101 chuyện kiêng cữ sân cỏ

VietTimes — Đến giờ rất nhiều cổ động viên S.Khánh Hòa cứ cho rằng việc CLB này không có nhà tài trợ trang phục thi đấu khiến đội nhà lận đận mãi tại V-League 2019. Xung quanh chuyện kiêng cữ của giới "quần đùi, áo số" cũng có đến 101 chuyện dở khóc, dở cười mà chúng tôi sẽ kể ra đây.
Không có động bóng nào dám xem nhẹ kiêng, cữ, kể cả đội dùng HLV ngoại. Ảnh VietTimes
Không có động bóng nào dám xem nhẹ kiêng, cữ, kể cả đội dùng HLV ngoại. Ảnh VietTimes

Hai năm nay, các đội tham gia V-League đều được các nhãn hàng thể thao xịn tài trợ quần áo thi đấu. Đương kim vô địch Hà Nội có Kappa, Hải Phòng, Quảng Nam, Thanh Hóa có Jogarbola, Nam Định, Viettel có VNA Sport, SLNA có Mitre… duy nhất S.Khánh Hòa không có nhà tài trợ quần áo thi đấu. Đến giờ thì việc tại sao lại như thế vẫn là chuyện bí mật nội bộ không được tiết lộ.

Đen vì “không áo, giáp”?

Thực tình năm nay S.Khánh Hòa thi đấu không tồi. Nhưng bàn thắng vẫn là cái gì đó xa xỉ với họ, nên S.Khánh Hòa có thể hòa với Hà Nội nhưng lại thua lãng xẹt Hải Phòng, Viettel. Để rồi HLV Võ Đình Tân kêu trời: “Tôi không đổ lỗi cho xui rủi nhưng đúng là Sanna.KH gặp hết cái rủi này đến cái rủi khác. Cầu thủ thay nhau chấn thương, nhận án phạt và cả những chuyện lãng nhách ảnh hưởng đến phong độ”.

SLNA cũng rất chú trọng thực hiện lễ xuất quân tại Quảng trường Hồ Chí Minh (Vinh). Ảnh Songlamplus.
SLNA  thực hiện lễ xuất quân tại Quảng trường Hồ Chí Minh (Vinh). Ảnh Songlamplus.

Khán giả Khánh Hòa nhẩm tính, mùa giải này nhân sự thì chỉ duy nhất Nguyễn Hoàng Quốc Chí đã rời đội, Sanna.KH vẫn còn từng ấy con người đã làm nên lịch sử tấm HCĐ năm ngoái. Nhưng quá lạ khi sân nhà họ thi đấu rất tệ hại, đá 6 trận họ thua tới 4 trận, hòa 1 và chỉ duy nhất thắng được Quảng Nam 3-2.

Ngay trận khai mạc họ đã thua sấp mặt HAGL, đối thủ ưa thích 1-4 ngay sân nhà. Sau lượt đi, xếp chót bảng xếp hạng V-League, một cổ động viên Nha Trang nói: “Các cụ bảo ra trận là phải áo giáp, cung, kiếm đằng này không có ai tài trợ áo, hèn chi chả thua”. Cả mùa giải năm ngoái họ chỉ thủng lưới 27 bàn, nay mới nửa đường V-League 2019 đã bị thủng lưới 23 bàn.

Ban đầu, mùa giải năm nay đội bóng thành Nam do HLV Nguyễn Văn Sỹ sinh năm 1971 tiếp tục đứng danh cầm quân. Tính ra ông tuổi Tân Hợi, mệnh vô chính diệu tử vi cho rằng “làm phụ tá thì bền, làm trưởng thì không bền. Vì thế, nên hoạt động trong bóng tối hoặc ẩn danh là tốt nhất.” Lúc đầu Văn Sỹ cũng không tin, nhưng đội đá mãi chỉ hòa và thua đành vui vẻ chấp nhận lùi bước để anh trai Văn Dũng đứng tên HLV trưởng, còn mình ngồi sau “nhiếp chính”.

Quả nhiên, kết quả Nam Định đã có những đổi thay tức thì, chả biết lý giải về điều này như thế nào, nhưng có điều sau đó các cầu thủ thành Nam thi đấu như lên đồng. Dù đây chỉ là kế “ve sầu thoát xác” nhưng chiến thắng là điều khán giả sân Thiên Trường đã được tận mắt trông thấy.

Có thờ có thiêng, có kiêng có lành

Xem ra, không có động bóng nào dám xem nhẹ kiêng, cữ, kể cả đội dùng HLV ngoại. Thường thì sẽ có bộ phận “chuyên trách” để làm điều này một cách khá lặng lẽ và thường xuyên trong mùa giải.

