11 thành phố đã thay đổi thế nào để đối phó với ô nhiễm môi trường?

VietTimes – Biến đổi khí hậu kéo theo rất nhiều hệ lụy cho môi trường sống của con người, điển hình là ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn. Các nhà khoa học cho rằng, chất lượng không khí ô nhiễm như hiện tại có thể gây hại đến cơ thể con người hơn cả hút thuốc. Vì thế, tại một số quốc gia trên thế giới, người ta đang nỗ lực thay đổi để đối phó với vấn nạn này bằng công cuộc “thanh lọc” bầu không khí.

1. Ở Oslo, các điểm đỗ xe ô tô đã được chuyển thành làn đường dành cho xe đạp.

Ảnh: BrightSide

Ở trung tâm thành phố Oslo, các điểm đỗ xe trên đường phố đã được chuyển thành làn đường dành cho xe đạp, các băng ghế dài và các công viên mini. Vào đầu năm 2019, thành phố đã loại bỏ 700 điểm đỗ xe như một cách để khuyến khích mọi người không lái xe vào trung tâm thành phố. Chính quyền cũng lắp đặt thêm một số trạm sạc cho ô tô điện các điểm dừng cho người khuyết tật.

2. Các nhà chức trách ở Buenos Aires cải tạo đại lộ giảm thiểu ô nhiễm không khí.

Ảnh: BrightSide

Trung tâm của một đại lộ khổng lồ ở Buenos Aires từng có 20 làn đường giao thông nhưng hiện giờ chỉ còn có xe buýt. Khi sự thay đổi này bắt đầu xảy ra trong thành phố, thời gian người dân lái xe đi làm giảm đáng kể. Ngoài ra, họ đã xoay sở để giải phóng khoảng 100 lô đất dành cho xe ô tô trước đây và biến chúng thành khu vực dành cho người đi bộ.

Ngoài ra, các vạch kẻ đường sáng màu và nổi bật trên làn đường đảm bảo an toàn nhất có thể đối với người đi xe đạp và người đi bộ. Theo cách này, các nhà chức trách đang áp dụng một sự cải tạo không tốn kém trong một khu vực đông dân cư.

3. London mở rộng không gian dành cho người đi bộ.

Ảnh: BrightSide

Năm 2003, chính quyền London đã đề ra một khoản phí khi lái xe vào trung tâm thành phố trong giờ cao điểm. Năm 2010, họ bắt đầu mở đường cao tốc xe đạp đầu tiên. Năm 2019, London đã phát triển hoàn thành một chiến lược giao thông mới, được cho là để cải thiện chất lượng không khí và giảm độ ồn bằng cách giảm thiểu phương tiện cá nhân và khí thải.

Để chống lại vấn đề ô nhiễm không khí, liên quan đến sự gia tăng dân số, chính quyền London đã tạo ra một kế hoạch đặc biệt. Mục đích của kế hoạch là hạn chế lượng khí thải từ phương tiện cá nhân. Ngoài ra, họ cũng xây dựng làn đường xe đạp an toàn trên các đường phố chính của thành phố.

4. Seoul đang lên kế hoạch loại bỏ hoàn toàn những chiếc ô tô “gây hại” vào năm 2020.

Ảnh: BrightSide

Năm 2017, Seoul đã hoàn thành việc chuyển đổi đường cao tốc ô tô thành khu vực dành cho người đi bộ như Đường cao tốc ở New York. Hiện tại, hơn 10 triệu người đã sử dụng khu vực này.

Vào năm 2025, chính quyền thành phố đang lên kế hoạch đưa vào sử dụng 3.000 xe buýt điện và cải thiện các tuyến đường nhằm kích thích mọi người sử dụng phương tiện giao thông công cộng.

5. Madrid biến quận trung tâm thành nơi không phương tiện vận tải.

Ảnh: BrightSide

Vào tháng 11 năm 2018, chính quyền thành phố đã bắt đầu hạn chế lái xe có khí thải trong trung tâm thành phố. Sau khi luật được thông qua, lưu lượng phương tiện đã giảm 32% trong một thời gian ngắn.

Dự án này được gọi là “khu vực với mức phát thải thấp”, được thiết kế nhằm mục đích đảm bảo cho không khí trung tâm thành phố thủ đô trong lành hơn. Chính phủ Tây Ban Nha đã rất hài lòng trước thành công của dự án này. Họ dự kiến sẽ cấm các phương tiện có lượng khí thải lớn trong tất cả các trung tâm thành phố khác trên toàn quốc.

