Tuần hoàn hay đảo nợ?

Ngày 16-9-2016, NHNN ban hành Công văn số 6960/NHNN-TTGSNH yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) dừng cho vay mới trả nợ trước hạn và/hoặc cấp tín dụng theo hình thức cho vay tuần hoàn. Vì sao thời điểm này Ngân hàng Nhà nước (NHNN) lại muốn siết hoạt động này, điều mà NHNN đã từng thực hiện hai năm trước (Công văn 7059/NHNN-TTGSNH)?
Dừng cho vay trả nợ trước hạn và cho vay tuần hoàn cho thấy đây chưa phải là giải pháp thấu tình đạt lý và khó có thể giúp NHNN đạt được mục tiêu của mình. Ảnh: THÀNH HOA
Dừng cho vay trả nợ trước hạn và cho vay tuần hoàn cho thấy đây chưa phải là giải pháp thấu tình đạt lý và khó có thể giúp NHNN đạt được mục tiêu của mình. Ảnh: THÀNH HOA

Cơ sở pháp lý

Thực tế cho đến nay, NHNN không có văn bản nào giải thích cụ thể thế nào là cho vay tuần hoàn (rollover loan). Căn cứ vào Công văn 7059, cho vay tuần hoàn có thể được hiểu là khi một khoản vay đến hạn, TCTD tiếp tục cho khách hàng vay một phần hoặc toàn bộ nợ gốc đến hạn thêm một kỳ hạn mới theo thỏa thuận của các bên.

Còn theo khái niệm vẫn được quốc tế sử dụng, cho vay tuần hoàn là hình thức cấp tín dụng mà khách hàng vay được quyền rút tiền từ một hạn mức cho trước, trả vào và được rút ra lại bằng bất kỳ cách nào và tại bất kỳ thời điểm nào cho đến khi hạn mức hết hiệu lực. Khoản vay thường sẽ được xem xét lại hàng năm và nếu khách hàng vẫn đáp ứng được các yêu cầu của bên cho vay thì khoản vay sẽ vẫn được tiếp tục cho đến khi nào bị hủy bỏ.

Tín dụng tuần hoàn có thể cấp cho cả hai đối tượng là cá nhân và doanh nghiệp. Đối với khách hàng cá nhân, thẻ tín dụng và thấu chi là những sản phẩm điển hình, còn đối với doanh nghiệp thì hạn mức tín dụng và thư tín dụng tuần hoàn là những đại diện.

Còn đối với cho vay mới để trả nợ trước hạn thì đây thường được xem là một hình thức đảo nợ. Tuy nhiên, một khách hàng đang có một khoản vay với lãi suất cao, muốn vay tại một ngân hàng khác có mức lãi suất thấp hơn hoặc dịch vụ tốt hơn để trả cho món nợ này (các ngân hàng thường gọi là mua nợ) có bị xem là đảo nợ? Thực tế không thể đánh đồng mọi thứ trong một khái niệm, càng không thể cấm hoạt động hợp pháp này của các TCTD.

Các hình thức nào bị cấm?

Trước tiên, có lẽ cần giải thích về hai hình thức cho vay phổ biến mà các TCTD đang áp dụng, đó là cho vay từng lần (còn gọi là cho vay theo món) và cho vay theo hạn mức tín dụng. Do NHNN không giải thích gì về cho vay tuần hoàn nên có thể dẫn đến việc nhầm lẫn rằng cho vay tuần hoàn áp dụng với cả hai hình thức này. Thực tế không phải như vậy.

Cho vay từng lần là hình thức mà mỗi lần vay, ngân hàng và khách hàng ký một hợp đồng vay cho một mục đích cụ thể (mua nhà, mua xe…) trong một thời gian cụ thể. Trong thời hạn vay, khách hàng được rút tiền nhiều lần và phải hoàn trả khi hết thời hạn vay. Khách hàng có thể rút tiền, sau đó trả vào nhưng sẽ không được vay lại đối với số tiền đã hoàn trả. Khi hết thời gian của hợp đồng vay, khách hàng phải hoàn trả toàn bộ khoản vay cho ngân hàng và không được cho vay lại vì mục đích của khoản vay đã hoàn tất (nhà, xe đã mua xong), vì vậy mà không có cho vay tuần hoàn. Nếu khách hàng vay mới sau khi hết thời hạn của khoản vay cũ thì đó là một khoản vay hoàn toàn khác.

