|
Dưới đây là 10 sự kiện kinh tế Việt Nam nổi bật năm 2024 do Tạp chí VietTimes bình chọn:
Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) - Phố Nối (Hưng Yên) vốn đầu tư gần 1 tỷ USD, với gần 520 km đường dây mạch kép giúp kéo điện ra miền Bắc, khánh thành vào ngày 29/8/2024. Đây là một trong những công trình trọng điểm quốc gia, đường dây 500 kV gồm hai mạch kép đường dây, được liên kết bởi 1.177 vị trí móng cột, đi qua địa bàn 211 xã/phường, của 43 huyện/thị xã thuộc 9 tỉnh.
Trong quá trình triển khai, Thủ tướng có 10 lần chủ trì các cuộc họp, đến trực tiếp công trường để kiểm tra, đôn đốc. Lãnh đạo Chính phủ nhiều lần đề nghị ngành điện thi công với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa”, làm việc “3 ca, 4 kíp, liên tục 24/7”.
Dự án này đã tạo nên một “kỳ tích” cho ngành điện khi thi công thần tốc một công trình khó, trong một khoảng thời gian ngắn kỷ lục chỉ hơn 7 tháng kể từ khi khởi công (ngày 18/1/2024), góp phần tiết kiệm, chống lãng phí.
Dự án đường dây 500 kV mở ra tư duy mới không chỉ trong ngành điện mà cả trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng của Việt Nam đó là nếu thực sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm và biết cách làm thì các công trình lớn có thể hoàn thành vượt kế hoạch.
Tại Hội nghị tổng kết đầu tư xây dựng đường dây 500 kV mạch 3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ trong quá trình làm việc, sẽ có những người bàn làm và có người bàn lùi, có những người quyết tâm và có người không. "Nhưng đại đa số quyết tâm và biết cách làm thì sẽ làm được", Thủ tướng nói và khẳng định công trình mang ý nghĩa cho thấy "không gì là không thể".
Chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là lựa chọn mang tính chiến lược để phát triển hạ tầng quốc gia, là công trình biểu tượng trong kỷ nguyên vươn mình của đất nước, theo Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được Quốc hội thông qua chủ trương vào ngày 30/11/2024, sơ bộ tổng vốn 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD. Tuyến đường sắt dài 1.541 km, điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP HCM), đi qua 20 tỉnh thành. Toàn tuyến được đầu tư mới khổ đôi 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa…
Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.800 ha; dự kiến 120.836 người cần tái định cư. Quốc hội yêu cầu lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025. Dự kiến, dự án sẽ khởi công vào tháng 12/2027.
Dự án được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các ngành công nghiệp liên quan như xây dựng, phụ trợ, các ngành dịch vụ như ngân hàng, công nghiệp đường sắt, tạo ra công ăn việc làm rất lớn... Dự án khi đi vào vận hành sẽ góp phần “rút ngắn” khoảng cách giữa các địa phương, vùng miền, giảm áp lực tập trung dân số, quá tải hạ tầng ở các đô thị lớn đang gây ra nhiều hệ lụy; tái cấu trúc, phân bố lại đô thị, dân cư, mở ra không gian phát triển kinh tế cho các địa phương trên hành lang; giảm tải cho các tuyến đường bộ và hàng không, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh quốc gia trong khu vực.
Có thể nói, việc xây dựng thần tốc dự án đường dây 500 kV mạch 3 đã nêu ở trên sẽ là bài học quý báu để dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam rút ngắn thời gian triển khai, thực hiện.
Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản chính thức có hiệu lực từ 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với quy định, được kỳ vọng mở ra một chu kỳ phát triển mới bền vững.
Ngoài ra, đây là những luật có tác động lan toả rộng lớn đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, kể cả khu vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, du lịch, giao thông vận tải và đặc biệt là ngành xây dựng.
Những điểm đáng chú ý nhất khi Luật Đất đai sửa đổi có hiệu lực là bảng giá đất được xây dựng hàng năm; bãi bỏ quy định về khung giá đất thay vào đó, giá đất sẽ được xác định theo nguyên tắc thị trường; hướng đến quyền lợi của người mua nhà khi cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho đất chưa có sổ từ trước năm 2024; quy định mở cho Việt kiều mua nhà; mở rộng quyền sử dụng đất với người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam...
