Trung Quốc: Người đứng đầu doanh nghiệp quốc phòng chế tạo tàu sân bay bị điều tra

VietTimes -- Đêm 16/6, trang web của Ủy ban Kiểm tra kỷ luật trung ương (UBKTKLTW) - Ủy ban Giám sát quốc gia Trung Quốc bất ngờ đăng thông báo: Lưu Ba, Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp nặng – Tàu thuyền Trung Quốc (CSIC) đang bị UBKTKLTW điều tra vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng. Hôm 11/6, Tôn Ba vẫn còn xuống thị sát nghiên cứu Tập đoàn mậu dịch vật tư trực thuộc CSIC. Đó là lần cuối cùng ông ta xuất hiện công khai.
Ông Tôn Ba khi còn giữ chức.
Ông Tôn Ba khi còn giữ chức.

CSIC “có vấn đề vi phạm các quy định và kỷ luật nghiêm trọng”

Ngày 14/6, khi Chủ tịch Tập đoàn CSIC Hồ Vấn Minh tới hiện trường Tập đoàn đóng tàu Đại Liên thị sát, đi cùng ông chỉ thấy Phó Tổng giám đốc, Thư ký Chủ tịch Tập đoàn, Trợ lý TGĐ, nhưng vắng mặt Tổng giám đốc Tôn Ba.

Tư liệu chính thức cho biết, Tập đoàn CSIC thành lập năm 1999 là xí nghiệp loại đặc biệt lớn trực thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc, 1 trong 10 tập đoàn công nghiệp quân sự lớn của Trung Quốc; bao gồm 46 nhà máy xí nghiệp công nghiệp, 28 sở, viện nghiên cứu với tổng số 140 ngàn công nhân, tổng số vốn 190 tỷ NDT; năm 2016 đứng thứ 58 trong số 500 xí nghiệp mạnh nhất Trung Quốc.

Tập đoàn đóng tàu Đại Liên nơi Tôn Ba nhiều năm lãnh đạo
Tập đoàn đóng tàu Đại Liên nơi Tôn Ba nhiều năm lãnh đạo 

CSIC là nơi nghiên cứu, chế tạo trang thiết bị chính cho hải quân Trung Quốc ; chịu trách nhiệm nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, thử nghiệm, đảm bảo mọi  mặt về các loại trang bị, vũ khí như tàu sân bay, tàu ngầm hạt nhân, tàu ngầm loại thường, tàu nổi mặt nước và các vũ khí dưới nước (ngư lôi, thủy lôi…) cho hải quân.

Chính CSIC đã thiết kế và chế tạo ra thiết bị lặn có người điều khiển mang tên “Giao Long” lặn tới độ sâu 7.062m, lập kỷ lục thế giới. CSIC cũng là nơi phát triển, sản xuất hàng trăm sản phẩm phi tàu thuyền và nhận thầu các công trình trọng điểm của quốc gia như thiết bị nâng hạ tàu thuyền ở đập Tam Hiệp, cầu lớn vượt biển nối liền Hongkong – Chu Hải – Ma Cao.

Tháng 6/2015, Tổ tuần thị của UBKTKLTW từng công bố bản báo cáo thanh tra chống tham nhũng đối với Tập đoàn; chỉ rõ các viện nghiên cứu của CSIC “có vấn đề vi phạm các quy định và kỷ luật nghiêm trọng”, một số nơi quản lý tài chính hỗn loạn; nhiều nơi tùy tiện chuyển giao các hạng mục cho công ty tư nhân; có nơi bán tài nguyên đơn vị và tri thức kỹ thuật để cá nhân trục lợi; có lãnh đạo vi phạm quy định chi tiêu bừa bãi số tiền cực lớn; có lãnh đạo xí nghiệp và viện nghiên cứu lợi dụng chức quyền, vị trí công tác để mưu lợi khủng cho cá nhân và bạn bè thông qua việc xây dựng công trình, thu mua vật tư, hợp tác, nhận thầu…Báo chí Trung Quốc cũng từng phản ánh ngành đóng tàu tồn tại vấn đề chiết khấu nghiêm trọng. Năm 2012 xảy ra vụ việc Tập đoàn Tàu thuyền Vũ Xương trực thuộc CSIC đã bỏ ra 760 triệu NDT để đóng con tàu “Hải Dương thạch du 682UT778CD” bị chìm sau khi xuất xưởng.

Tôn Ba sinh năm 1961, Tiến sĩ Công nghiệp (2007), xuất thân cán bộ kỹ thuật đóng tàu Nhà máy đóng tàu Đại Liên, dần dần thăng tiến trải qua các chức vụ Chủ tịch, Tổng giám đốc Công ty TNHH đóng tàu Đại Liên; Trợ lý TGĐ Tập đoàn, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn công nghiệp nặng – Tàu thuyền Đại Liên. Tháng 12/2009, Tôn Ba được bổ nhiệm làm đảng ủy viên Tập đoàn CSIC; tháng 4/2012 được bổ nhiệm Phó Tổng giám đốc CSIC; tháng 3/2015 được thăng chức Phó Bí thư, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn CSIC.

