14 hội, hiệp hội về công nghệ thảo luận cơ hội Chuyển đổi số sau Covid-19

VietTimes – 14 hội, hiệp hội, câu lạc bộ trong lĩnh vực CNTT đã tham dự một cuộc tọa đàm với chủ đề “Chuyển đổi số: Cơ hội và thách thức”. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã tới dự sự kiện này.
Toàn cảnh cuộc gặp gỡ giữa các hội, hiệp hội ngành CNTT (ảnh: Đăng Khoa)
Toàn cảnh cuộc gặp gỡ giữa các hội, hiệp hội ngành CNTT (ảnh: Đăng Khoa)

Mở đầu buổi tọa đàm, ông Nguyễn Long – Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết, chương trình Gặp gỡ ICT 2020 lý ra đã diễn ra từ đầu năm. Tuy nhiên, vì đại dịch Covid-19 nên chương trình này đã không thể diễn ra theo đúng thông lệ do phải thực hiện cách ly xã hội theo chỉ đạo của Chính phủ và tới thời điểm này thì Gặp gỡ ICT 2020 mới tổ chức được. Nhìn lại tiến trình chống đại dịch Covid-19, ông Nguyễn Long khẳng định đó chính là cơ hội cho ngành CNTT bởi cách ly xã hội thì các dịch vụ trực tuyến và làm việc từ xa mới có cơ hội phát triển.

Tiếp đó, ông Nguyễn Huy Dũng – Cục trưởng Cục Tin học hóa thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết cách đây một tháng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chính vì thế, ngành CNTT phải tích cực vào cuộc bởi đó là cơ hội phát triển cho chính mình bên cạnh những giá trị đem lại cho xã hội.

Theo ông, với sự hiện diện của CNTT và Internet, không gian mạng đã và đang là một thực thể sở hữu của nhân loại bên cạnh các thực thể truyền thống khác. Tuy nhiên, các doanh nghiệp CNTT Việt Nam cần nhìn nhận rõ những thách thức về thể chế, môi trường chính sách, hạ tầng, nền tảng kỹ thuật hiện tại của Việt Nam để đưa ra những giải pháp công nghệ hợp lý cho quá trình chuyển đổi số.

ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT (ảnh: Đăng Khoa)
ông Nguyễn Minh Hồng - Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT (ảnh: Đăng Khoa)

Ông Lê Quang Huy – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề cập rằng với sự phát triển của CNTT thì yếu tố pháp luật luôn là đòi hỏi phải được xây dựng, điều chỉnh cho phù hợp. Mới đây, Bộ Thông tin Truyền thông đã tổ chức hội thảo tổng kết 15 năm thực hiện Luật Giao dịch Điện tử. Thực tế cho thấy, Việt Nam tuy đã sớm có luật để quản lý và điều chỉnh các giao dịch trên môi trường mạng nhưng từ đó đến nay đã có nhiều thay đổi của công nghệ nên luật này cần phải sửa đổi cho phù hợp thực tiễn. Quốc hội rất cầu thị lắng nghe mọi ý kiến đóng góp của không chỉ ngành CNTT cho tiến trình này.

ông Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (ảnh: Đăng Khoa)
ông Lê Quang Huy - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (ảnh: Đăng Khoa)

Ông Ngô Diên Hy – Tập đoàn VNPT đề cập đến một khái niệm mới là tài sản số của các cá nhân và tổ chức. Theo ông, trong môi trường mạng thì hạ tầng là rất quan trọng và phải đề cập đến danh tính của dữ liệu. Ông cho rằng đã đến lúc phải nêu cao khẩu hiệu: CNTT là tương lai của đất nước như một số quốc gia đã thành công trong việc phát triển quốc gia số như Estonia.

Ông Lê Hùng Việt – Giám đốc Công nghệ tập đoàn FPT lại đề cập đến thực tế của giai đoạn cách ly xã hội vừa qua khiến rất nhiều cơ quan, tổ chức phải cho nhân viên làm việc từ xa. Qua thực tế đó, có 3 yếu tố nổi lên là con người, quy trình và hạ tầng. Đây là thực tế mà chính các doanh nghiệp CNTT phải làm gương để thuyết phục khách hàng trong làm việc từ xa.