Đầu mùa giải thì phải nhờ thầy, bấm quẻ tính ngày làm lễ xuất quân, giờ khởi hành. Thường thì trước Tết nguyên đán, sếp sẽ chọn tuổi cầu thủ để “xông đất”, chỉ ai hạp tuổi với sếp mới được đến sớm, ai kỵ tuổi thì chớ có dại. Khi đội đang thắng, không kể cầu thủ ta hay Tây, tuyệt đối cấm cạo râu, cắt tóc. Nội ai không nghe, lỡ trốn đi chỉnh trang sắc đẹp để đội thua trận là y như rằng nghe “ca cải lương” mấy ngày không thấu.

Lễ chào sân đầu năm mới của đội SHB.Đà Nẵng (ảnh VietTimes)
Lễ chào sân đầu năm mới của đội SHB.Đà Nẵng (ảnh VietTimes)

Đội hình ra sân là việc của BHL nhưng việc sắp xếp ngồi máy báy, xe bus là chuyện của “mama đại tổng quản” lo chuyện hậu cần của đội bóng. Đội đang thắng thì chả việc gì phải thay cả vị trí ngồi lẫn thứ tự lên xe, ai đang đỏ cứ việc đĩnh đạc bước lên xe bus đầu tiên. Nên có chuyện có lúc cả đội cứ phải đứng trước cửa xe hồi lâu đợi “gà son” của đội đang bận giải quyết việc riêng, không ai dám lên xe. Phải khi bị cắt “cầu son” thì đội mới thay lại “đội hình lên xe bus” cũng như sơ đồ ghế ngồi.

Ngay từ ngày bước chân lên đội 1, các cầu thủ trẻ đã được đàn anh dặn không dược đè chân lên vạch vôi. Ngoài ra, đàn anh sẽ đứng ra dặn dò: “những điều cấm không được làm”, phần lớn chả liên quan gì đến chuyên môn, làm cũng được mà không làm…thì không thể nào được. Nghe phổ biến rồi, cầu thủ nào hấp tấp, vô tình bước ra sân mà đè vạch vôi đội thua thì phải nghe mãi “bài ca không quên” cho đến khi nào hết cơn đen may ra mới thoát nạn.

Khi khởi động, các cầu thủ sút cầu môn thoải mái, càng mạnh và có độ khó để thủ môn khởi động BHL càng thích. Nhưng khi nghe trợ lý thông báo, hết thời gian khởi động, chuyển sang uống nước, nghỉ ngơi, chỉnh trang giày, quần áo chuẩn bị thi đấu mà cầu thủ nào sút cố, để bóng vào khung thành thì thế nào cũng bị la. Rủi đội mà thua, thì cầu thủ đó đứng ngồi không yên với các sếp.

Cúng sân, chọn áo

Có một thủ tục mà chẳng đội đá V-League hay hạng Nhất nào quên đó là cúng sân. Đầu năm cúng sân, đêm trước trận đấu cũng cúng sân, thua nhiều quá cũng cũng sân, cúng cả khung thành để tránh bóng trúng xà ngang, xà dọc, lần nào cũng đầu heo đàng hoàng.

Có khi thấy chưa yên tâm thì Hội cổ động viên cũng tham gia thủ tục này, cũng mâm cỗ, lễ lạt riêng, đúng tinh thần “luôn luôn đồng hành cùng đội bóng”. Nếu hương cháy đẹp, BHL và cầu thủ yên tâm mà đá, ngược lại cũng đứng ngồi không yên.

Lễ cúng sân trước trận Quảng Ninh gặp S.Khánh Hòa trên sân Cẩm Phả (ảnh VTC News)
Lễ cúng sân trước trận Quảng Ninh gặp S.Khánh Hòa trên sân Cẩm Phả (ảnh VTC News)

Đội yếu mà thua thì đã đành, quân mạnh mà đá mãi không vào, trong khi đối phương chỉ một vài pha phản công mà có bàn thắng thì chỉ có lý giải đơn giản nhất “ma ám”. Chắc chắn là vẫn phải tập luyện chuyên cần, nhưng các sếp CLB sẽ phải làm lễ lạt thật lớn đến các đền, chùa thiêng trong vùng để giải đen.

Việc chọn áo và chọn sân tưởng chả cần kiêng cữ gì cả, đá sân nhà thì mặc áo truyền thống, chọn sân thì tránh chói mặt trời, căn cứ vào chiến thuật trận đấu để chọn lợi gió hiệp đầu hay hiệp sau. Nhưng mọi người nhầm, đen quá vẫn chọn màu áo “sái” với quy định chung, theo kiểu mình là chủ nhà, mình có quyền. Để ý thì thấy, mấy chục năm nay, nếu được chọn sân chả đội chủ sân Hàng Đẫy nào lại chọn khung thành phía bệnh viện Xanh pôn.

Không phải chỉ V-League cầu thủ mới kiêng cữ, các cầu thủ châu Âu cũng mê tín không kém. Hẳn người xem đã thấy quý ông Beckham khi còn đá cho MU vài tuần không cạo râu. Bóng đá chuyên nghiệp là thế!