Tại Luật Kinh doanh bất động sản, một trong những quy định mới là người mua nhà tại các dự án phải chuyển khoản cho chủ đầu tư; chủ dự án chỉ được thu tiền cọc mua nhà trên giấy tối đa 5% giá bán, cho thuê mua và dự án đủ điều kiện mới được mở bán; cấm phân lô bán nền tại 105 thành phố, thị xã…
Luật Nhà ở cũng mở rộng đối tượng được xây dựng nhà ở xã hội và đối tượng được mua, thuê mua nhà ở xã hội; chung cư mini phải đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy và được xem xét cấp sổ hồng…
Chính phủ Việt Nam và Nvidia ký kết mở Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển AI và Trung tâm Dữ liệu AI tại Việt Nam nhằm thúc đẩy ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mở rộng việc làm cho nhân lực trong nước.
Đây là sự kiện “mang tính bước ngoặt lịch sử đối với Việt Nam”, đánh dấu hướng đi mới của Nvidia và đưa Việt Nam trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu ở châu Á.
Thỏa thuận trên là kết quả sau hơn một năm làm việc giữa hai bên, bắt đầu từ chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến trụ sở Nvidia tại Mỹ vào hồi tháng 9/2023. Đây đồng thời là kết quả của chủ trương phát triển kinh tế số, kinh tế xanh gắn với AI, những chỉ tiêu đó tạo ra môi trường thuận lợi để hàng loạt tỷ phú công nghệ tìm đến Việt Nam. Điển hình như Nvidia mua lại VinBrain - công ty trí tuệ nhân tạo của Vingroup - để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn tại Việt Nam.
Thủ tướng đánh giá việc hợp tác diễn ra chỉ sau hơn một năm là dấu mốc quan trọng, thể hiện quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của ông Jensen Huang - nhà sáng lập hãng chip Nvidia trong việc biến Việt Nam thành “ngôi nhà thứ hai của Nvidia” với tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải mang lại hiệu quả cụ thể”.
Bộ Công Thương cho biết tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay đã xác lập kỷ lục mới, dự kiến vượt ngưỡng 700 tỷ USD (ước đạt 783 tỷ USD). Trong đó, xuất khẩu ước đạt 403 tỷ USD. Nhập khẩu ước đạt 380 tỷ USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu vượt hơn 100 tỷ USD so với mức 681 tỷ USD của năm 2023.
Đáng chú ý, xuất khẩu năm nay ước đạt 403 tỷ USD, tăng 13,6% và vượt xa mức 354,7 tỷ USD của năm 2023. Bộ Công Thương đánh giá đây là mức tăng trưởng khá cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á.
Xuất khẩu tăng mạnh ở nhóm hàng nông lâm thủy sản (11 tháng tăng 20,6%), với giá bán nông sản thuận lợi đã hỗ trợ tiêu thụ tốt đầu ra cho sản xuất nông nghiệp, người dân và nhóm hàng công nghiệp chế biến (11 tháng tăng 14,3%).
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước là 18,9%, cao hơn so với khu vực FDI (11,6%). Đồng thời, tỷ trọng trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước cao hơn so với cùng kỳ năm trước (28,9% so với 26,9%).
Đầu năm 2024, giá vàng trong nước liên tục lập đỉnh mới, trong khi giá vàng thế giới đi ngang, nới rộng chênh lệch giá vàng. Mở đầu năm 2024, giá vàng khởi đầu ở mức khoảng 70 triệu đồng/ lượng nhưng sau 5 tháng đã tạo đỉnh mới ở mốc 92 triệu đồng/lượng vào tháng 5. Giá kim loại quý này biến động mạnh sau khi Chính phủ yêu cầu khẩn trương kiểm tra quản lý thị trường vàng và Ngân hàng Nhà nước công bố đấu thầu vàng miếng.
Để giải quyết tình trạng “nhảy múa” của giá vàng, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện bán vàng trực tiếp tới tay người dân thông qua 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước gồm: BIDV, Agribank, VietinBank, Vietcombank và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).
Ngay sau khi có thông tin sẽ bán vàng miếng qua các ngân hàng, giá vàng lập tức giảm mạnh đến hơn 10 triệu đồng/lượng chỉ trong vài ngày, giao dịch ở mức 76,98 triệu đồng/lượng vào thời điểm tháng 6. Tuy nhiên, trước áp lực thị trường quốc tế, giá vàng trong nước đã tăng mạnh trở lại trong quý III và quý IV, hiện dao động ở mức 83-84 triệu đồng/lượng.
