Ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh:

1.500 - 2.500 bệnh nhân không phải chờ đợi để khám bệnh mỗi ngày

VietTimes – Để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của người dân, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám, chữa bệnh tại bệnh viện luôn là vấn đề được ưu tiên hàng đầu. Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh đã và đang được triển khai toàn diện.
Bệnh nhân chờ lấy thuốc tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. (Ảnh: Minh Thúy)
Bệnh nhân chờ lấy thuốc tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. (Ảnh: Minh Thúy)

Quản lý mọi hoạt động khám, chữa bệnh bằng phần mềm

Trao đổi với PV VietTimes, ông Lê Thế Vinh – Trưởng Phòng Công nghệ thông tin và Giáo dục y tế, Bệnh viện Da liễu Trung ương – cho biết: Từ tháng 1/2007, Bệnh viện đã xây dựng, triển khai phần mềm quản lý tổng thể bệnh viện (MEDISOFT THIS phiên bản MEDISOFT 2007) với cấu trúc (module) gồm: Quản lý khoa khám bệnh ngoại trú; Quản lý người bệnh nội trú; Quản lý các phòng xét nghiệm; Quản lý chẩn đoán hình ảnh; Quản lý viện phí; Quản lý Dược (các kho và nhà thuốc); Quản lý trang thiết bị, vật tư y tế; Quản lý báo cáo tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế, báo cáo bảo hiểm y tế (BHYT),…

Với các module này, Bệnh viện đã ứng dụng công nghệ thông tin vào các quy trình như: tiếp đón, thu tiền khám, khám bệnh, kê đơn thuốc, thực hiện các chỉ định, thanh toán viện phí cho người bệnh hoàn toàn trên máy tính (không sử dụng giấy viết tay) và ứng dụng phần mềm quản lý bệnh viện MEDISOFT để thực hiện.

Bệnh nhân thanh toán viện phí (Ảnh: Minh Thúy)
Bệnh nhân thanh toán viện phí (Ảnh: Minh Thúy) 

Trải qua gần 14 năm ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý khám, chữa bệnh cho người dân, Bệnh viện đã nhiều lần nâng cấp phần mềm quản lý bệnh viện nhằm đáp ứng các yêu cầu của người bệnh cũng như yêu cầu của Bộ Y tế và BHYT.

Theo đó, Bệnh viện đã liên tục phát triển, nâng cấp phần mềm để đáp ứng việc trích xuất đầu ra dữ liệu thực hiện yêu cầu thanh toán BHYT của Bộ Y tế gồm: mã hóa danh mục khám, chữa bệnh, chi tiết dịch vụ kỹ thuật, vật tư để thanh toán BHYT, kết xuất theo biểu mẫu 79; 80; 19; 20; 21 của BHYT Việt Nam, đồng thời, Bệnh viện cũng tiến hành nâng cấp phần mềm để xử lý việc chuẩn hóa, định dạng dữ liệu đầu ra sử dụng trong quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT theo 9 bảng dữ liệu mà BHYT đã quy định và các tiêu chuẩn Unicode 8-bit, mô tả định dạng XML.

Từ năm 2016 đến nay, Bệnh viện duy trì ổn định hệ thống mạng, hệ thống phần mềm khám, chữa bệnh để có thể khám, chữa bệnh cho khoảng 1.500 đến 2.500 lượt bệnh nhân trong một ngày.

Hiện, Bệnh viện đang thử nghiệm một số ứng dụng nhằm triển khai bệnh án điện tử và thực hiện Thông tư ban hành Bộ tiêu chí về ứng dụng công nghệ thông tin tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Bộ Y tế.

Triển khai bệnh án điện tử còn gặp khó

Với nhu cầu khám, chữa bệnh tăng cao của người dân, Bệnh viện Da liễu Trung ương đang lập kế hoạch đầu tư thêm thiết bị phần cứng, hệ thống mạng, đặc biệt là phát triển phần mềm để triển khai bệnh án điện tử và y bạ điện tử trong giai đoạn 2020 – 2025.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai bệnh án điện tử và y bạ điện tử, Bệnh viện còn gặp nhiều khó khăn về kinh phí khi đầu tư đồng bộ phần cứng, phần mềm; nhiều thay đổi, quy định của cấp trên ban hành, yêu cầu phải chỉnh sửa phần mềm cho phù hợp. Không chỉ vậy, do chưa có cơ sở dữ liệu y tế quốc gia nên khi tổng hợp thông tin, phần mềm, hệ thống không giống nhau. Ngoài ra, do chưa có quy chuẩn thống nhất nên việc kết nối, phối hợp giữa các bệnh viện trong chia sẻ dữ liệu cũng gặp nhiều khó khăn.

Để chủ động khắc phục những khó khăn còn tồn tại, ông Vinh cho hay, Bệnh viện sẽ cân đối nguồn kinh phí để có thể tiến hành đầu tư phần cứng, nâng cấp phần mềm quản lý bệnh viện nhằm sử dụng một số hạng mục trong bệnh án điện tử, tiến tới không sử dụng bệnh án giấy, thanh toán viện phí điện tử, hướng tới bệnh viện thông minh.

Người dân không phải xếp hàng chờ đợi

Với ứng dụng công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh, người bệnh đến khám, chữa bệnh tại Bệnh viện sẽ được lấy số khám theo thứ tự, được xếp hàng theo bảng điện tử hiển thị, được chờ khám bệnh trên màn hình hiển thị, được khám bệnh, kê đơn thuốc và chỉ định các dịch vụ trên phần mềm quản lý bệnh viện, được thanh toán các dịch vụ vừa bằng thẻ và bằng tiền mặt.

“Người bệnh sẽ được giảm bớt các thủ tục phiền hà, có đơn thuốc rõ ràng, được tư vấn dùng thuốc cụ thể, hạn chế tình trạng bệnh nhân phải xếp hàng, chờ đợi mệt mỏi đến lượt khám, tránh ùn ứ tại khu vực tiếp nhận và khám bệnh. Đối với Bệnh viện, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã giúp nâng cao chất lượng công tác quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, công khai minh bạch tài chính, kiểm soát sử dụng thuốc hợp lý an toàn” – ông Vinh cho hay.

Bệnh nhân không phải xếp hàng chờ đợi để khám bệnh, lấy thuốc tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. (Ảnh: Minh Thúy)
Bệnh nhân không phải xếp hàng chờ đợi để khám bệnh, lấy thuốc tại Bệnh viện Da liễu Trung ương. (Ảnh: Minh Thúy) 

Như vậy, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông vào quản lý khám, chữa bệnh không chỉ giúp người bệnh giảm bớt các thủ tục phiền hà, đơn thuốc rõ ràng, tư vấn dùng thuốc cụ thể mà còn hạn chế tình trạng bệnh nhân phải xếp hàng, chờ đợi mệt mỏi, tránh ùn ứ tại khu vực tiếp nhận và khám bệnh. Từ đó, nâng cao chất lượng công tác quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, công khai minh bạch tài chính, kiểm soát sử dụng thuốc hợp lý an toàn.

Hơn nữa, với việc triển khai bệnh án điện tử, người dân sẽ không còn phải mang nhiều loại giấy tờ khi đến bệnh viện để khám bệnh, việc sử dụng thẻ BHYT cũng trở nên minh bạch hơn.