Bản kiến nghị này đánh dấu nỗ lực vận động hành lang của các hãng tin lớn của châu Âu, vốn được ủng hộ bởi những nghệ sỹ như Paul McCartney, nhằm gây ảnh hưởng đến các nhà lập pháp châu Âu khi họ chuẩn bị cho cuộc bỏ phiếu lần hai vào ngày 12/9 tới.

Các cuộc tranh luận sẽ tập trung vào hai phần trong dự thảo luật.

Phần thứ nhất là Điều 13. Nó yêu cầu các nền tảng như YouTube (thuộc sở hữu của Google) phải có trách nhiệm pháp lý đối với các nội dung được đăng tải. Cụ thể là những người sáng tạo nội dung có sản phẩm được đăng tải trên YouTube sẽ phải được trả tiền.

Phần thứ 2 là Điều 11. Đây là điều khoản quy định về “các quyền liên quan” - có nghĩa là các tờ báo, tạp chí và hãng tin sẽ phải được trả tiền khi Google hoặc các website khác khai thác tin tức của họ.

“Những công ty như Google và Facebook thời gian qua đã sử dụng một lượng lớn tin tức từ các nhà xuất bản và các hãng tin mà không hề trả tiền”, bản kiến nghị nêu rõ.

Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến trái chiều về vấn đề này. Một số người lo ngại rằng bộ luật mới có thể dẫn đến việc các nội dung bị kiểm duyệt chặt chẽ hơn khiến cho YouTube hoặc một số mạng xã hội khác mất đi vai trò là trung tâm của sự sáng tạo. Họ cũng nói rằng các trào lưu trên mạng như ảnh chế, hay các bản phối âm nhạc sẽ khó có thể tồn tại bởi những quy định quá chặt chẽ của bản quyền.

Theo Gadgets 360