Ông Vũ Quốc Khánh – Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn Thông tin Việt Nam lại đặt vấn đề là an ninh mạng, an toàn thông tin còn chưa có chỗ đứng xứng đáng ở Việt Nam. Vì thế, cần có các chuẩn về an toàn thông tin để các doanh nghiệp, tổ chức phải tuân thủ và đầu tư xứng đáng.

Ông Nguyễn Hồng Quang – Chủ tịch CLB Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam khẳng định, sử dụng phần mềm nguồn mở chính là giúp Việt Nam tiết kiệm chi phí hệ thống. Vấn đề đặt ra là chúng ta phải sớm có chiến lược quốc gia về phần mềm nguồn mở để tự chủ ứng dụng CNTT. Tuy nhiên, sử dụng nguồn mở cũng là con dao hai lưỡi và phải ý thức sâu sắc về việc này.

ông Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch CLB Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (ảnh: Đăng Khoa)
ông Nguyễn Hồng Quang - Chủ tịch CLB Phần mềm Tự do Nguồn mở Việt Nam (ảnh: Đăng Khoa)

Chia sẻ với các đại biểu tham dự tọa đàm, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã kể ra một số câu chuyện. Đầu tiên, ông đề cập đến một thành phố được coi là nghèo nhất ở Thụy Sĩ năm 2008. Khi đó, đã có người giới thiệu với ông thị trưởng về công nghệ blockchain và cho biết công nghệ này chưa thể áp dụng tại Mỹ - nơi khai sinh ra nó vì đất nước này quá lớn. Thế là ông thị trưởng quyết định cho thử nghiệm ngay ở thành phố của mình. Kết quả, chỉ sau 3 năm rưỡi, thành phố của ông đã nổi lên trên bản đồ công nghệ thế giới và rất nhiều công ty, tập đoàn lớn đã phải đến để mở chi nhánh.

Câu chuyện thứ hai được Bộ trưởng đề cập là một công ty ở Pháp đã tích hợp theo dõi phòng ăn của mình bằng camera tích hợp với AI và BigData. Kết quả cho thấy, những bàn ăn nào có 4 đến 8 người cùng ngồi thì nơi đó tập trung những lao động có năng suất cao nhất. Còn những người thích ngồi một mình thì năng suất lao động thường thấp. Vì thế, sau quá trình khảo sát, công ty này đã quyết định cấm các nhân viên ngồi một mình khi ăn và năng suất lao động vì thế thay đổi hẳn.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh: Đăng Khoa)
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng (ảnh: Đăng Khoa)

Sau đó, Bộ trưởng đã đề cập đến thực tế của y tế ở Việt Nam là nếu thực hiện tốt liên thông các bệnh viện và đẩy mạnh các dịch vụ y tế trực tuyến thì hiệu quả sẽ rất tốt. Theo khảo sát chung thì có tới 30% người bệnh có thể điều trị tại nhà theo tư vấn của bác sĩ mà không cần đến bệnh viện.

Cũng về thực tế của ngành y tế trong đại dịch Covid-19, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, ngay từ khi đại dịch này chưa xuất hiện ở Việt Nam, ông đã yêu cầu Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Y tế cùng các doanh nghiệp là VNPT và Viettel phải tiến hành ngay việc liên thông, kết nối các bệnh viện lớn trong toàn quốc. Có như thế thì các bác sĩ giỏi ở tuyến trên mới hỗ trợ được tuyến dưới trong việc chẩn đoán bệnh và đưa ra quy trình điều trị phù hợp.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận hội nghị (ảnh: Đăng Khoa)
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu kết luận hội nghị (ảnh: Đăng Khoa)

Thêm nữa là chuyện quản lý người nhập cảnh vào Việt Nam phải làm sao có báo cáo thống kê bất cứ lúc nào. Việc này đã được giao cho VNPT và Viettel phối hợp với các cửa khẩu để thực hiện và chỉ có kiểm soát tốt người nhập cảnh thì mới phòng chống dịch bệnh hiệu quả.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong chuyển đổi số thì Chính phủ phải chuyển đổi. Tuy nhiên, CNTT không thể tách khỏi điều kiện thực tiễn của đất nước. Theo quan điểm của ông, các doanh nghiệp cần có cái nhìn ưu tiên chuyển đổi số trước tiên với y tế vì nó liên quan đến sức khỏe nhân dân từ đứa trẻ mới chào đời đến những người cao tuổi và với bất kỳ ai thì sức khỏe cũng là quan trọng nhất.