Cùng với biến động về giá vàng, hình ảnh người dân xếp hàng như thời bao cấp đi mua vàng ở nhiều thời điểm vì sự khan hiếm cũng là một điểm nhấn ấn tượng với thị trường vàng trong năm 2024.
VinFast chính thức trở thành thương hiệu ô tô bán chạy số 1 thị trường Việt Nam trong 10 tháng năm 2024 khi bàn giao hơn 51.000 ô tô điện các loại, vượt qua nhiều thương hiệu quốc tế như Toyota, Hyundai, Kia…. Đây là lần đầu tiên một hãng xe thương hiệu dẫn đầu thị trường ô tô, đặc biệt trong phân khúc xe điện đang phát triển nhanh chóng.
Trong đó dòng xe chủ lực đóng góp lớn cho doanh số bao gồm: VF3 và VF5. Các dòng xe khác như VF6, VF7, VF8 và VF9 cũng ghi nhận mức tăng trưởng đáng kể. Với lượng đơn đặt hàng đang chờ bàn giao cao, VinFast tin tưởng sẽ giữ vững vị thế hãng xe số 1 thị trường trong thời gian tới.
Ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Vingroup nhận định thành công của VinFast là nhờ sự ủng hộ của những khách hàng tiên phong, những người tin tưởng và hỗ trợ thương hiệu Việt, đồng thời khẳng định VinFast sẽ không ngừng cải tiến chất lượng sản phẩm và dịch vụ để mang đến trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
Số thu do ngành thuế quản lý năm nay ghi nhận mức kỷ lục, vượt 1,7 triệu tỷ đồng (tăng 13,7% so với cùng kỳ năm 2023), theo Tổng cục Thuế.
Với tiến độ này, tính cả dự toán năm 2025, thu ngân sách giai đoạn 5 năm có thể cán đích trên 9 triệu tỷ đồng, vượt 0,7 triệu tỷ so với mục tiêu Quốc hội giao. Theo đó, tỷ lệ huy động vào ngân sách từ thuế đạt khoảng 16-17% GDP. Trong đó thu từ thuế, phí trên 14% GDP.
Thực tế, thu ngân sách đạt kỷ lục trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong năm qua. Tính chung 11 tháng đầu năm, cả nước có 173.200 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước, theo số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Cuối năm 2023, Quốc hội đặt mục tiêu tăng trưởng cho năm 2024 chỉ khoảng 6-6,5%. Nhưng từ tháng 6/2024, khi hoạt động sản xuất, kinh doanh có chiều hướng thuận lợi, Chính phủ đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng từ 6,5-7%. Ngay cả khi cơn bão Yagi ập đến, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của 26 tỉnh, thành phố, Chính phủ vẫn không hạ mục tiêu phấn đấu.
Chỉ còn ít ngày nữa sẽ khép lại năm 2024, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhận định với sự nỗ lực cao của các cấp, các ngành và cường độ thực hiện vào tháng cuối cùng, tăng trưởng GDP năm 2024 không những có thể đạt được mục tiêu kỳ vọng 7% mà có thể đạt mức cao hơn mục tiêu Quốc hội giao.
Năm 2025, Quốc hội giao mục tiêu kinh tế trên 7%. Tuy nhiên, tại công điện vừa ký ban hành, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ ngành, địa phương phấn đấu đạt GDP hai con số vào năm sau. Mức này cũng cao hơn so với chỉ tiêu 8% được Thủ tướng, Chính phủ đề ra trước đó.
Lãnh đạo Chính phủ thừa nhận mục tiêu tăng trưởng hai con số là thách thức. Song việc này sẽ tạo tiền đề bứt tốc cho giai đoạn 2026 - 2030, để đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Việt Nam ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng trên cơ sở giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và có thặng dư cao.
Mặc dù kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, nhưng thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng. Bộ Công Thương cho biết năm 2023 thương mại điện tử Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 25%, thuộc quốc gia phát triển nhanh nhất của Đông Á, trong nhóm 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tiềm năng phát triển thương mại điện tử còn rất rộng lớn, bởi thương mại điện tử đã chiếm khoảng 8% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước.
Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng đột phá nhờ ứng dụng thương mại điện tử, doanh thu bán lẻ hàng hóa xuyên biên giới tăng cao, trong đó có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Năm 2024, quy mô thị trường thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam ước vượt mốc 25 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 20%/năm so với năm 2023, chiếm 2/3 giá trị kinh tế số Việt Nam.