Còn cho vay hạn mức thường áp dụng đối với những khách hàng có nhu cầu vốn thường xuyên, khách hàng có thể rút tiền trong hạn mức thỏa thuận để sử dụng cho những mục đích xác định, sau đó hoàn trả lại cho ngân hàng khi có nguồn thu và vẫn tiếp tục được rút tiền để sử dụng nếu tổng số tiền rút ra tại một thời điểm vẫn nhỏ hơn hạn mức. Phương thức này theo thông lệ quốc tế là một loại hình cho vay tuần hoàn.

Như vậy, dừng cho vay tuần hoàn có nghĩa rằng cho vay thấu chi và thẻ tín dụng đối với cá nhân hay cho vay theo hạn mức tín dụng và thư tín dụng tuần hoàn đối với doanh nghiệp là những hình thức không được thực hiện?

Tại sao lại dừng?

Dừng cho vay để trả nợ trước hạn nếu đó là cho vay đảo nợ sẽ không quá khó hiểu, bởi khi đó cho vay trả nợ trước hạn là một trong những hình thức giấu nợ xấu. Tuy nhiên, công văn của NHNN yêu cầu dừng tất cả các trường hợp cho vay trả nợ trước hạn lại là một quy định thiếu thực tế.

Thực ra, cho vay tuần hoàn và đảo nợ là hai hình thức không hoàn toàn giống nhau.

Trên thực tế, việc trả vào và rút ra ngay sau đó đối với cho vay hạn mức có rất nhiều trường hợp là cho vay đảo nợ. Hết một chu kỳ kinh doanh, khách hàng có nguồn thu và phải hoàn trả nợ cho ngân hàng. Sau đó, ngân hàng sẽ tiếp tục giải ngân cho khách hàng để bắt đầu một chu kỳ kinh doanh mới. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó dòng tiền đã không quay về theo lộ trình, khách hàng có thể vay từ bên ngoài để hoàn trả cho ngân hàng và được ngân hàng giải ngân ngay sau đó.

Tuy nhiên, những trường hợp này chỉ nên xem là mặt trái trong một hoạt động của ngân hàng, điều mà trong thực tế cuộc sống và hoạt động kinh doanh vẫn thường như vậy.

Mục tiêu có đạt được?

Nhắc lại một công văn đã ban hành cách đây hai năm (Công văn 7059/NHNN-TTGSNH) có lẽ mục đính chính của NHNN là cần biết chính xác về con số... nợ xấu. Bản thân NHNN có lẽ đang cần các TCTD thật lòng hơn về tỷ lệ nợ xấu thực sự chứ không phải chỉ là 2,58% (số liệu quí 2-2016) mà NHNN công bố trên trang web của mình.

Cho vay đảo nợ núp bóng dưới nhiều hình thức có thể là điều mà NHNN muốn kiểm soát, nghiêm cấm. Tuy nhiên, dừng cho vay trả nợ trước hạn và cho vay tuần hoàn cho thấy đây chưa phải là giải pháp thấu tình đạt lý và khó có thể giúp NHNN đạt được mục tiêu của mình.

Ngược lại, việc dừng cho vay trả nợ trước hạn và cho vay tuần hoàn có thể ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của các TCTD bởi nhiều nghiệp vụ quan trọng đã bị hạn chế. Hoạt động của các TCTD có nguy cơ bị méo mó trong khi các khách hàng vay vốn chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi các khoản vay không được tái tục. Biết rằng, trong những trường hợp cụ thể, những biện pháp kỹ thuật có thể giúp giải quyết vấn đề, song “tác dụng phụ” phải nằm trong tầm kiểm soát. Đây có thể là điều mà việc ban hành Công văn 6960 có khả năng không đạt được.    

Theo TBKTSG