Đáng chú ý, Tôn Ba không phải là quan chức đầu tiên của CSIC bị ngã ngựa. Theo The Paper, tháng 11/2016, một đồng sự của Tôn Ba là Lưu Trường Hồng, đảng ủy viên, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra kỷ luật đảng ủy tập đoàn cũng đã bị UBKTKLTW tiến hành điều tra và bị kết luận “vi phạm nghiêm trọng  kỷ luật liêm khiết, lợi dụng chức vụ mưu lợi cho người khác trong hoạt động kinh doanh và tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ rồi nhận hối lộ”. Lưu Trường Hồng đã bị khai trừ đảng tịch và công chức, chuyển giao cơ quan tư pháp điều tra xử lý theo pháp luật. Hồng và Ba đã có thời gian cùng làm công tác trong đảng ủy suốt hơn 5 năm.

Tàu sân bay Liêu Ninh do CSIC cải tạo
Tàu sân bay Liêu Ninh do CSIC cải tạo 

Tàu “Type -001A” thử nghiệm thất bại

Thông tin trên một số trang mạng cho biết, việc Tôn Ba ngã ngựa có liên quan đến vấn đề chất lượng của các tầu sân bay Liêu Ninh mà CSIC đã cải tạo từ con tàu Varygard của Liên Xô cũ và tàu sân bay đầu tiên mang tên tạm thời “Type -001A” do Trung Quốc tự thiết kế và đóng. Được biết, cả hai con tàu sân bay này đều bị phát hiện “có vấn đề về chất lượng” trong việc thiết kế và bảo dưỡng.

Tờ “Chosun Ilbo” của Hàn Quốc ngày 11/5 đưa tin, từ 7-8/5, sau khi cuộc gặp gỡ Tập Cận Bình – Kim Jong Un ở Đại Liên kết thúc, mọi động thái của ông Tập đột nhiên biến mất trên báo chí; kế hoạch chạy thử tàu “Type -001A” để đón Chủ tịch Tập Cận Bình về thăm Đại Liên được quảng bá rầm rộ trước đó cũng không diễn ra.

Tàu sân bay Type-001 do CSIC thiết kế chế tạo trục trặc ngay khi chạy thử nghiệm
Tàu sân bay Type-001 do CSIC thiết kế chế tạo trục trặc ngay khi chạy thử nghiệm 

Tạp chí “The National Interest” (Lợi ích quốc gia) chuyên về quân sự và ngoại giao của Mỹ đã dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Tại nói: khi đó chiếc tàu sân bay “Type -001A” do Trung Quốc tự thiết kế và chế tạo đầu tiên đã xuất hiện vấn đề trục trặc. Trước đó, có tin con tàu này không khởi động được động cơ nên kế hoạch ra biển chạy thử đã công bố bị hoãn lại. Vào ngày “Tết hải quân” 23/4, các con tàu đảm bảo chuẩn bị cho con “Type -001A” ra biển chạy thử  đã treo đầy cờ màu.

Ngày 1/5, Tàu bảo đảm hậu cần số 89 cũng treo đầy đủ cờ màu, Cục Hải sự Liêu Ninh đã ra cảnh báo hàng hải, việc chạy thử đã sẵn sàng; nhưng đến ngày 2/5, đột nhiên tất cả cờ màu bị tháo bỏ, tàu sân bay lại tiến hành tái thử nghiệm động cơ. Các chuyên gia quân sự cho rằng, tàu “Type -001A” đã xảy ra sự cố nên đành hủy bỏ kế hoạch ra biển chạy thử.

Ngày 5/4, Cục Hải sự Liêu Ninh lại ra Cảnh báo hàng hải cho biết cấm biển tại một khu vực ở phía Bắc Hoàng Hải và Vịnh Bột Hải từ ngày 4 đến 11/5 vì có nhiệm vụ quân sự. Ngày 5/4, một chiếc máy bay trực thăng ZH-18 của hải quân đáp xuống boong chiếc “Type -001A” đang đậu tại cảng Đại Liên; vì vậy người ta phỏng đoán nó sắp ra biển chạy thử nghiệm.

Đồng thời với lúc đó, từ 7 đến 8/5, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un  lại thăm Trung Quốc, tiến hành hội đàm với ông Tập Cận Bình tại Đại Liên; vì vậy có thông tin ông Tập sẽ mời Kim Jong Un  cùng lên tàu “Type -001A” tham dự lễ xuất bến.

Tàu Type-001 được các tàu kéo hộ tống rời cảng Đại Liên
Tàu Type-001 được các tàu kéo hộ tống rời cảng Đại Liên 

Đến ngày 12/5 vẫn không thấy tin về lễ xuất bến; thay vào đó, Cục Hải sự Liêu Ninh lại thông báo lệnh cấm biển từ ngày 11 đến 18/5 thay cho từ 4 đến 11/5 trước đây. Điều đó có nghĩa là việc ra biển chạy thử của tàu sân bay đã bị hoãn lại.

Ngày 13/5, chiếc “Type -001A” mới từ từ được các tàu kéo hộ tống rời cảng Đại Liên của Tập đoàn CSIC ra biển chạy thử nghiệm; đến ngày 18/5 thì việc thử nghiệm kết thúc.