6. Ở Bắc Kinh, ô tô chỉ có thể lái xe vào những ngày đặc biệt trong tuần.

Ảnh: BrightSide

Những phương tiện giao thông có khí thải ở Bắc Kinh bị giới hạn lưu thông trên đường phố trong khoảng thời gian nhất định trong tuần hoặc vào một ngày cố định trong tuần. Chính quyền thành phố cũng đã đề xuất một chương trình hỗ trợ tài chính, khuyến khích những người hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân. Tại các quận mới, chính phủ đã quyết định cấm tất cả các xe ô tô cá nhân, ngoại trừ những chiếc xe điện.

7. Ở Paris, một đường cao tốc đã trở thành khu vực dành cho người đi bộ.

Ảnh: BrightSide

Năm 2017, đường cao tốc bên cạnh sông Seine đã được sử dụng cho mục đích khác, biến thành đường dành cho người đi bộ và công viên không có xe hơi. Đây là một trong những công đoạn được chính quyền thành phố triển khai trong công cuộc giảm mức độ ô nhiễm môi trường bằng cách giảm lưu lượng xe. Đến năm 2024, chính quyền đang lên kế hoạch, dự kiến cấm xe chạy bằng dầu diesel và cấm tất cả xe chạy xăng vào năm 2030.

8. Ấn Độ dự kiến sẽ hoàn toàn chuyển sang xe điện vào năm 2024.

Ảnh: BrightSide

Trước đây, những người đi dạo và mua sắm trên một con phố đông đúc ở Chennai đang phải đối mặt với nhiều rủi ro từ xe hơi và xe kéo. Tuy nhiên hiện tại, khu vực này đang được cải tạo thành một quảng trường dành cho người đi bộ. Việc xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2019. Thêm vào đó, chính phủ Ấn Độ cũng cho biết kế hoạch đến năm 2030, tất cả các phương tiện giao thông đều phải chạy bằng điện.

9. Copenhagen đang tạo ra một đường cao tốc cho xe đạp.

Ảnh: BrightSide

Ngày nay, có đến hơn 50% dân số Copenhagen sử dụng xe đạp để đi làm. Nhờ dự án mở rộng diện tích cho người đi bộ và xe đạp trên cả nước, ngày nay thủ đô của Đan Mạch đã có hơn 300 km đường dành cho xe đạp, một trong những tỷ lệ sử dụng xe hơi thấp nhất tại châu Âu. Bước cuối cùng trong dự án là chế tạo một đường cao tốc cho xe đạp. Tuyến đường đầu tiên trong số 28 tuyến đường theo kế hoạch đã được mở vào năm 2014 và 11 tuyến nữa đã hoàn thành vào năm 2018. Chính phủ cũng đang lên kế hoạch giảm thiếu mức khí thải carbon vào năm 2025.

10. Berlin đang xây dựng đường cao tốc xe đạp.

Ảnh: BrightSide

Năm 2017, Bộ Môi trường, Giao thông và Bảo vệ Khí hậu Berlin đã tiến hành một nghiên cứu, theo đó tiến hành việc tái thiết hoàn toàn 12 đường cao tốc ô tô thành đường cao tốc xe đạp. Đây là một trong những nỗ lực đầu tiên của thành phố nhằm biến giao thông trong thành phố trở nên an toàn nhất có thể. Mục tiêu chính của chính phủ là tăng số lượng người đi xe đạp lên tới 2,4 triệu người vào năm 2025.

11. Georgia hoàn toàn từ bỏ việc sản xuất và sử dụng nhựa.

Ảnh: BrightSide

Vào tháng 4 năm 2019, Bộ Môi trường và Bộ Nông nghiệp ở nước Georgia đã cấm sản xuất, sử dụng và nhập khẩu túi nilon. Chính phủ cũng đề nghị sử dụng các túi tự hủy sinh học, có thể tự phân hủy trong thời gian ngắn hơn nhiều và ít gây hại hơn túi nilon. Nếu phát hiện trường hợp vi phạm, các đối tượng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Cụ thể, sau lần đầu nhắc nhở, nếu nhà sản xuất tiếp tục làm điều tương tự, họ sẽ phải trả khoản tiền phạt đầu tiên là 185 USD, lần tiếp theo tái phạm sẽ là 370 USD và con số sẽ lớn dần lên tùy theo số lần và mức độ vi phạm.

Theo BrightSide